Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành nghề mới nổi
Nâng cao năng suất lao động, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành nghề mới nổi, công nghệ mũi nhọn là vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận trong phiên họp ngày 4-11 của Quốc hội đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, định hướng năm 2025.
Năng suất lao động chưa đáp ứng yêu cầu dẫn dắt phát triển
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) ghi nhận tốc độ tăng năng suất lao động xã hội sau 3 năm không đạt, đến năm 2024 đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ, năng suất lao động và chất lượng lao động, nguồn nhân lực còn nhiều mặt hạn chế, chưa thực sự là động lực, là đột phá để phát triển kinh tế-xã hội, chưa đáp ứng yêu cầu dẫn dắt phát triển và tái cơ cấu nền kinh tế.
Đây là vấn đề cần được quan tâm, vì xét đến cùng, năng suất lao động là yếu tố quyết định sự thắng lợi của một chế độ xã hội, vì chỉ tiêu này gắn liền với tốc độ tăng trưởng và quy mô của một nền kinh tế.
“Đất nước muốn thịnh vượng thì phải tăng năng suất lao động và yếu tố quan trọng để tăng năng suất lao động là nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao, phù hợp. Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm hơn để phát triển kỹ năng nghề cho người lao động theo quy mô, số lượng và cơ cấu trình độ, kỹ năng nghề hợp lý, nhằm bảo đảm chỉ tiêu này có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn tới”, đại biểu Dương Khắc Mai chia sẻ.
Khẳng định Việt Nam có thể trở thành điểm đến lý tưởng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, song đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, Việt Nam đang đối mặt với sự thiếu hụt nhân lực. Do vậy, Chính phủ cần có sự quan tâm đặc biệt trong việc xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn; có chính sách ưu đãi thúc đẩy hợp tác công tư nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu hơn vào quá trình quản lý và vận hành các cơ sở đào tạo liên quan đến lĩnh vực này...
Chủ động trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Liên quan tới vấn đề nhân lực, giải trình làm rõ các ý kiến đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu rõ: "Chúng ta đang đào tạo nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh một nền kinh tế mà tỷ trọng các doanh nghiệp FDI khá lớn. Đặc điểm của doanh nghiệp FDI thường là khi họ đem một lĩnh vực mới tới Việt Nam thì câu hỏi đặt ra là vấn đề nguồn nhân lực có chuẩn bị đủ chưa?; đây sẽ luôn luôn là câu hỏi khó trả lời. Cho nên, chúng ta phải phân tích hết được những khó khăn, thách thức, từ đó có kế hoạch và sự chủ động trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng được những yêu cầu mới trong tình hình mới".
Lý giải thêm, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, bên cạnh chú trọng đào tạo nhân lực đại trà thì Việt Nam chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn liền với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo.
Nước ta phấn đấu đến cuối năm 2025 nằm trong tốp 3 các nước dẫn đầu ASEAN về chỉ số đổi mới, sáng tạo toàn cầu. Do vậy, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tập trung vào 2 đề án lớn với một số vấn đề cơ bản. Đó là đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghệ bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn 2050; đề án phát triển nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao.
Cùng với đó, quan tâm phát triển chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào khu vực công; trong đào tạo đại học thì chú trọng nghiên cứu khoa học, lấy tự chủ đại học là khâu đột phá; trong giáo dục nghề nghiệp thì tập trung đổi mới theo hướng mở linh hoạt, hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và nhà nước, trong đó kết nối doanh nghiệp phải là khâu đột phá…