Dấu ấn điêu khắc trong quy hoạch đô thị ở Hà Nội

Tượng đài ở Hà Nội không chỉ có những tác phẩm nổi tiếng mang tính biểu trưng, lịch sử, mà hiện nay, mảng điêu khắc trang trí cũng đã trở thành 'linh hồn' của nhiều không gian đô thị.

Tượng đài Cảm tử trong khuôn viên vườn hoa Hàng Đậu đang được chỉnh trang. Ảnh: Thanh Tuấn

Tượng đài Cảm tử trong khuôn viên vườn hoa Hàng Đậu đang được chỉnh trang. Ảnh: Thanh Tuấn

Những dấu ấn điêu khắc ngoài trời

Điêu khắc trang trí trong vườn hoa, công viên, điểm tập trung đông người cũng được Hà Nội đầu tư làm mới như tượng đài Cảm tử (Hoàn Kiếm), Tượng đài Cảm từ ở cạnh đền Bà Kiệu, phù điêu "Hà Nội - Mùa đông 1946" tại chợ Đồng Xuân, Nhóm tượng Công nông binh ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô… đã trở thành linh hồn của khu vực, trở thành điểm “check-in” trong cuộc hành trình đến với Thủ đô của du khách trong và ngoài nước.

Là người thực hiện nhiều công trình nghệ thuật điêu khắc lớn trên khắp Thủ đô Hà Nội, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ cho biết: “Khoảng hơn 10 năm trở lại đây tôi nhận được khá nhiều lời mời hợp tác, triển khai hệ điêu khắc ngoài trời và điêu khắc nội thất của các tập đoàn lớn với nội dung rất phong phú như tượng, phù điêu, đài nước lớn, chậu cây... với kích thước lớn.

Đặc biệt là các khu đô thị mới không bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về mặt bằng, về lịch sử.. nên ngay từ quy hoạch tổng thể ban đầu họ thiết kế rất đồng nhất, có sự hòa hợp giữa điêu khắc, kiến trúc và cảnh quan tạo nên một diện mạo mới, cách nhìn mới cho không gian sống, giá trị thẩm mỹ thị giác được ưu tiên. Đây là một dấu hiệu rất đáng mừng bởi nghệ thuật điêu khắc đã được đánh giá đúng tầm quan trọng của mình trong cảnh quan và kiến trúc, mang lại giá trị thẩm mỹ xứng tầm quốc tế”.

Điển hình như ở một số khu đô thị mới hiện đại như Royal City (quận Thanh Xuân), khu đô thị Nam Cường (quận Hà Ðông), trong quy hoạch tổng thể ngay từ ban đầu đã dành quỹ đất cho cảnh quan và điêu khắc nhằm tạo điểm nhấn cho khu đô thị. Quảng trường Tứ Mã với quần thể điêu khắc mang phong cách châu Âu hay Công viên âm nhạc với các nhóm tượng về các chủ đề âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn… đều tương tác với cảnh quan, trở thành điểm check-in thu hút cư dân hay người tham quan.

Với sự mở rộng về diện tích, sự phát triển của các khu đô thị mới và gia tăng nhanh chóng về dân số như hiện nay, Hà Nội dần trở nên thiếu các không gian công cộng và thiếu các tác phẩm điêu khắc kiến tạo nên những không gian nghệ thuật công cộng xứng tầm.

Cụm tượng đài lực lượng cảnh sát Nhân dân với chủ đề "Công an vì Nhân dân phục vụ" đặt tại phố Trần Nhân Tông, Hai Bà Trưng. Ảnh: Thanh Tuấn

Cụm tượng đài lực lượng cảnh sát Nhân dân với chủ đề "Công an vì Nhân dân phục vụ" đặt tại phố Trần Nhân Tông, Hai Bà Trưng. Ảnh: Thanh Tuấn

Phát huy giá trị của những tác phẩm điêu khắc công cộng

Theo kiến trúc sư, nhà điêu khắc Nguyễn Trường Giang (Hà Nội): Hiện nay, không gian đô thị ở Hà Nội vẫn thiếu những tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao. Nguyên nhân cho cái thiếu này là do thiếu kết hợp đồng bộ giữa quy hoạch tổng thể, thiết kế thống nhất, điêu khắc, kiến trúc và cảnh quan.

Hàng năm, dịp năm mới, quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm đều trưng bày, triển lãm điêu khắc con giáp theo chủ đề năm. Tuy nhiên, các tác phẩm này không đọng lại được giá trị xứng đáng cho tác phẩm điêu khắc công cộng (ĐKCC).

ĐKCC vừa là biểu đạt văn hóa, thể hiện ngôn ngữ của khu đô thị, mang đến không gian nghệ thuật cho cư dân trong khu đô thị và nâng cao thẩm mỹ cho công chúng, vừa thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế. Tác phẩm điêu khắc không chỉ là vật thể đứng riêng lẻ mà cần phải có tính tương tác với cảnh quan và chuyển tải câu chuyện văn hóa. Thiếu vị trí đặt, kiến trúc cảnh quan không có, khó tiếp cận, vì vậy các giá trị về không gian, giá trị văn hóa và giá trị nghệ thuật của tác phẩm đều không được khai thác tối đa giá trị và biểu đạt đúng tầm tác phẩm.

"Hiến kế" cho ĐKCC Hà Nội, nhà điêu khắc Nguyễn Trường Giang chia sẻ, với đặc trưng không gian ngõ nhỏ, phố nhỏ, thiếu bề rộng, hạn chế không gian mặt đất và không có các giao lộ lớn để đặt tác phẩm điêu khắc, nhưng Hà Nội lại có không gian lợi thế về vỉa hè, không gian treo lơ lửng trong các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại. Nếu biến nhược điểm thành lợi thế thì tiềm năng của ĐKCC Hà Nội lại rất lớn, trở thành sân chơi cho các nhà điêu khắc có những ý tưởng đặt tác phẩm điêu khắc trong tương lai với bối cảnh chuyển mình của TP đang ngày càng phát triển, tạo nên những tác phẩm điêu khắc mang dấu ấn riêng.

Tác phẩm ĐKCC luôn phải gắn kết với cảnh quan, kiến trúc và môi trường chung quanh. Vì vậy, để có nhiều tác phẩm mang giá trị nghệ thuật, các nhà quy hoạch cần dành quỹ không gian, tính toán vị trí, bối cảnh cho tác phẩm điêu khắc. Các nhà đầu tư mời gọi, đặt hàng, nghệ sĩ, các nhà điêu khắc để sáng tác những tác phẩm phù hợp bối cảnh riêng, vị trí riêng, văn hóa riêng của từng không gian, vừa có chiều sâu, giá trị biểu đạt rõ ràng, vừa có ngôn ngữ riêng.

Từ đó, nghệ sĩ cũng cần tương tác, giao lưu với cộng đồng, là cầu nối mang nghệ thuật tiếp cận công chúng, góp phần quảng bá và đưa nghệ thuật điêu khắc hòa mình vào nhịp sống đương đại.

Triệu Tâm

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn//dau-an-dieu-khac-trong-quy-hoach-do-thi-o-ha-noi-364064.html