Dấu ấn trong phát triển nông nghiệp và nông thôn

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều chỉ tiêu đề ra đã đạt và vượt cao, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ

Bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 có thuận lợi là ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và sự phối hợp hiệu quả của các cấp, các ngành, cùng UBND các huyện, thành phố, thị xã...

Kiểm tra sâu bệnh trên cây lúa xuân ở xã Phú Nhuận (Bảo Thắng).

Kiểm tra sâu bệnh trên cây lúa xuân ở xã Phú Nhuận (Bảo Thắng).

Để hiện thực hóa mục tiêu nghị quyết, trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và định hướng của tỉnh, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chủ động cụ thể hóa thành kế hoạch của ngành để tập trung triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Đảng bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Đảng bộ sở) đã tập trung củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, quyết định đến việc thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Đảng bộ sở luôn quan tâm đến công tác chính trị, tư tưởng; kịp thời nắm, định hướng tư tưởng, nâng cao nhận thức và củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên; đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đồng thời xây dựng, triển khai chương trình hành động thực hiện nghị quyết của đảng bộ các cấp; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chuyên đề các năm gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII.

Đảng bộ duy trì chế độ sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chuyên đề của Ban Chấp hành, các chi bộ trực thuộc, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý đảng viên; quan tâm đến công tác quốc phòng - an ninh, công tác lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội.

Trong nhiệm kỳ, đã cử 60 quần chúng ưu tú tham gia các lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng và đã kết nạp được 45 đảng viên. Đến nay, Đảng bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 246 đảng viên, sinh hoạt ở 9 chi bộ và 1 đảng bộ trực thuộc (Đảng bộ Chi cục Kiểm lâm có 3 chi bộ). Hằng năm, Đảng bộ sở luôn được công nhận là đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, 20% chi bộ đạt trong sạch vững mạnh và trên 95% đảng viên được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hướng đến nền nông nghiệp bền vững

Việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đã tạo được nền tảng vững chắc để Đảng bộ sở lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra. Đến nay, tất cả các chỉ tiêu chính tỉnh giao và của ngành đề ra đều đạt và vượt cao, trong đó mục tiêu tổng sản lượng lương thực có hạt, giá trị trên đơn vị canh tác, số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt trước 1 năm.

Những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ qua cho thấy, ngành nông nghiệp Lào Cai đã có bước phát triển ổn định và toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề.

Kinh tế nông nghiệp phát triển, tốc độ tăng trưởng đạt ở mức cao, bình quân đạt 6,02%/năm (cả nước bình quân đạt khoảng 3,1%/năm); năng suất, chất lượng của cây trồng, vật nuôi được nâng lên, giá trị sản xuất của ngành tăng từ 5.818 tỷ đồng (năm 2016) lên 7.154,3 tỷ đồng (năm 2019). Cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch theo hướng tích cực, ngành nông nghiệp giảm từ 85,31% (năm 2016) xuống còn 80% (năm 2019); tương tự lâm nghiệp tăng từ 11,4% lên 15% và thủy sản tăng từ 3,29% lên 5%. Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được mở rộng, đã thu hút được 58 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ các sản phẩm dược liệu, rau, chè, cây ăn quả, quế... với quy mô hơn 19.000 ha, liên kết với gần 20.000 hộ nông dân; giá trị tiêu thụ qua liên kết đạt hơn 1.620 tỷ đồng; đã có 61 nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp được cấp bằng bảo hộ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý.

Cơ cấu sản xuất trồng trọt được điều chỉnh phù hợp và hiệu quả hơn, chuyển mạnh theo hướng tăng tỷ trọng các ngành hàng, sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi như lúa chất lượng cao (7.750 ha), rau an toàn theo hướng VietGap (720 ha), hoa các loại (327,5 ha), hoa lan và địa lan các loại (95 nghìn chậu), dược liệu (1.800 ha), cây ăn quả ôn đới (2.400 ha), vùng sản xuất chuối và dứa (gần 5.000 ha), chè (hơn 6.000 ha)...

Lĩnh vực chăn nuôi được chú trọng, người chăn nuôi đã chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ sang gia trại, trang trại, từng bước chủ động sản xuất con giống tại chỗ, giảm thiểu tác động của thị trường. Đến nay, toàn tỉnh phát triển được 504 trang trại chăn nuôi, 8 cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, 2 chuỗi chăn nuôi khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng. Thủy sản phát triển mạnh cả về diện tích mặt nước, năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế và dần khẳng định vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Lâm nghiệp phát triển bền vững. Rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên được bảo vệ tốt gắn với phát triển du lịch, rừng cảnh quan được quy hoạch quản lý và đầu tư phát triển xây dựng đô thị xanh; các vùng nguyên liệu được quy hoạch phát triển ổn định.

Lãnh đạo Sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm mô hình trồng dâu nuôi tằm tại huyện Bảo Yên.

Lãnh đạo Sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm mô hình trồng dâu nuôi tằm tại huyện Bảo Yên.

Cùng với các mục tiêu trên, ngành nông nghiệp cũng đã tập trung tham mưu cho tỉnh xây dựng, triển khai Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”. Sau hơn 3 năm thực hiện, không những tạo động lực giúp nông dân tham gia khởi nghiệp, mà còn tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp truyền thống của địa phương...

Những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua đã khẳng định vai trò, trách nhiệm của ngành trong đảm bảo và nâng cao sinh kế, đời sống của người dân, làm thay đổi lớn diện mạo nông thôn, nhất là ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Để xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển bền vững, Đảng bộ sở xác định cần tiếp tục có sự vào cuộc đồng bộ cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, mở rộng vùng sản xuất hàng hóa; phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thân thiện với môi trường, liên kết sản xuất gắn với chế biến, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhận diện sản phẩm và truy xuất nguồn gốc để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao năng lực hoạt động của hình thức kinh tế tập thể; chủ động có các giải pháp ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu; tiếp tục thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển; tăng cường thu hút, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp và nông thôn...

Nguyễn Anh Tuấn

(Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nong-thon-moi/dau-an-trong-phat-trien-nong-nghiep-va-nong-thon-z36n20200508082950049.htm