Đau bụng âm ỉ, cô gái trẻ ngã quỵ khi biết nguyên nhân
Hai tháng gần đây, Tiểu Loan thường đau bụng âm ỉ. Nghĩ bản thân lười uống nước, cơ thể không khỏe nên cô không mấy quan tâm.
Tiểu Loan năm nay 32 tuổi, người Trung Quốc. Bình thường sức khỏe cô rất tốt, ăn ngon ngủ kỹ. Về tiêu hóa, Tiểu Loan thấy mọi việc đều ổn, hiếm khi bị táo bón dù ít ăn rau xanh, lười uống nước.
Vậy nhưng, hai tháng gần đây, Tiểu Loan thường đau bụng âm ỉ vùng dưới bên trái, đại tiện phân không suôn. Nghĩ nguyên nhân do bản thân ăn uống không điều độ, lười uống nước nên cô không đi khám.
Chỉ đến khi bạn bè gợi ý Bệnh viện Chữ thập đỏ Hàng Châu đang có chương trình tầm soát ung thư trực tràng, việc nội soi rất thuận tiện thì Tiểu Loan mới đi khám. Nghe cô gái trẻ trình bày, bác sĩ Lin Jianjiang nhận thấy điều bất thường, chỉ định nội soi.
Quá trình nội soi, bác sĩ phát hiện có một khối u lớn đang phát triển trong trực tràng Tiểu Loan. Khối u lớn, bề mặt không phẳng, chiếm gần như toàn bộ khoang ruột khiến ống nội soi không thể đi sâu hơn nữa.
Nghi đây là khối u ác tính, bác sĩ tiến hành sinh thiết, cuối cùng chẩn đoán Tiểu Loan mắc ung thư trực tràng, cần phẫu thuật loại bỏ khối u càng sớm càng tốt. Nhờ sự nỗ lực của bác sĩ, ca mổ diễn ra suôn sẻ. Bệnh nhân hồi phục hậu phẫu tốt.
Thông qua trường hợp bệnh của Tiểu Loan, bác sĩ nhấn mạnh ung thư trực tràng có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Đáng lưu ý, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của ung thư trực tràng giai đoạn cuối chỉ dưới 10%. Trong khi đó, tỷ lệ sống sót của ung thư trực tràng giai đoạn đầu lên tới 70-90%. Do vậy, việc phát hiện và can thiệp sớm có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả điều trị.
Bác sĩ Lin cũng cho biết, sự xuất hiện từ polyp đại tràng (u tuyến ống, u tuyến nhung mao) thành khối u, ung thư ác tính chỉ từ 5-10 năm. Do vậy, không nên bỏ qua các vấn đề bất thường chỉ vì tuổi đời còn trẻ. Ung thư có thể “tấn công”, “đánh gục” cơ thể bất kể độ tuổi nào.
So với người khỏe mạnh, người có tiền sử u tuyến ruột; người mắc viêm ruột mãn tính; người từng cắt túi mật trên 10 năm; người thường ăn thực phẩm giàu đạm và chất béo, có thói quen uống rượu và hút thuốc lá; người có người thân từng mắc ung thư đại tràng; người từng xạ trị vùng bụng dưới, đại tiện ra máu nhiều lần không rõ nguyên nhân; người thay đổi thói quen đại tiện đột ngột, tính chất phân thay đổi; người có triệu chứng như sút cân, thiếu máu không rõ nguyên nhân...nên nội soi đại tràng thường xuyên để phát hiện bất thường sớm.
Để đảm bảo sức khỏe đường ruột, bạn nên hạn chế thực phẩm giàu chất béo, thay thế thịt động vật nhiều chất béo bằng cá, thịt gia cầm, thịt nạc, các sản phẩm từ sữa ít béo. Đồng thời, ưu tiên chế biến món ăn bằng cách luộc và hấp, tránh chiên xào.
Đồng thời, bạn nên tăng cường rau lá xanh, củ quả, thực phẩm giàu tinh bột và chất xơ trong chế độ ăn hàng ngày. Duy trì cân nặng phù hợp, điều chỉnh lượng muối tiêu thụ mỗi ngày dưới 5g. Ăn nhiều thực phẩm tươi sống, tránh đồ muối chua, hun khói, thực phẩm nhiễm nấm mốc và đồ uống chứa cồn.
Mời độc giả xem thêm video: 70% bệnh nhân ung thư gan được phát hiện muộn