Dấu hiệu cảnh báo suy thận người trẻ cần chú ý

Nếu thận không thể hoạt động bình thường, chất độc có thể tràn ngập cơ thể bạn, dễ dẫn đến suy thận.

 Một bệnh nhân bị suy thận mạn, phải lọc máu định kỳ mới có thể duy trì sự sống. Ảnh: Việt Linh.

Một bệnh nhân bị suy thận mạn, phải lọc máu định kỳ mới có thể duy trì sự sống. Ảnh: Việt Linh.

Thận là cơ quan quan trọng có nhiệm vụ lọc máu và loại bỏ độc tố khỏi cơ thể. Những chất độc này đi đến bàng quang và được đào thải khi bạn đi tiểu. Nếu thận không thể hoạt động bình thường, chất độc có thể tràn ngập cơ thể bạn, dễ dẫn đến suy thận.

Suy thận có nghĩa là một hoặc cả hai quả thận của bạn không còn tự hoạt động tốt nữa. Suy thận đôi khi chỉ là tạm thời, sau đó phát triển nhanh chóng (cấp tính). Nhưng nó cũng có thể thành mạn tính, dần dần trở khiến sức khỏe tồi tệ hơn.

Suy thận là giai đoạn nặng nhất của bệnh thận, có thể gây tử vong nếu không được điều trị.

Các giai đoạn tiến triển thành suy thận

Theo Cleveland Clinic, các giai đoạn bệnh thận phát triển tùy theo độ lọc cầu thận ước tính (eGFR) của mỗi người. eGFR là giá trị cho biết mức độ thận lọc chất thải ra khỏi máu cũng như giúp xác định tình trạng tổn thương thận hiện có.

eGFR bình thường là khoảng 100. eGFR thấp nhất là 0, tức là chức năng thận không còn tồn tại. Các giai đoạn thận bị tổn thương bao gồm:

Giai đoạn I - eGFR trong khoảng 90-100: Ở giai đoạn này, thận của bạn bị tổn thương nhẹ nhưng vẫn hoạt động bình thường.
Giai đoạn II - eGFR trong khoảng 60-89: Thận bị tổn thương nhiều hơn so với giai đoạn I, nhưng vẫn hoạt động tốt.
Giai đoạn III - eGFR trong khoảng 30-59: Bạn có thể bị mất chức năng thận ở mức độ nhẹ hoặc nặng.
Giai đoạn IV - eGFR trong khoảng 15-29: Bạn bị mất chức năng thận nghiêm trọng.
Giai đoạn V - eGFR dưới 15: Thận của bạn sắp hỏng hoặc suy hoàn toàn.

Dấu hiệu đầu tiên của bệnh suy thận

Nhiều người thường không có biểu hiện hoặc rất ít triệu chứng trong giai đoạn đầu của bệnh thận. Tuy nhiên, bệnh thận mạn tính vẫn có thể gây tổn thương cho dù bạn cảm thấy khỏe mạnh.

Các triệu chứng suy thận khác nhau ở mỗi người. Nếu thận không hoạt động bình thường, bạn có thể nhận thấy một hoặc nhiều dấu hiệu sau:

Mệt mỏi cực độ.
Buồn nôn và ói mửa.
Nhầm lẫn hoặc khó tập trung.
Sưng (phù), đặc biệt là quanh bàn tay, mắt cá chân hoặc mặt.
Đi tiểu thường xuyên hơn.
Chuột rút (co thắt cơ).
Da khô hoặc ngứa.
Chán ăn hoặc cảm nhận thức ăn có thể có vị kim loại.

 Bên trong phòng chạy thận nhân tạo, nơi người bệnh suy thận mạn gần như phụ thuộc vào phương pháp này suốt đời hoặc đến khi được ghép thận. Ảnh: Việt Linh.

Bên trong phòng chạy thận nhân tạo, nơi người bệnh suy thận mạn gần như phụ thuộc vào phương pháp này suốt đời hoặc đến khi được ghép thận. Ảnh: Việt Linh.

Nguyên nhân gây suy thận

Theo Healthline, suy thận có thể từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo Tổ chức Thận Quốc gia Mỹ, 2 bệnh phổ biến nhất gây suy thận là huyết áp cao và tiểu đường.

Những người có nguy cơ cao nhất thường có một hoặc nhiều điều sau đây:

Mất lưu lượng máu đến thận

Việc mất lưu lượng máu đến thận đột ngột có thể dẫn đến suy thận. Một số nguyên nhân bao gồm: Đau tim, bệnh tim, sẹo gan hoặc suy gan, mất nước, vết bỏng nặng, phản ứng dị ứng, nhiễm trùng nặng (nhiễm trùng huyết). Huyết áp cao và thuốc chống viêm cũng có thể hạn chế lưu lượng máu.

Vấn đề bài tiết nước tiểu

Khi cơ thể bạn không thể loại bỏ nước tiểu, chất độc sẽ tích tụ và làm thận quá tải. Một số bệnh ung thư có thể chặn đường đi của nước tiểu, chẳng hạn tuyến tiền liệt, đại tràng, cổ tử cung, bàng quang.

Các tình trạng khác có thể cản trở việc đi tiểu và dẫn đến suy thận, bao gồm: sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt, cục máu đông trong đường tiết niệu, tổn thương dây thần kinh kiểm soát bàng quang.

Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể dẫn đến suy thận gồm:

Cục máu đông trong hoặc xung quanh thận.
Ngộ độc kim loại nặng.
Sử dụng ma túy và rượu.
Viêm mạch máu.
Lupus ban đỏ - bệnh tự miễn dịch có thể gây viêm nhiều cơ quan trong cơ thể.
Viêm cầu thận, viêm các mạch máu nhỏ của thận.
Đa u tủy, loại ung thư tế bào plasma trong tủy xương.
Xơ cứng bì - tình trạng tự miễn dịch ảnh hưởng da.
Ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối - chứng rối loạn gây ra cục máu đông trong các mạch nhỏ.
Thuốc hóa trị điều trị ung thư và một số bệnh tự miễn.
Một số loại kháng sinh.
Bệnh tiểu đường không được kiểm soát.

Mai Phương

Nguồn Znews: https://znews.vn/dau-hieu-canh-bao-suy-than-nguoi-tre-can-chu-y-post1454979.html