Dấu hiệu cơn đau cảnh báo bệnh gút bạn dễ bỏ qua

Nếu bệnh gút (gout) được chẩn đoán ở giai đoạn sớm có thể chữa trị ổn định bệnh hoàn toàn. Trong các phương pháp điều trị bệnh, chế độ dinh dưỡng vô cùng quan trọng.

Gút đau ở đâu?

Những cơn đau do bệnh gút gây ra rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý cơ xương khớp nhất là viêm khớp (viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp). Các dấu hiệu cảnh báo bệnh gút rất điển hình và có thể nhận biết được.

Bệnh gút thường gây ra những cơn đau đột ngột, dữ dội và xuất hiện về đêm. Những cơn đau này gây ra nỗi sợ hãi cho người bệnh. Nếu là viêm khớp cấp do gút sẽ biểu hiện rõ nhất ở các khớp chi dưới như ngón cái hoặc quanh khớp gối, khớp cổ chân. Vị trí khớp bị viêm thường sưng, đỏ, nóng và khi chạm vào có cảm giác đau.

Bệnh gút còn có thể gây ra hơn 20 dấu hiệu không điển hình dẫn đến việc chẩn đoán lâm sàng khó khăn và có thể nhầm lẫn. Nếu người bệnh có những dấu hiệu bất thường ở xương khớp thì cần đến cơ sở y tế thăm khám và tìm nguyên nhân.

Bệnh gút thường gây ra những cơn đau đột ngột, dữ dội và xuất hiện vào ban đêm.

Bệnh gút thường gây ra những cơn đau đột ngột, dữ dội và xuất hiện vào ban đêm.

Bệnh gút là gì?

Nguyên nhân gây ra bệnh gút là do rối loạn chuyển hóa acid uric. Những yếu tố gây nên tình trạng này bao gồm:

Người thừa cân, béo phì, ít vận động
Người có chế độ ăn thừa đạm với nhiều thực phẩm giàu purin như nội tạng động vật, các loại cá béo, thịt đỏ…
Người lạm dụng rượu bia, thường xuyên sử dụng chất kích thích
Trong gia đình có người mắc bệnh gút
Người mắc một số bệnh lý mạn tính như tim mạch, thận…
Thường nam giới sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới, độ tuổi dễ mắc bệnh là khoảng 30-60 tuổi.

Bệnh gút nên ăn gì?

Cách điều trị bệnh gút phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Bên cạnh việc dùng thuốc, tập luyện thì chế độ ăn đóng vai trò rất quan trọng. Nếu bạn là người thường xuyên ăn uống không khoa học thì không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút mà còn có thể làm bệnh tái phát và trở nặng hơn. Chế độ ăn được xem như một yếu tố dự phòng để phòng ngừa, điều trị bệnh.

Bị gút nên ăn gì? Dưới đây là những thực phẩm người bị bệnh gút nên ăn:

- Mỗi ngày nên bổ sung từ 50-100gram protein, đây là lượng protein cần thiết cho cơ thể.

- Các loại thịt trắng như: lườn gà, thịt heo, cá nạc…

- Các loại rau củ người bệnh gút nên ăn là: dưa chuột, cải xanh, cải bắp, súp lơ, cải bẹ xanh. Các loại trái cây như: cherry, dâu tây, cam… Đây là những loại rau củ quả chứa kiềm giúp trung hòa lượng acid uric trong cơ thể, đào thải chúng ra ngoài một cách an toàn.

Bệnh nhân gút phải thường xuyên áp dụng chế độ ăn lành mạnh, hạn chế uống rượu bia.

Bệnh nhân gút phải thường xuyên áp dụng chế độ ăn lành mạnh, hạn chế uống rượu bia.

- Nên dùng các loại dầu lạc, dầu vừng, dầu oliu trong chế biến và nấu ăn nhằm giảm bớt lượng chất béo.

- Nên dùng các phương pháp luộc, hấp thay vì rán, xào.

- Uống đủ nước từ 2-3 lít mỗi ngày và chia đều thời gian uống trong ngày để lượng acid uric dư thừa có thể đào thải qua đường tiết niệu.

Bệnh gút nên kiêng gì? Người bị bệnh gút không nên kiêng một cách tuyệt đối thực phẩm nào đó. Bởi vì chúng ta có thể kiểm soát lượng purin đưa vào cơ thể, làm giảm tình trạng tăng acid uric trong máu. Các thực phẩm cần hạn chế vì có thể làm tăng acid uric chủ yếu là các loại thịt đỏ, nội tạng động vật, các loại hải sản có nhiều Omega-3, đồ uống hoặc thực phẩm chứa fructose, hạn chế uống rượu bia…

Ngoài ra người bị bệnh gút cần lưu ý chế độ vận động, tập luyện phù hợp để duy trì khả năng vận động của xương khớp.

PGS.TS.BS Nguyễn Vĩnh Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dau-hieu-con-dau-canh-bao-benh-gut-ban-de-bo-qua-169241018163952256.htm