Dấu hiệu viêm họng ở trẻ sơ sinh cha mẹ cần biết
Viêm họng xảy ra quanh năm, nhưng khi thời tiết lạnh, đặc biệt là lúc chuyển mùa đông - xuân, trẻ sơ sinh rất dễ mắc phải căn bệnh này.
Viêm họng ở trẻ sơ sinh do đâu?
Viêm họng ở trẻ sơ sinh phần lớn nguyên nhân gây là do nhiễm virus. Loại virus gây viêm mũi họng có nhiều, trong đó phải kể đến nhóm Coronavirus, nhóm Adenovirus, nhóm virus cúm, phổ biến nhất là nhóm Rhinovirus.
Các loại virus này lây lan qua đường hô hấp, nếu trẻ vô tình hít phải các hạt nước bọt li ti khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện… sẽ có nguy cơ bị viêm họng.
Chính vì vậy, với trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch non nớt, thời điểm giao mùa là yếu tố thuận lợi khiến virus, vi khuẩn gây hại có điều kiện sinh sôi, phát triển mạnh và tấn công vào cơ thể trẻ.
Thêm vào đó nếu cha mẹ chăm sóc trẻ sơ sinh không đúng cách như: Không chú ý giữ ấm vùng cổ, tay chân của trẻ, mặc quần áo không thoáng mát, không thấm hút mồ hôi… cũng khiến trẻ dễ bị viêm họng.
Bên cạnh đó, các yếu tố môi trường sống xung quanh bị ô nhiễm nghiêm trọng, chứa nhiều khói bụi, khói xe hoặc khói thuốc lá… cũng là yếu tố thuận lợi khiến trẻ dễ mắc bệnh.
Dấu hiệu cảnh báo viêm họng ở trẻ sơ sinh
Các biểu hiện viêm họng ở trẻ sơ sinh điển hình là ho, ngạt mũi, sốt... trong đó biểu hiện ho là dễ nhật biết nhất ở trẻ sơ sinh. Khi bị nhiễm bệnh, trẻ sẽ cảm thấy ngứa rát họng và ho liên tục. Một số trẻ còn có thể bị ho khan hoặc ho có đờm theo từng cơn. Đặc biệt, khi bị viêm họng trẻ sẽ bú khó, nuốt khó do đau họng, vì thế trẻ sẽ ăn uống kém, chán ăn và hay quấy khóc.
Đa số trẻ sơ sinh bị viêm họng đều có triệu chứng ngạt mũi. Tùy từng tình trạng và từng trẻ mà có các biểu hiện khụt khịt hay ngạt mũi nặng, khó thở, thậm chí nhiều khi trẻ chỉ có thể thở bằng miệng. Điều này khiến trẻ sẽ hay quấy khóc và rất khó ngủ, thậm chí còn phải đối mặt với tình trạng thở nhanh hoặc co rút lồng ngực…
Sốt cũng có thể là dấu hiệu khi trẻ sơ sinh bị viêm họng, tùy từng trẻ có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao. Đây là triệu chứng viêm họng không thể chủ quan, cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và tư vấn điều trị.
Cha mẹ cần làm gì để phòng viêm họng cho trẻ?
Để phòng viêm họng cho trẻ sơ sinh, cha mẹ cần chăm sóc trẻ đúng cách. Thời tiết giao mùa cần chú ý đến giữ ấm phần cổ, chân tay cho trẻ. Mặc quần áo chất liệu thông thoáng, dễ thấm mồ hôi. Nếu mặc quá nhiều quần áo sẽ khiến trẻ đổ mồ hôi và thấm ngược lại dễ gây viêm họng, thậm chí còn viêm phổi.
Không được tắm quá lâu để tránh trẻ bị cảm lạnh, khi trẻ ngủ vào mùa xuân thường hay mưa ẩm, không nên mở cửa sổ để tránh gió lạnh lùa vào. Do trẻ còn non nớt nên hạn chế đông người ra vào thăm trẻ, nhất là những người có các biểu hiện cúm, ho hoặc có biểu hiện ốm. Không để người lạ tiếp xúc gần, hôn hít trẻ.
Hàng ngày cần vệ sinh răng, nướu, lưỡi và khoang miệng cho trẻ sạch sẽ. Vệ sinh tay sạch sẽ trước khi bế hoặc cho trẻ ăn, bú sữa. Chú ý cho trẻ sơ sinh bú hoàn toàn sữa mẹ là cách giúp phòng tránh nhiều bệnh, trong đó có viêm họng.
Khi trẻ có các biểu hiện ho, sốt, ngạt mũi… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được bác sĩ thăm khám, điều trị kịp thời, phòng ngăn ngừa biến chứng. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc để điều trị cho trẻ.