Đâu là con đường thoát khỏi đại dịch hợp lý nhất?
Theo tổng giám đốc HSBC Việt Nam, tăng cường hợp tác không chỉ giúp các quốc gia thoát khỏi đại dịch êm thấm, mà còn giúp giảm thiểu chi phí lâu dài, tối đa lợi ích từ những nỗ lực tái thiết.
Năm 2022 bắt đầu khi biến chủng Omicron ảnh hưởng nặng nề tới các nền kinh tế đang trên đà phục hồi, chuỗi cung ứng tiếp tục gián đoạn cùng với giá nhiên liệu tăng kéo theo lạm phát cao hơn, trên diện rộng hơn so với nhiều dự báo ban đầu.
Cùng với đó, xung đột tại Ukraine khiến thị trường năng lượng thế giới trở nên bất ổn, các dự báo tăng trưởng kém chắc chắn hơn.
“Không ngạc nhiên khi nhu cầu “tự cung tự cấp” và các chính sách bảo hộ trở nên phổ biến trong hai năm qua, trong bối cảnh các nước kiểm soát đường biên chặt chẽ để phòng chống dịch. Tuy nhiên, đó không phải con đường chúng ta nên đi. Hơn bao giờ hết, các nước cần khôi phục mở cửa biên giới và tăng cường hợp tác”, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans nhấn mạnh.
“Hợp tác kinh tế là chìa khóa đảm bảo tất cả cùng thoát khỏi đại dịch một cách êm thấm. Đó còn là cách giúp giảm thiểu chi phí lâu dài do những hệ quả nghiêm trọng của Covid, và tối đa lợi ích từ những nỗ lực tái thiết của các nước do đại dịch. Khu vực Đông Nam Á là minh chứng rõ ràng cho những kết quả trên".
Những nỗ lực khai thông
Các quốc gia trong khu vực đều tin rằng thịnh vượng kinh tế chung được xây dựng trên nền tảng tự do thương mại, đầu tư và con người. Khi chuỗi cung ứng chuyển hướng sang Đông Nam Á, sự tăng cường hợp tác đang nâng tầm khu vực trở thành tâm điểm thế giới về sự cởi mở và kết nối, và tương lai có thể trở nên tốt đẹp hơn.
Những đợt giãn cách vừa qua cùng các quy định về hộ chiếu vaccine đã làm gia tăng bất ổn – vốn không bao giờ là tin tốt cho các nền kinh tế đang trên đà phục hồi.
Lúc này, động thái từ các chính phủ đã giúp bù đắp phần nào. Đơn cử, đầu tháng 1, Việt Nam đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), nhằm phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức liên quan, quyết định biện pháp chỉ đạo, điều hành và các biện pháp khác để triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả hiệp định này.
“Đây là một ví dụ đáng học hỏi”, ông nhấn mạnh.
Thêm nữa, quy tắc xuất xứ trong RCEP cho phép các thị trường ASEAN được phép nhập khẩu lên đến 60% linh kiện hàng hóa từ các nền kinh tế không tham gia RCEP (theo các điều khoản giá trị gia tăng) để bán hàng miễn thuế trong phạm vi hiệp định.
Điều này mở ra nhiều cơ hội đa dạng hóa chuỗi cung ứng với các bên thứ ba, giúp các nước “phòng thủ” hiệu quả trước những bất trắc trong tương lai.
“Các nền kinh tế muốn kích thích sản xuất và tăng trưởng xuất khẩu có thể tìm cách khai mở dòng vốn thông qua những biện pháp như cải cách đầu tư nước ngoài”, ông Tim Evans khuyến nghị.
Một số động thái có thể cân nhắc là xem xét danh sách hạn chế đầu tư, ưu đãi thuế cho một số lĩnh vực, và tăng tốc quy trình phê duyệt đầu tư. Nhiều thay đổi trong số này cũng đã được trình lên quốc hội các nước, và nhiều khả năng các đề xuất này sẽ được thông qua.
Một điểm sáng khác là giao dịch xuyên biên giới trên nền tảng số. Singapore và Thái Lan đã kết nối thành công hệ thống thanh toán theo thời gian thực (PayNow and PromptPay) vào năm 2021, không chỉ đánh dấu lần đầu tiên trên thế giới, mà còn là cột mốc quan trọng trong tiến trình hiện thực hóa tiềm năng kinh tế số của Đông Nam Á.
Trong lần hợp tác này, cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) và ngân hàng Thái Lan (BOT) hướng tới mục tiêu chung là mở rộng mạng lưới liên kết thành hệ thống thanh toán bán lẻ phủ khắp ASEAN.
Điểm nóng của thanh toán không tiền mặt
“Câu chuyện phát triển thanh toán tại Việt Nam cũng không kém phần thú vị. Ví dụ, theo chúng tôi được biết, đã có doanh nghiệp vận chuyển hàng container quốc tế sử dụng hệ thống thanh toán thời gian thực tại địa phương để thu phí từ khách hàng. Nhờ vậy, quy trình thông quan cho hàng hóa nhập cảng được đẩy nhanh hơn, gia tăng tốc độ dòng chảy thương mại và hiệu quả giao dịch cho doanh nghiệp”, vị tổng giám đốc HSBC cho biết.
Những ví dụ như vậy sẽ thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ hơn của cả ngành dịch vụ tài chính lẫn các thị trường Đông Nam Á khác, hướng tới mục tiêu cuối cùng là một giải pháp thực sự mang tầm cỡ khu vực.
“Tạo điều kiện cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng giao dịch xuyên biên giới, Đông Nam Á sẽ sớm khai phóng tiềm năng khổng lồ của nền kinh tế số trong khu vực”, ông khuyến nghị.
Thành công của MAS và BOT còn là minh chứng cho thấy sức mạnh từ sự hợp tác giữa các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp công nghệ và các tổ chức đa phương nhằm đi đến những kết quả hữu hình. Đây là bài học quý báu không chỉ cho các nước ASEAN, mà với nhiều nơi trên thế giới.
“Chúng ta đã phải trải qua tình trạng thay đổi trong vòng ba năm qua. Hãy nhìn vào những biến đổi về địa chính trị cũng như tình hình đại dịch trong ba tháng gần đây. Thay đổi này sẽ kéo theo đổi thay khác. Chúng ta cần tận dụng đà này, cưỡi lên những cơn sóng đó để tiến về phía trước”.
“Sẽ ý nghĩa hơn nhiều nếu cả cộng đồng quốc tế cùng làm như vậy thay vì một thị trường riêng lẻ. Chúng ta đã và đang xây dựng một con đường mang tính quốc tế. Vậy nên, hãy cùng tận dụng tối đa công năng của nó”, ông Tim Evans khuyến nghị.