Đầu tư 19.000 tỷ đồng xây hầm Hải Vân mới và di dời ga Đà Nẵng

Nếu xây mới hầm đường sắt Hải Vân kết hợp di dời toàn bộ đường sắt khu vực Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố theo quy hoạch thì ngành đường sắt cần nguồn vốn đầu tư lên đến 19.000 tỷ đồng để triển khai thực hiện.

Cung đường sắt đẹp nhất Việt Nam qua khu vực "Đệ nhất hùng quan" đèo Hải Vân có địa hình phức tạp, núi non hiểm trở, bán kính đường cong nhỏ và nhiều hạng mục đã xuống cấp. Ảnh tư liệu.

Cung đường sắt đẹp nhất Việt Nam qua khu vực "Đệ nhất hùng quan" đèo Hải Vân có địa hình phức tạp, núi non hiểm trở, bán kính đường cong nhỏ và nhiều hạng mục đã xuống cấp. Ảnh tư liệu.

Cục Đường sắt Việt Nam đã đề xuất Bộ Giao thông vận tải lập dự án cải tạo, làm mới hầm đèo Hải Vân nhằm cải thiện năng lực vận hành đường sắt; đồng thời di dời toàn bộ đường sắt khu vực Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố.

ĐIỂM NGHẼN TRÊN KHU VỰC “ĐỆ NHẤT HÙNG QUAN”

Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, tuyến đường sắt qua khu vực hầm trên đèo Hải Vân vốn được mệnh danh là “cung đường sắt đẹp nhất Việt Nam” có nhiều đường cong bán kính nhỏ, độ dốc lớn, hạn chế tốc độ. Khi tàu đi vào trung tâm thành phố sẽ gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Đây cũng chính là điểm nghẽn lớn nhất trên tuyến Bắc Nam, ảnh hưởng nhiều đến khai thác vận tải nói chung, đường sắt nói riêng.

Về thực trạng các hầm đường sắt khu vực đèo Hải Vân (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng), hiện nay có 6 tuyến hầm và đều nằm trên đèo (không nằm trên mặt đất ngang với các tuyến đường bộ). Với đặc điểm này, theo lãnh đạo ngành đường sắt là nếu có xảy ra sự cố, sẽ rất khó tiếp ứng, cứu hộ cứu nạn bằng các phương tiện đường bộ, vì ngoài độ cao, các tuyến đèo Hải Vân quanh co, khúc khuỷu và độ dốc lớn.

Cũng theo lãnh đạo Cục Đường sắt, trong số 6 hầm hiện hữu trên tuyến đường sắt khu vực Hải Vân (từ hầm số 9 đến hầm số 14), đã có 3 hầm từng được sửa chữa vào năm 2006, nhưng chủ yếu là gia cố, thay thế vỏ hầm cũ bị hỏng hóc, bào mòn vì phong hóa theo thời gian. Ba hầm còn lại chưa được cải tạo, sửa chữa và đã được lập phương án gia cố như 3 hầm trước. Vì vậy, tình trạng chung là đều xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn.

Ngoài ra, lãnh đạo Cục Đường sắt cũng cho rằng phương án làm hầm đường sắt mới thay thế các hầm cũ từng được lên kế hoạch từ năm 2000 nhưng chưa triển khai thực hiện.

Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đã nêu rõ: Khu vực Đà Nẵng được định hướng di dời ga Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố về phía tây nhà ga hiện tại; cải tạo tuyến đường sắt hiện có đi song song về phía đông đường bộ cao tốc, trong cùng hành lang với đường sắt tốc độ cao; xây dựng nhà ga hàng hóa tại khu vực Kim Liên để kết nối với cảng Liên Chiểu (mục 1, điểm d, điều 4, chương II).

Năm 2006 đã có 3 trong 6 hầm được sửa chữa, gia cố và năm 2021 hầm số 14 cũng đã được đại tu; nhưng để sửa chữa, nâng cấp kết cấu hầm cần nguồn kinh phí rất lớn. Ảnh: Huy Đạt.

Năm 2006 đã có 3 trong 6 hầm được sửa chữa, gia cố và năm 2021 hầm số 14 cũng đã được đại tu; nhưng để sửa chữa, nâng cấp kết cấu hầm cần nguồn kinh phí rất lớn. Ảnh: Huy Đạt.

Trên cơ sở đó, dự án được Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất có mục đích cải tạo điểm nghẽn về năng lực thông qua trên hành trình chạy tàu từ Vinh (Nghệ An) đến Nha Trang (Khánh Hòa) qua đèo Hải Vân (tiếp giáp giữa Thừa Thiên – Huế và Đà Nẵng); xây dựng mới hầm, cải tạo tuyến đường sắt để di dời toàn bộ đường sắt khu vực Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố, xử lý các nút thắt về vận tải do đường sắt đi qua khu vực đèo Hải Vân.

ĐỀ XUẤT XÂY MỚI MỘT HẦM XUYÊN NÚI

Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất nghiên cứu, đầu tư tiếp dự án cải tạo đường sắt qua đèo, gồm đầu tư làm hầm mới. Bộ Giao thông vận tải cũng đã xác định vẫn tiếp tục khai thác tuyến đường sắt hiện có, song song với việc khai thác đường sắt tốc độ cao (hiện chưa đầu tư).

Tổng mức đầu tư cho dự án xây mới hầm Hải Vân và di dời ga Đà Nẵng dự kiến là 19.000 tỷ đồng, được đề xuất trích từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2031. Riêng về đường hầm mới, dự án đề xuất khoan xuyên núi ở chân đèo Hải Vân, từ triền Bắc qua triền Nam với độ dài hầm khoảng 6 km. Về mặt kỹ thuật, đường sắt mới xuyên hầm sẽ đường đơn, do làm đường đôi chi phí sẽ rất cao; tuy nhiên sẽ xây những hầm lánh nạn đề phòng xảy ra các sự cố về đường sắt.

Như vậy, ngoài tuyến đường hầm xây mới ngang chân đèo này, còn các tuyến hầm hiện hữu trên lưng chừng đèo hiện vẫn đang khai thác. Theo lãnh đạo Cục Đường sắt, song song với dự án xây mới hầm và cải tao các tuyến hầm hiện hữu qua đèo, dự án sẽ di dời ga Đà Nẵng hiện hữu về ga Kim Liên (thuộc địa bàn quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) theo Quy hoạch 1769. Tại ga Kim Liên, tàu sẽ chạy thẳng trên tuyến mà không phải đi vào nội thành Đà Nẵng như hành trình hiện nay; đồng thời sẽ có hai nhánh, một chạy ra cảng Liên Chiểu và một kết nối với (dự án) tuyến đường sắt tốc độ cao về phía tây.

Tại ga Kim Liên, tàu sẽ chạy thẳng trên tuyến mà không phải đi vào nội thành Đà Nẵng như hành trình hiện nay. Trong ảnh: Ga Kim Liên (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng).

Tại ga Kim Liên, tàu sẽ chạy thẳng trên tuyến mà không phải đi vào nội thành Đà Nẵng như hành trình hiện nay. Trong ảnh: Ga Kim Liên (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng).

Tuyến đường sắt đi qua khu vực đèo Hải Vân có chiều dài 20 km. Trên tuyến có nhiều cầu, hầm đường sắt được xây dựng từ thời Pháp với tuổi đời gần 100 năm. Nhiều công trình trên tuyến đường sắt này đã bị xuống cấp, thấm dột, rỉ sét, cần được tu bổ, cải tạo tổng thể. Báo cáo trước đó của Công ty cổ phần Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng (đơn vị quản lý hệ thống đường sắt qua các địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi) cho biết tuyến đường sắt khu vực đèo Hải Vân có nhiều đoạn đi qua các vùng địa hình, địa chất phức tạp, núi non hiểm trở nên bán kính đường cong nhỏ, hoãn hòa ngắn, tốc độ thông qua đường cong thấp. Trên tuyến có nhiều hạng mục đã xuống cấp nhưng chưa được cải tạo, nâng cấp đồng bộ.

Năm 2021, Công ty Đường sắt Quảng Nam – Đà Nẵng đã thực hiện đại tu kết cấu đường sắt trong hầm 14 (một trong 6 hầm qua đèo) xây dựng hệ thống cống gom nước hai bên tường hầm nhằm giảm thiểu thiệt hại do nước ngầm rò rỉ. Tuy nhiên, để sửa chữa, nâng cấp kết cấu tường và vòm hầm thì theo đơn vị này, cần có đội ngũ chuyên môn và nguồn kinh phí rất lớn nên đơn vị đề xuất các cấp trên nghiên cứu, có giải pháp. Vì vậy, đơn vị quản lý đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xem xét, ưu tiên bố trí nguồn kinh phí để tu bổ, nâng cấp hệ thống cầu, hầm trên tuyến.

Thiên Ân

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/dau-tu-19-000-ty-dong-xay-ham-hai-van-moi-va-di-doi-ga-da-nang.htm