Đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao, nguồn vốn được chuẩn bị thế nào?

Để triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, các bộ, ngành thời gian qua đã phối hợp rất chặt chẽ và thống nhất đưa ra 3 nhóm giải pháp điều hành tổng thể và 4 phương pháp huy động nguồn lực.

Ngày 28.2.2023, Bộ Chính trị có Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh định hướng "xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ, khả thi, hiệu quả, có tầm nhìn chiến lược dài hạn, phát huy được các lợi thế tiềm năng của đất nước, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới".

Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 20.9.2024, trong đó đã xác định thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao (350km/giờ) trên trục Bắc - Nam.

Tuyến đường sắt tốc độ cao 350 km/h dự kiến sẽ hoàn thành năm 2035

Tuyến đường sắt tốc độ cao 350 km/h dự kiến sẽ hoàn thành năm 2035

Theo các chuyên gia, tuyến đường sắt tốc độ cao 350km/giờ dự kiến sẽ hoàn thành năm 2035 sẽ là một bước đột phá lớn không chỉ với hạ tầng giao thông, mở ra không gian phát triển mới, mà còn là bước tiến quan trọng trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để triển khai dự án, nguồn vốn là một trong những vấn đề dư luận rất quan tâm.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng dự án này với số vốn đầu tư lớn kỷ lục ở Việt Nam, lên tới gần 70 tỉ USD. Tuy nhiên, với nguồn lực, quy mô kinh tế của Việt Nam hiện nay, việc huy động số vốn này không quá thách thức.

Theo đó, nguồn vốn đầu tiên có thể nghĩ đến là đầu tư công, nếu cần có thể kết hợp phát hành trái phiếu. Đầu tư theo hình thức Chính phủ phát hành vay nợ là phương án khả thi nhất vừa không phải chịu áp lực từ bất cứ nhân tố nào bên ngoài, vừa đảm bảo tính chủ động sáng tạo, cũng như lựa chọn hiệu quả cho kế hoạch đầu tư.

Đặc biệt, theo ông Thịnh, việc tự chủ được nguồn vốn cũng hấp dẫn các quốc gia đang làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao và Việt Nam sẽ có cơ hội chủ động lựa chọn công nghệ tiên tiến.

“Chúng ta có thể vay các tổ tín dụng quốc tế, nhưng dễ đi kèm theo nhiều điều khoản về kinh tế - xã hội, lãi suất. Do đó, nên lường thu để chi, đảm bảo cân đối ngân sách, không quá phụ thuộc vào việc đi vay”, ông Thịnh nói và khuyến nghị nên ưu tiên phát hành trái phiếu trong nước chứ không nên vay ngoài.

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho hay đây là dự án trọng điểm quốc gia và đã có nhiều năm chuẩn bị cho công tác đầu tư.

Về chuẩn bị tài chính, ông Khắng cho biết các bộ, ngành thời gian qua đã phối hợp rất chặt chẽ và thống nhất đưa ra 3 nhóm giải pháp điều hành tổng thể và 4 phương pháp huy động nguồn lực.

Theo đó, 3 nhóm giải pháp điều hành tổng thể gồm: Thứ nhất, đổi mới mô hình tăng trưởng, điều hành kinh tế xã hội linh hoạt, hiệu quả để góp phần tăng thu ngân sách hằng năm với tinh thần năm sau phải cao hơn năm trước.

Thứ hai, điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả theo hướng triệt để tiết kiệm và chống lãng phí để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Thứ ba, sửa đổi thể chế, tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn trong thu hút nguồn lực trong lĩnh vực tài chính, đầu tư. Giải pháp này Chính phủ đã có tờ trình trình Quốc hội thảo luận, thông qua trong kỳ họp này.

Về 4 phương án huy động nguồn lực, theo ông Khắng là xây dựng kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm cho ba giai đoạn đến năm 2035 trên tinh thần chủ động, cân đối nguồn lực để đảm bảo đầy đủ các nhiệm vụ chi của ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách.

Trong đó, tập trung ưu tiên chi cho đầu tư phát triển, nhất là các dự án quốc gia và trọng điểm ngành giao thông vận tải, trong đó có dự án đường sắt tốc độ cao, với tinh thần kết hợp cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, lấy ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo.

Tiếp theo là thu hút nguồn lực, huy động trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn lãi suất phù hợp, với điều kiện thị trường và tiến độ thực hiện của các dự án; thu hút nguồn lực đầu tư trong nước bao gồm cả hình thức hợp tác công tư; huy động nguồn lực ngoài nước có ưu đãi cao, điều kiện đàm phán hợp lý và ít ràng buộc...

“Với ba giải pháp và bốn phương án huy động nguồn lực như thế, chúng ta tin tưởng rằng công tác chuẩn bị tài chính cho dự án đường sắt tốc độ cao đã sẵn sàng để đảm bảo được nguồn lực về tài chính ở mức cao nhất theo lộ trình phê duyệt và tiến độ thực hiện dự án đảm bảo theo đúng chủ trương Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10”, ông Khắng nói.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cũng cho hay GTVT đã xây dựng nhu cầu nguồn vốn và phương án đầu tư.

Về nhu cầu nguồn vốn, nếu dự kiến hoàn thành cơ bản dự án như Ban Chấp hành Trung ương thông qua vào năm 2035 thì thời gian giải ngân khoảng 12 năm. Như vậy, bình quân mỗi năm chúng ta cần 5,6 tỉ USD. Nếu tính tỷ lệ so với GDP (dự kiến khởi công năm 2027), khoảng 1% GDP.

Theo ông Huy, với quy mô nền kinh tế, với mức nợ công như hiện nay, Bộ GTVT cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính để đánh giá cả những chỉ tiêu tài chính vĩ mô; đánh giá khả năng cân đối vốn cũng như các đánh giá, tính toán khác. Từ đó cho thấy việc cân đối nguồn vốn và huy động nguồn vốn không phải là thách thức lớn trong thời điểm hiện nay.

Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, đây là thời điểm thích hợp để xây dựng tuyến đường sắt cao tốc khi GDP bình quân đầu người năm 2023 đạt khoảng 4.282USD và ước đạt khoảng 7.500USD vào năm 2030. Quy mô nền kinh tế năm 2023 khoảng 430 tỉ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2010; nợ công xuống ở mức thấp, chỉ khoảng 37% GDP.

Dự kiến thời điểm triển khai xây dựng đường sắt cao tốc vào năm 2027, quy mô nền kinh tế sẽ lên đến khoảng 564 tỉ USD nên nguồn lực để đầu tư không còn là trở ngại lớn.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/dau-tu-du-an-duong-sat-toc-do-cao-nguon-von-duoc-chuan-bi-the-nao-225455.html