Dạy học từ trải nghiệm thực tế
Không còn gò bó học sinh bằng những bài giảng truyền thống trên lớp, nhiều trường phổ thông tại TP HCM khuyến khích các em học trải nghiệm từ thực tế cuộc sống
Hàng trăm chiếc bánh chưng và những phần quà do học sinh (HS) và giáo viên (GV) Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5, TP HCM) trực tiếp gói ghém, thực hiện đã được trao tận tay những người già neo đơn trong một buổi chiều giáp Tết Tân Sửu. Đây là một trong nhiều hoạt động trải nghiệm dành cho HS, giáo dục học trò thông qua thực tế mà trung tâm này tổ chức.
Để học sinh cảm nhận cuộc sống
Theo ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An, vì ảnh hưởng của dịch bệnh, HS không thể trực tiếp tham gia trao tặng tận tay các phần quà bánh, nên trung tâm đã cử một số GV thay mặt các em trao gửi đến những người cần giúp đỡ.
Ông Hoàng cho biết không riêng gì dịp Tết, trung tâm luôn khuyến khích GV và HS giảng dạy và học tập gắn liền với thực tế cuộc sống. Thông qua việc gói bánh chưng, dùng một ít tiền tiết kiệm mua quà cho những người tàn tật, neo đơn cũng là cách giáo dục học trò lòng yêu thương, nhân ái.
Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An phát động phong trào mỗi ngày thực hiện một hành động nhân ái. Tùy theo điều kiện và khả năng của mình, HS có thể chọn thực hiện các hoạt động như thăm hỏi các mái ấm tình thương, người già neo đơn... Thực hiện 5 hành vi nhân ái, HS sẽ được 10 điểm bài kiểm tra 1 tiết môn giáo dục công dân; 10 hành vi nhân ái sẽ được tặng chứng nhận "HS có hành vi nhân ái", được biểu dương trước toàn trường và sau khi tốt nghiệp được cấp chứng nhận HS tham gia hoạt động cộng đồng.
"Tuy nhiên, điểm số chỉ là khuyến khích, quan trọng là nhà trường muốn hướng các em được trải nghiệm thực tế nhiều hơn, từ đó cảm nhận cuộc sống theo cách riêng của các em chứ không chỉ giới hạn bằng những bài giảng truyền thống trên lớp. Hiện nay, chúng ta đang định hướng dạy theo phát triển năng lực cá nhân, HS tự chinh phục kiến thức, vì vậy học từ thực tiễn là rất cần thiết" - ông Hoàng nhìn nhận.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 5, TP HCM cho biết trong chương trình giáo dục phổ thông mới, cấp tiểu học sẽ có 105 tiết học trải nghiệm bắt buộc để đánh giá. Vì vậy, hình thức học tập từ thực tế hiện nay đang được các trường đẩy mạnh.
Trong khi đó, theo ông Phạm Đăng Khoa - Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo quận 3, TP HCM - hiện phòng cũng như các trường luôn quan tâm đến việc học trải nghiệm thực tế của HS bằng nhiều cách: tại lớp học, tại trường với nhiều hình thức đa dạng. Bởi lẽ, bản thân các thầy cô cũng đặt mục tiêu cao nhất là làm sao HS được trải nghiệm nhiều nhất, học đi đôi với hành chứ không chỉ là lý thuyết.
Phân biệt học trải nghiệm và ngoại khóa
Xu hướng để HS học từ trải nghiệm thực tiễn, phá vỡ giới hạn dạy học theo kiểu truyền thống đang được nhiều trường phổ thông tại TP HCM áp dụng.
Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), không nhất thiết phải đi xa, hay đi cả ngàn HS mới là học trải nghiệm, như vậy chỉ dừng lại là hoạt động ngoại khóa đơn thuần. Trải nghiệm là từ những điều nhỏ nhất, từ những thứ bình thường xung quanh HS, trong nhà trường, gia đình hay những điều mắt thấy tai nghe mà các em cảm nhận được, từ đó tác động lên nhận thức, hành vi của HS. Chẳng hạn, trường thường xuyên tổ chức những chuyên đề như "Ứng xử trên Facebook", "Cô đơn trong học đường", "Lòng hiếu thảo"... cũng là cách để học trò có thêm trải nghiệm thông qua những câu chuyện thực tế.
Ở một góc độ khác, ThS Lê Thị Hồng Anh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (quận 8, TP HCM), đồng tác giả dự án "Chuyến xe trải nghiệm" - cho rằng hoạt động trải nghiệm của HS sẽ khác với các hoạt động ngoại khóa khi các em chỉ có tham quan, đi chơi. Với trải nghiệm thực tế, HS sẽ được thực hành những điều căn bản nhất về tự nhiên - xã hội, kỹ năng sống...
Nhiều ý kiến cho rằng học trải nghiệm sẽ không thể có tác dụng nếu việc kiểm tra, đánh giá HS không đổi mới theo. Mới đây, lần đầu tiên, HS 6 trường tại TP HCM đã cùng tham gia dự án "Saigon by bus", là dự án học tập môn lịch sử (phần lịch sử địa phương) thông qua hình thức trải nghiệm thú vị. Cụ thể, HS tham gia dự án được chia theo nhóm, khoảng 6-8 em/nhóm. Hình thức học tập là sẽ thông qua hoạt động trải nghiệm bằng phương tiện công cộng như xe buýt, buýt sông, xe buýt mui trần 2 tầng... để khám phá cảnh đẹp, tìm hiểu lịch sử, văn hóa qua trang phục, ẩm thực... của Sài Gòn - TP HCM.
Thầy Nguyễn Viết Đăng Du - GV Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), khởi xướng dự án này - cho biết dự án dạy học với nội dung lịch sử địa phương đã tạo hứng thú cho HS khi tham gia. Cách học mới mẻ này không chỉ giúp các em có thêm kiến thức về lịch sử địa phương, về nét văn hóa truyền thống mà còn tạo điều kiện cho HS rèn luyện kỹ năng mềm như làm việc nhóm, tổ chức sắp xếp thời gian, công việc, sử dụng các phương tiện công cộng để khám phá lịch sử của TP HCM. Bên cạnh đổi mới việc dạy và học môn lịch sử với nội dung lịch sử địa phương, các GV còn đổi mới hình thức đánh giá, kiểm tra. Cụ thể, HS tham gia dự án sẽ được tính điểm kiểm tra định kỳ (hệ số 2).
Cho phép đánh giá học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau
Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM về kiểm tra, đánh giá HS, các trường THCS, THPT thực hiện đánh giá thường xuyên đối với tất cả HS bằng nhiều hình thức khác nhau như: đánh giá qua bài thuyết trình, vở hoặc sản phẩm học tập; qua báo cáo kết quả thực hiện dự án, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm, tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường...
Các trường khi xây dựng bài kiểm tra phải kết hợp hợp lý giữa kiểm tra lý thuyết và kiểm tra thực hành; tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn; tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước đối với các môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn để HS được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội...
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/day-hoc-tu-trai-nghiem-thuc-te-20210206221753458.htm