Đẩy mạnh đào tạo, chuyển đổi nghề giúp người nghèo vươn lên

Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua các địa phương trong tỉnh Bắc Giang đã lồng ghép nhiều nguồn lực, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và phương tiện sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Qua đó, giúp họ có điều kiện nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Hỗ trợ đúng đối tượng, sát nhu cầu

Theo kết quả rà soát năm 2023, tỉnh Bắc Giang còn hơn 12,5 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,63%, giảm 1,18% so với năm 2022. Số hộ cận nghèo còn 16,2 nghìn hộ, chiếm tỷ lệ 3,4%. Kết quả này có được nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành và ý thức tự lực vươn lên của người nghèo. Hằng năm, các địa phương lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là chương trình 135). Từ đó tập trung thực hiện các dự án: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

Tại xã đặc biệt khó khăn Đồng Vương (Yên Thế) có 77 hộ nghèo, tỷ lệ 5,79% và 134 hộ cận nghèo, tỷ lệ 10,08%. Xã có 10 dân tộc cùng chung sống, trong đó có gần 1,1 nghìn hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Số hộ nghèo dân tộc thiểu số là 46 hộ. Kinh nghiệm triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia của Đồng Vương là hằng năm, UBND xã tổ chức hội nghị mở rộng tới toàn thể các ban, ngành, đoàn thể và trưởng các bản về nội dung, chương trình dự án được thụ hưởng. Từ đó hướng dẫn quy trình rà soát lựa chọn đối tượng hỗ trợ bảo đảm đúng quy định, khách quan, minh bạch. Ưu tiên các đối tượng khó khăn hơn như: Các hộ có khó khăn đặc thù; đối tượng là nữ dân tộc thiểu số; đối tượng thuộc nhóm bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn... Quá trình thực hiện bảo đảm có sự tham gia, giám sát của người dân trong bình xét đối tượng thụ hưởng và triển khai các nội dung hỗ trợ của dự án. Từ năm 2023 đến nay, xã hỗ trợ 24 hộ chuyển đổi nghề; hỗ trợ bò sinh sản cho 82 hộ nghèo, hộ cận nghèo và mới thoát nghèo ở 8 bản với kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng.

 Nhờ được hỗ trợ chuyển đổi nghề, chị Võ Thị Nhung, xã Đồng Vương (Yên Thế) có thu nhập ổn định.

Nhờ được hỗ trợ chuyển đổi nghề, chị Võ Thị Nhung, xã Đồng Vương (Yên Thế) có thu nhập ổn định.

Là một trong số các hộ được chuyển đổi ngành nghề, chị Võ Thị Nhung ở bản Đồng Tân, xã Đồng Vương vui mừng khi cuộc sống mỗi ngày một khá hơn. Chị kể, bản thân là mẹ đơn thân nên gánh nặng kinh tế đều đặt lên vai. Dù làm đủ nghề song cái nghèo vẫn đeo bám. Sau đó, chị được địa phương xem xét, hỗ trợ chuyển đổi nghề. Nhận thấy làm giò chả phù hợp nên chị đã đăng ký và được hỗ trợ bộ máy xay, khuôn đóng giò. “Có thiết bị, được hướng dẫn cách làm nên hằng ngày tôi tranh thủ làm giò đi bán ở chợ để có thêm thu nhập nuôi con đang tuổi ăn học”, chị Nhung chia sẻ.

Tạo động lực cho người nghèo vươn lên

Công tác đào tạo, hỗ trợ chuyển đổi nghề và phương tiện sản xuất bám sát với nhu cầu thực tế theo phương châm “cầm tay, chỉ việc” đã giúp nhiều lao động trên địa bàn tỉnh từng bước cải thiện thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Trước đây, anh Nông Văn Thuyết (SN 1987), thôn Họa, xã Cấm Sơn (Lục Ngạn) không có nghề ổn định nên cuộc sống luôn thiếu trước, hụt sau. Năm 2019, anh được hỗ trợ 200 con gà giống và học lớp dạy nghề chăn nuôi. Nhờ vậy, đàn gà phát triển tốt, tỷ lệ sống lên đến 95% sau gần 2 tháng cấp giống. Anh Thuyết chia sẻ: “Từ đàn gà sinh kế, gia đình tôi có thêm vốn tích lũy. Từ đó tiếp tục vay vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo để đầu tư cải tạo vườn vải thiều, trồng thêm 200 gốc bưởi. Cuối năm 2023, gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo”.

Bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động cho biết, xác định nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động địa phương là nhiệm vụ trọng tâm nên hằng năm, huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tổ chức khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động, từ đó xây dựng các chính sách phát triển đào tạo nghề phù hợp. Phối hợp với đơn vị chuyên môn mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nghề sát với thực tiễn địa phương và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Trung bình mỗi năm huyện mở 50 lớp dạy nghề, hầu hết các ngành nghề được đào tạo đều liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp.

Năm 2024, từ nguồn vốn chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, toàn tỉnh được phân bổ hơn 9,8 tỷ đồng thực hiện Tiểu dự án “Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn”. Đến nay, 8 huyện (trừ TP Bắc Giang và thị xã Việt Yên) đã khai giảng 80 lớp, tổ chức đào tạo nghề cho gần 2,9 nghìn người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; đạt 78,8% kế hoạch đề ra. Một số ngành nghề chủ yếu được đào tạo như: Chăn nuôi, thú y, trồng trọt, quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, may công nghiệp, sửa chữa cơ khí, điện dân dụng. Nhiều huyện đã hoàn thành 100% kế hoạch tuyển sinh, đào tạo như: Lục Ngạn 693 người, Hiệp Hòa 285 người, Tân Yên 210 người...

Để tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tạo việc làm bền vững cho người nghèo, theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần tăng cường lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án có cùng mục tiêu; phân bổ, sử dụng nguồn lực tại các địa phương theo phương châm trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch vốn hằng năm ngay sau khi được cấp có thẩm quyền giao dự toán, kế hoạch; tạo thuận lợi cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, có điều kiện phát triển mô hình kinh tế vươn lên thoát nghèo.

Bài, ảnh: Nhật Tiến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/day-manh-dao-tao-chuyen-doi-nghe-giup-nguoi-ngheo-vuon-len-160445.bbg