Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể để bảo vệ quyền lợi người lao động

Hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) giữa người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu và giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng giữa các bên; đồng thời, bảo vệ quyền, lợi ích của NLĐ. Nhằm phát huy hiệu quả đó, các cấp Công đoàn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động để thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động đối thoại, thương lượng và chất lượng các TƯLĐTT.

LĐLĐ tỉnh làm việc với Công đoàn và đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Yingtong Việt Nam, KCN Bình Xuyên về việc thúc đẩy các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể trong doanh nghiệp. Ảnh: Dương Chung

LĐLĐ tỉnh làm việc với Công đoàn và đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Yingtong Việt Nam, KCN Bình Xuyên về việc thúc đẩy các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể trong doanh nghiệp. Ảnh: Dương Chung

Hoạt động đối thoại trong các doanh nghiệp thường được tổ chức thông qua các hình thức như hội nghị NLĐ, các buổi đối thoại tập thể định kỳ, đối thoại đột xuất. Cùng với các hoạt động đối thoại, hoạt động thương lượng tập thể với sản phẩm cuối cùng là các bản TƯLĐTT cũng mang lại những thỏa thuận có lợi hơn so với các quy định của pháp luật liên quan đế NLĐ như tiền lương, tiền thưởng, thời gian làm việc và nghỉ ngơi, tuyển dụng, chế độ ăn ca, điều kiện làm việc, phúc lợi tập thể như tham quan, thăm hỏi khi ốm đau, hỗ trợ sinh hoạt (ăn, ở, phương tiện đi lại)…

Tuy nhiên, những năm trước đây, có rất ít doanh nghiệp tổ chức được các buổi đối thoại, thương lượng và ký kết TƯLĐTT, nội dung các bản TƯLĐTT sơ sài, mang tính hình thức, các điều khoản chỉ đạt so với các quy định của pháp luật về các chế độ, phúc lợi cho NLĐ, ít điều khoản có lợi hơn cho NLĐ. Để thay đổi tình trạng này, các cấp, ngành, trong đó chủ chốt là các cấp Công đoàn đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực.

LĐLĐ tỉnh đã tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các Công đoàn cơ sở (CĐCS) triển khai thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT tại doanh nghiệp, đơn vị. Đồng chí Lương Thị Thu Hiền, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động (LĐLĐ tỉnh) cho biết: "Nhằm nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ CĐCS trong việc thúc đẩy đối thoại, thương lượng giữa người sử dụng lao động và NLĐ, các cấp Công đoàn đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ theo dõi tình hình quan hệ lao động của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, cán bộ Ban Chấp hành CĐCS doanh nghiệp; phổ biến, cập nhật kịp thời các quy định của pháp luật về lao động.

Trong đó, tập trung bồi dưỡng kỹ năng đối thoại, thương lượng, đặc biệt là thương lượng các vấn đề về tiền lương (mức lương, phụ cấp, các khoản bổ sung, nâng lương). Đồng thời, chỉ đạo các CĐCS chú trọng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để kịp thời trao đổi, đối thoại với người sử dụng lao động về những quan tâm của NLĐ".

Cùng với sự chỉ đạo của LĐLĐ tỉnh, các CĐCS trong doanh nghiệp đã phát huy vai trò cầu nối trong việc giải quyết các mâu thuẫn, xung đột giữa NLĐ với người sử dụng lao động. Khi có tranh chấp xảy ra như đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, ngừng việc tập thể…, CĐCS sẽ tổ chức đối thoại nhằm dung hòa lợi ích của NLĐ với người sử dụng lao động, hạn chế NLĐ tự ý bỏ việc, làm việc không hết trách nhiệm, không tôn trọng cam kết, TƯLĐTT...

Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, hoạt động đối thoại, thương lượng và ký kết TƯLĐTT ngày càng có nhiều chuyển biến. Các doanh nghiệp đã quan tâm, chú trọng thương lượng về tiền lương, bữa ăn ca, cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động và những vấn đề cơ bản về phúc lợi tiến bộ; rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế độ với NLĐ phù hợp với quy định của pháp luật và nghị quyết hội nghị người lao động.

Trong giai đoạn 2015-2020, các doanh nghiệp đã tổ chức hơn 1.110 cuộc đối thoại tập thể, trong đó, có 115 cuộc đối thoại đột xuất. Đến cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 231 doanh nghiệp ký TƯLĐTT, tăng 104 doanh nghiệp so với năm 2015; 320 doanh nghiệp tổ chức hội nghị NLĐ và tổ chức đối thoại theo quy định của pháp luật.

Trong đó, có nhiều doanh nghiệp có TƯLĐTT có chất lượng tốt với nhiều nội dung có lợi hơn so với luật định và tạo điều kiện tốt nhất cho NLĐ như Công ty TNHH Kohsei Multipack Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn VITTO, Công ty cổ phần Giày Phúc Yên, Công ty cổ phần Giày Vĩnh Yên, Công ty cổ phần Prime Group…

Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Tập đoàn VITTO Đỗ Thị Thanh Hải cho biết: “Công ty đã ký kết TƯLĐTT với NLĐ và thường xuyên cập nhật các quy định của pháp luật và xây dựng, ký kết lại bản mới khi có thay đổi. Công ty cũng tổ chức đối thoại định kỳ với NLĐ (1 năm/lần đối thoại với toàn thể NLĐ công ty thông qua hội nghị NLĐ và 1 quý/lần với Ban Chấp hành CĐCS và đại diện các bộ phận trong công ty). Thông qua những cuộc đối thoại này, các vướng mắc, băn khoăn của NLĐ được giải thích, tháo gỡ kịp thời, giúp NLĐ yên tâm làm việc”.

Thúc đẩy các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể là giải pháp quan trọng trong nhóm các giải pháp nhằm thực hiện Đề án “Phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025” mà UBND tỉnh ban hành cuối năm 2021.

Hiện nay, các cấp, ngành chức năng đang tích cực triển khai các hoạt động cụ thể theo kế hoạch đề án; trong đó, dự kiến đến hết năm 2022 sẽ có 68-71% doanh nghiệp đã thành lập CĐCS thực hiện thương lượng tập thể, ký kết TƯLĐTT; hỗ trợ các doanh nghiệp cùng một ngành nghề ký ít nhất 1 TƯLĐTT… Từ đó, bảo vệ quyền lợi NLĐ, bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích các bên trong quan hệ lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư của tỉnh.

Thùy Linh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/75563/day-manh-doi-thoai-thuong-luong-tap-the-de-bao-ve-quyen-loi-nguoi-lao-dong.html