Đẩy mạnh kinh tế sáng tạo nhìn từ làn sóng Hallyu Hàn Quốc
Nhìn từ sự phát triển của kinh tế sáng tạo tại các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam cũng đã nhận thấy tiềm năng phát triển của kinh tế sáng tạo. Tuy nhiên, các thảo luận gần đây chủ yếu mang tính chất sơ khởi.
Ngày 12/3/2024, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức - do Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức tài trợ (GIZ) đồng tổ chức Hội thảo tham vấn “Phát triển kinh tế sáng tạo: Xu hướng, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị đối với Việt Nam”.
Khái niệm kinh tế sáng tạo đã ra đời và liên tục điều chỉnh trong hơn ba thập kỷ qua. Với tư duy thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo, mỗi nền kinh tế cũng có thể tận dụng khung chính sách hiện có trên các mô hình kinh tế khác. Các dịch vụ sáng tạo ở không ít nền kinh tế được đánh giá là có sức chống chịu và khả năng phục hồi tốt hơn trong thời kỳ đại dịch.
Quan trọng hơn, tư duy về kinh tế sáng tạo giúp hoàn thiện chính sách để các ý tưởng sáng tạo có đủ điều kiện, chu trình từ hình thành, sản xuất, cung ứng, phân phối và kể cả xuất khẩu, từ đó mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn cho nền kinh tế, lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp, và thu nhập cao hơn cho người lao động.
Việt Nam đã nhận thấy tiềm năng phát triển của kinh tế sáng tạo. Thống kê cho thấy quy mô xuất khẩu hàng hóa sáng tạo của Việt Nam là không nhỏ. Tuy nhiên, các thảo luận gần đây chủ yếu mang tính chất sơ khởi, chưa có cơ sở vững chắc trên nền tảng nghiên cứu khoa học bài bản, chưa có các hàm ý chính sách đủ chặt chẽ, khả thi.
Theo đó, Nghiên cứu “Phát triển kinh tế sáng tạo: Xu hướng, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị đối với Việt Nam” tập trung vào hệ thống hóa các khái niệm cơ bản của kinh tế sáng tạo, rà soát các xu hướng phát triển chủ yếu của kinh tế sáng tạo trong khu vực và trên thế giới và kinh nghiệm của một số quốc gia trong phát triển kinh tế sáng tạo, từ đó đối chiếu với thực trạng ở Việt Nam và đề ra các kiến nghị chính sách.
Ths. Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban, Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, xuất khẩu hàng hóa sáng tạo thế giới tăng từ 208 tỷ USD (năm 2002) lên 524 tỷ USD (năm 2020), trong đó châu Á là khu vực xuất khẩu lớn nhất (từ năm 2007). Trung Quốc là quốc gia đóng góp lớn nhất trong tổng xuất khẩu hàng hóa sáng tạo toàn cầu (chiếm 32%).
Có sự khác biệt giữa các nhóm hàng hóa sáng tạo được xuất khẩu giữa nhóm các nước đang phát triển và các nước phát triển. Cụ thể, các nước phát triển thống trị xuất khẩu xuất bản, nghệ thuật thị giác và nghe nhìn, trong khi các nước đang phát triển thống trị xuất khẩu thiết kế và thủ công mỹ nghệ.
Về dịch vụ sáng tạo, UNCTAD chia làm 6 nhóm, bao gồm nghiên cứu và phát triển; phần mềm; nghe nhìn; thông tin; quảng cáo, nghiên cứu thị trường và kiến trúc và các dịch vụ văn hóa, giải trí và di sản.
Xuất khẩu dịch vụ sáng tạo trên thế giới đã tăng từ 487 tỷ USD năm 2010 lên gần 1,1 nghìn tỷ USD năm 2020. Xuất khẩu các dịch vụ sáng tạo đã vượt xa xuất khẩu hàng hóa sáng tạo do sự gia tăng mạnh mẽ trong xuất khẩu phần mềm, dịch vụ nghiên cứu và phát triển, cũng như số hóa một số hàng hóa sáng tạo.
Nhìn vào kinh nghiệm quốc tế trong phát triển kinh tế sáng tạo, nhất là tại các quốc gia châu Á có thế mạnh về kinh tế sáng tạo như Trung Quốc, Hàn Quốc…, có thể thấy việc cần hoàn thiện các thể chế chính sách, pháp luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp cho sự phát triển của kinh tế sáng tạo; đồng thời phải tạo cơ chế hỗ trợ (thuế, tài chính, kết nối…) cho phát triển kinh tế sáng tạo…
Chẳng hạn, kinh tế sáng tạo được Hàn Quốc đặt làm chương trình nghị sự, chính sách lớn năm 2013. Theo định nghĩa của Chính phủ Hàn Quốc, nền kinh tế sáng tạo là một chiến lược kinh tế mới, tạo ra các ngành công nghiệp và thị trường mới bằng cách tích hợp, điều chỉnh trí tưởng tượng và tính sáng tạo vào khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông, tạo việc làm bền vững thông qua việc đẩy mạnh các ngành công nghiệp truyền thống.
Một số ngành công nghiệp sáng tạo tại Hàn Quốc có mức xuất khẩu cao như: trò chơi (2,9 tỷ USD năm 2014); làn sóng Hàn Quốc Hallyu (Hàn Lưu) thông qua điện ảnh và âm nhạc (Kpop) hiện đã lan rộng toàn cầu.
Hay tại Indonesia, quốc gia tương đồng với Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, kinh tế sáng tạo đóng góp 82 tỷ USD cho GDP của quốc gia này (chiếm 7,5%) và 23,9 tỷ USD cho xuất khẩu (khoảng 10%) trong năm 2021, sử dụng khoảng 19 triệu lao động.
Indonesia thiết lập bộ, ngành chuyên biệt quản lý kinh tế sáng tạo với tên gọi Bộ Du lịch và kinh tế sáng tạo (MoTCE). Đồng thời, Indonesia có một hệ thống pháp lý tương đối hoàn chỉnh về các ngành công nghiệp sáng tạo, bao gồm Luật Thiết kế công nghiệp; Luật về nhãn hiệu, Luật về bản quyền, Chính sách công nghiệp quốc gia…
Theo CIEM, các ngành kinh tế sáng tạo gồm có: Thủ công mỹ nghệ; thời trang và thiết kế; nghệ thuật ẩm thực; nghệ thuật biểu diễn; nghệ thuật tạo hình; phim và truyền thông; công nghệ thông tin và kỹ thuật phầm mềm; du lịch và di sản văn hóa; âm nhạc và giải trí; xuất bản và văn học; sáng tạo nội dung số; tiếp thị và quảng cáo số.
Trong đó, nhân tố hỗ trợ kinh tế sáng tạo tại Việt Nam là dân số trẻ, hiểu biết về công nghệ; chính sách tạo thuận lợi của nhà nước; di sản văn hóa phong phú; quá trình số hóa diễn ra nhanh chóng và tăng cường hội nhập với kinh tế toàn cầu.
“Chưa có khái niệm cụ thể về kinh tế sáng tạo phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam. Khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tại một số địa phương trong thời gian qua cũng cho thấy cách hiểu khác nhau về kinh tế sáng tạo, thậm chí thiếu sự phân định rạch ròi với đổi mới sáng tạo. Do kinh tế sáng tạo còn tương đối mới, Việt Nam gặp phải tình trạng thiếu các dữ liệu cập nhật, thường xuyên và chi tiết để phân tích các nội dung liên quan”, ông Dương cho biết.