Đẩy mạnh phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh

Diện mạo đô thị Tuy Hòa ngày càng hiện đại, sạch đẹp. Ảnh: THỦY TIÊN

Sau gần 5 năm (2015-2020) triển khai Chương trình phát triển đô thị Phú Yên đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh đã đạt được những kết quả khích lệ, góp phần tích cực trong định hướng và phát triển diện mạo các đô thị trên toàn tỉnh.

Trao đổi với Báo Phú Yên xung quanh vấn đề nói trên, ông Trần Xuân Túc, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh cho biết:

- Phú Yên hiện có 9 đô thị gồm: TP Tuy Hòa là đô thị loại II, TX Sông Cầu đô thị loại III, TX Đông Hòa đô thị loại IV và 6 đô thị loại V gồm thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân), thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh), thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa), thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa), thị trấn Phú Thứ (huyện Tây Hòa) và thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An). Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa tăng dần theo các năm. Điều này cho thấy sức hấp dẫn và khả năng phát triển của các đô thị trong tỉnh rất mạnh trong bối cảnh đô thị hóa với tốc độ cao trong vùng.

Cụ thể, tỉ lệ đô thị hóa toàn tỉnh năm 2005 là 20,54%; năm 2009 hơn 23%; năm 2019 là 32,53% và đến năm 2020 là 38,5%. Tuy nhiên, đối với từng tiểu vùng và từng trục phát triển đô thị thì tỉ lệ đô thị hóa có sự khác biệt khá rõ rệt. Trục có tốc độ đô thị hóa cao là những đô thị dọc theo quốc lộ 1 gồm Sông Cầu - Chí Thạnh - Tuy Hòa - Đông Hòa. Các vùng có tốc độ đô thị phát triển chưa mạnh là những thị trấn mới được hình thành, các thị trấn có vị trí địa lý thuộc huyện miền núi, vùng trung du như Phú Hòa, Sơn Hòa, Tây Hòa...

Ông Trần Xuân Túc

Ông Trần Xuân Túc

* Trong quá trình phát triển đô thị, tỉnh gặp phải những khó khăn gì, thưa ông?

- Khó khăn lớn nhất trong việc phát triển đô thị là thiếu nguồn vốn đầu tư trong khi vốn ngân sách tỉnh còn hạn hẹp. Một số đô thị có diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa nước 2 vụ trong quy hoạch chiếm tỉ lệ lớn, vì vậy việc chỉnh trang đô thị gặp nhiều khó khăn, nhất là công tác giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng các công trình, dự án. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bão lũ… cũng gây nhiều ảnh hưởng đến quá trình xây dựng và phát triển các đô thị trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, hệ thống đô thị phát triển chưa đồng bộ về quy mô diện tích và chất lượng; chưa bảo đảm khả năng liên kết trong từng đô thị, giữa các đô thị và giữa khu vực đô thị với khu vực nông thôn. Ngoài ra, diện tích đô thị mở rộng nhanh, kéo theo tình trạng sử dụng đất đô thị chưa hiệu quả; năng lực hệ thống hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân và các hoạt động kinh tế, năng lực và tư duy quản lý đô thị chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa.

* Đâu là mục tiêu phấn đấu trong thời gian tới?

- Những năm qua, công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị trên địa bàn tỉnh được quan tâm chú trọng và đã có nhiều chuyển biến rõ nét, từng bước đảm bảo sự phát triển đô thị hài hòa, bền vững. Đến nay, việc nâng loại đô thị cho TX Sông Cầu lên loại III và TX Đông Hòa lên loại IV đã hoàn thành. Huyện Sông Hinh và Tuy An đang lập chương trình phát triển đô thị cho xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) và xã An Mỹ (huyện Tuy An) sẽ hình thành 2 đô thị mới vào năm 2021.

Trong giai đoạn 2020-2025, Phú Yên sẽ tiếp tục đầu tư, nâng loại cho các đô thị, phấn đấu đến năm 2025 TP Tuy Hòa đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị loại I, Chí Thạnh (huyện Tuy An) và Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) từ loại V lên loại IV. Đồng thời tập trung đầu tư hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn để hình thành mới 4 đô thị loại V gồm: xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa); xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân); xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) và xã Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa). Các đô thị còn lại gồm: Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân); Trà Kê - Sơn Hội (huyện Sơn Hòa); Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa); Phong Niên (huyện Phú Hòa) sẽ hình thành đô thị loại V trong giai đoạn 2025-2030.

* Để hoàn thành được mục tiêu nói trên, các ngành chức năng và địa phương liên quan cần phải làm những gì, thưa ông?

- Trước mắt cần tiếp tục tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong Chương trình phát triển đô thị tỉnh Phú Yên đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 có rà soát, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển. Trong đó, các địa phương tổ chức lập đề án nâng loại cho từng đô thị. Tiếp tục rà soát điều chỉnh, bổ sung và phê duyệt hoàn thành các quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng phân khu và chi tiết đảm bảo chất lượng có lồng ghép tiêu chí tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đối với đô thị; có tính kết nối, bổ trợ, đồng bộ với các quy hoạch ngành khác, nhất là quy hoạch sử dụng đất.

Tiếp đến, cần chú trọng thu hút các nguồn lực xã hội và sự tham gia của cộng đồng trong quá trình phát triển đô thị, từ công tác lập quy hoạch đến thực hiện quy hoạch để vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước vừa đáp ứng nhu cầu người dân và nhà đầu tư. Tập trung phát triển theo hướng phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, trong đó vùng ven biển tiếp tục được xác định đóng vai trò động lực, tạo đột phá cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vùng ven biển, tạo điều kiện cho các dự án dịch vụ du lịch biển sớm triển khai.

Ngoài ra, cần quyết liệt cải cách hành chính một cách mạnh mẽ, nhất là thủ tục hành chính trong đầu tư. Tập trung giải quyết rốt ráo, dứt điểm các vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư xây dựng, nhất là các dự án có vốn ngoài ngân sách. Có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các sở ngành, các cấp và các địa phương trong việc hỗ trợ, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện sẵn sàng khi kêu gọi và triển khai các dự án đầu tư.

* Xin cảm ơn ông!

THỦY TIÊN (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/249118/day-manh-phat-trien-do-thi-tren-dia-ban-tinh.html