Đẩy mạnh thay đổi thói quen thanh toán không tiếp xúc từ dịch bệnh COVID-19
Thanh toán không dùng tiền mặt đang được nhiều người dân lựa chọn sử dụng khi mua sắm online hoặc tại các cửa hàng hiện đại, để tránh tiếp xúc trực tiếp trong mùa dịch COVID-19.
Thời gian qua, việc thanh toán không dùng tiền mặt như internet banking, mobile banking, ví điện tử ngân hàng hay các đơn vị trung gian đều được triển khai mạnh mẽ. Theo đó, nhận thức và thói quen dùng tiền mặt của người tiêu dùng cũng ngày càng thay đổi nhờ những cách thanh toán tiện lợi và phong phú. Để đạt được hiệu quả này, các ngân hàng và đơn vị thanh toán trung gian không ngừng liên kết với các doanh nghiệp triển khai nhiều hình thức thanh toán đa dạng, đem lại sự tiện lợi cho người dùng.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, hiện có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động. Riêng giao dịch tài chính qua kênh internet, tính đến hết năm 2019, đạt hơn 200 triệu giao dịch, giá trị hơn 10 triệu tỷ đồng, tăng 51,8% so với năm 2018.
Tuy nhiên, việc thanh toán không tiếp xúc chỉ mới dừng lại chủ yếu ở các khu đô thị, thành phố và ở các cửa hàng, siêu thị hoặc các kênh thương mại điện tử. Trong khi đó, nhu cầu mua sắm tại các chợ truyền thống, các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ hay ở vùng nông thôn vẫn cao, nhưng lại đang bị bỏ ngỏ hình thức thanh toán mới mẻ này. Do đó, thanh toán mobile money (thanh toán tiền thông qua nhà mạng di động) đang được xem là phương thức thay thế tối ưu, chỉ cần sử dụng mạng điện thoại là có thể thanh toán dễ dàng, không cần tài khoản ngân hàng.
Ông Phạm Trung Kiên, Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel cho biết, phương thức thanh toán money mobile rất phù hợp vì có thể thanh toán giá trị nhỏ như tiền uống cốc trà đá, vé gửi xe, mua bánh xà phòng, gói mì, cốc cà phê... Theo đó, dù không có tài khoản ngân hàng, nhưng nếu rút điện thoại ra trả tiền sẽ khá thuận tiện cho người dân.
Cũng theo ông Kiên, mặc dù hình thức thanh toán này sẽ cạnh tranh với ngân hàng, song về cơ bản, các loại hình thanh toán mới "nhắm" vào phân khúc tiêu dùng nhỏ lẻ nên tăng tiện lợi cho khách hàng. Với tính tiện lợi, nếu được cấp phép, các loại hình thanh toán mới sẽ phát triển rất nhanh, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành. Bởi thực tế, rất nhiều người sẵn sàng thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ví điện tử hay tiền di động, thay vì thông qua thẻ hay chuyển khoản ngân hàng, nhất là với những giao dịch thanh toán lặt vặt.
Tuy nhiên, hiện khung pháp lý cho thanh toán này vẫn chưa hoàn thiện. Đã hơn một năm trình Đề án mobile money, song đến nay, cả Viettel lẫn VNPT đều chưa được triển khai. Chính vì vậy, mới đây Chính phủ đã yêu cầu NHNN cũng như các nhà mạng sớm đẩy mạnh hoàn thiện khung pháp lý, đưa vào thử nghiệm để có thể tận dụng thời cơ trong thời điểm này, sớm thay đổi thói quen của người tiêu dùng.
Bên cạnh hình thức thanh toán mobile money, giải pháp thanh toán mPos cũng được các chuyên gia tài chính cho rằng phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cụ thể, các cửa hàng bán lẻ không trang bị máy POS của các ngân hàng mà chỉ cần mPos, gồm thiết bị đọc thẻ gọn nhẹ và ứng dụng được phát triển trên nền tảng di động, là có thể thanh toán thẻ như hệ thống POS truyền thống, rất phù hợp ở các vùng nông thôn.
Trong những năm vừa qua, NextPay - một trong những đơn vị tiên phong trong việc phát triển mạng lưới thanh toán mPOS, thông qua sự hợp tác với các ngân hàng lớn tại Việt Nam, đã triển khai hơn 40.000 thiết bị thanh toán ra thị trường. Mục tiêu năm 2023, đơn vị này sẽ phát triển 300.000 điểm chấp nhận thanh toán thẻ tại Việt Nam.
Tuy vậy, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, cần hoàn thiện không chỉ là hệ thống các văn bản pháp quy liên quan đến các hoạt động thanh toán nói chung trong nền kinh tế, cả thanh toán bằng tiền mặt và thanh toán không dùng tiền mặt, mà cần tạo lập một môi trường cạnh tranh công bằng, bảo đảm khả năng tiếp cận thị trường và tiếp cận dịch vụ đối với các chủ thể có chức năng tương tự như nhau; hình thành cơ chế bảo vệ khách hàng hữu hiệu và bảo đảm quy trình giải quyết tranh chấp hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần có các giải pháp cụ thể từ phía NHNN cũng như các ngân hàng thương mại. Theo đó, các ngân hàng cần tích hợp các loại thẻ với các thẻ thanh toán mà người dân đang sử dụng phổ biến để giảm thủ tục đăng ký mở thẻ và thẻ này có thể sử dụng trong nhiều hệ thống ngân hàng.
Vấn đề mà NHNN lo ngại nhất hiện nay là tính an toàn, bảo mật, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như ngăn chặn các mô hình mới này bị lợi dụng để thực hiện các hành vi như rửa tiền, tài trợ khủng bố… nhất là trong hoạt động thanh toán xuyên biên giới. Hiện Chính phủ đã giao NHNN nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý để cho phép các công ty Fintech tham gia. Các ngân hàng cũng xác định phải hợp tác cùng công ty Fintech vì công ty Fintech có rất nhiều lợi thế. Điều này buộc ngân hàng phải thay đổi cách thức hoạt động cho phù hợp, đồng thời, các dịch vụ tiện ích cũng phải đa dạng và có sự phối hợp.
Theo kế hoạch của NHNN, hàng loạt nghị định, thông tư liên quan đến hành lang pháp lý thử nghiệm các phương tiện thanh toán mới sẽ được ban hành trước tháng 12/2020, bao gồm: Nghị định về Cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng; Đề án Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025; sửa đổi, bổ sung các thông tư về thanh toán không dùng tiền mặt, về dịch vụ trung gian thanh toán; đề xuất Thủ tướng ban hành quyết dịnh thí điểm mobile money… Riêng thông tư về áp dụng xác thực điện tử (eKYC) sẽ ban hành trước tháng 9/2020.