Đẩy mạnh tiến độ thực hiện các yêu cầu tống đạt giấy tờ tư pháp

Sáng 30/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị Tổng kết 05 năm thực hiện Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã tham dự và chủ trì Hội nghị.

Những chuyển biến tích cực trong TTTP

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, trong những năm qua, Bộ Tư pháp với vai trò cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về hoạt động tương trợ tư pháp (TTTP) đã thường xuyên rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước và thúc đẩy đàm phán, ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về TTTP trong lĩnh vực dân sự để tạo cơ sở pháp lý trong nước và quốc tế trong hợp tác quốc tế về tương trợ tư pháp.

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu khai mạc Hội nghị

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu khai mạc Hội nghị

Đặc biệt, việc Việt Nam trở thành thành viên của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế vào năm 2013 là một dấu mốc quan trọng vì trong khuôn khổ Hội nghị La Hay có các công ước khác nhau về các vấn đề của tư pháp quốc tế, trong đó có TTTP về dân sự, thương mại. Thứ trưởng khẳng định việc gia nhập Công ước tống đạt đã mở ra quan hệ hợp tác TTTP về dân sự giữa Việt Nam với 79 quốc gia thành viên và ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng trong hợp tác quốc tế của Việt Nam về TTTP.

Việc gia nhập và thực thi hiệu quả Công ước Tống đạt đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác TTTP, hỗ trợ cơ quan tố tụng, cơ quan thi hành án trong nước và nước ngoài có đầy đủ cơ sở giải quyết các vụ việc dân sự, thi hành án dân sự, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, đảm bảo quyền con người trong lĩnh vực tư pháp. Điều này, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam về cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, những chủ trương của Đảng cùng với việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 đặt ra yêu cầu mới cho công tác hợp tác quốc tế về TTTP làm sao để phục vụ được mục tiêu cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN theo định hướng của Đảng, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Do đó, Thứ trưởng hy vọng Hội nghị là cơ hội tốt để đánh giá những kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế, tồn tại, đặc biệt là nhận diện được những thách thức, yêu cầu đối với việc thực thi Công ước để đề xuất giải pháp cho thời gian tới.

Hoàn thiện pháp luật về TTTP

Theo báo cáo tại Hội nghị, việc gia nhập Công ước đã tạo cơ sở pháp lý để Việt Nam mở rộng đối tác hợp tác TTTP đáp ứng nhu cầu lớn của Việt Nam về TTTP tống đạt giấy tờ ngày càng gia tăng. Kết quả tổng kết thực tiễn cho thấy việc gia nhập, thực hiện Công ước đã hỗ trợ tích cực cho Tòa án các cấp trong việc giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài cần yêu cầu ủy thác tống đạt giấy tờ cho các nước thành viên Công ước.

Cụ thể, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã rút ngắn thời gian khi lập, gửi hồ sơ ủy thác tư pháp tống đạt giấy tờ cho 79 quốc gia thành viên Công ước thông qua đầu mối Bộ Tư pháp – Cơ quan Trung ương; Công ước cho phép các quốc gia thành viên gửi yêu cầu tống đạt đến quốc gia thành viên khác cho đương sự cư trú trên lãnh thổ nước đó mà không có sự phân biệt quốc tịch của đương sự; tỉ lệ các yêu cầu tống đạt giấy tờ có phản hồi đã chuyển biến tích cực từ khi Việt Nam gia nhập Công ước.

Bên cạnh đó, việc gia nhập, thực hiện Công ước giấy tờ bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền được xét xử công bằng của đương sự ở nước ngoài; việc gia nhập, thực hiện Công ước đã thúc đẩy việc hoàn thiện pháp luật về TTTP, tố tụng dân sự của nước ta trong những năm vừa qua. Ngoài ra, từ kinh nghiệm có được khi gia nhập Công ước, ngày 03/02/2020, Việt Nam chính thức gia nhập Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại đã hoàn thiện thêm một bước cơ sở pháp lý quốc tế trong lĩnh vực TTTP về dân sự.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi Công ước yêu cầu trong giai đoạn tiếp theo, Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện pháp luật về TTTP, tống đạt giấy tờ; nghiên cứu việc lập, gửi hồ sơ tống đạt giấy tờ và nhận kết quả theo hình thức dữ liệu điện tử; thường xuyên ra soát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các yêu cầu tống đạt giấy tờ ở cả hai chiều, kịp thời xử lý nhanh các vướng mắc phát sinh và đề xuất giải pháp kịp thời.

Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ TTTP, đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn thực thi Công ước tới cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện tống đạt giấy tờ, chấm dứt tính trạng hồ sơ bị trả lại do lập không đúng quy định của Công ước; tăng cường phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với Tòa án nhân dân tối cao trong hoạt động hướng dẫn, đôn đốc các Tòa án nhân dân cấp tỉnh thực hiện yêu cầu tống đạt giấy tờ của nước ngoài…

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về việc thực thi Công ước trong lĩnh vực dân sự trong ngành Tòa án nhân dân; tác động của việc gia nhập và thực thi Công ước tống đạt nhìn từ gốc độ hội nhập quốc tế và đối ngoại…

Phương Mai

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/day-manh-tien-do-thuc-hien-cac-yeu-cau-tong-dat-giay-to-tu-phap-post428633.html