Đẩy mạnh tuyên truyền, đưa Luật Thống kê sửa đổi vào cuộc sống

Việc sớm đưa Luật Thống kê sửa đổi vào cuộc sống là cơ sở để triển khai các hoạt động thống kê và thu thập, tổng hợp, biên soạn và công bố các chỉ tiêu thống kê ở địa phương cũng như trên cả nước. Trong ảnh: Công chức Cục Thống kê Phú Yên tổng hợp số liệu thống kê các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Ảnh: LÊ HẢO

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 12/11/2021, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Luật này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thu thập, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời tình hình kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030, phục vụ công tác phân tích, hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô của các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Phóng viên Báo Phú Yên trao đổi với ông Cao Đăng Viễn, Cục trưởng Cục Thống kê Phú Yên xung quanh vấn đề này.

Cục trưởng Cục Thống kê Phú Yên Cao Đăng Viễn

Cục trưởng Cục Thống kê Phú Yên Cao Đăng Viễn

* Xin ông cho biết những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê?

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê đã sửa đổi, bổ sung khoản 6, Điều 17; điểm d, khoản 2, Điều 48 và thay thế phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê năm 2015 bằng phụ lục danh mục mới gồm 21 nhóm với 230 chỉ tiêu.

Luật sửa đổi bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương xây dựng, trình Chính phủ ban hành quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP), chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP). Luật cũng bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương định kỳ 5 năm, rà soát quy mô tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước. Đây là quy định mới, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn của Việt Nam nhằm phản ánh đầy đủ và sát thực hơn bức tranh kinh tế tổng hợp của đất nước, phục vụ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, luật sửa đổi, bổ sung quy định thẩm quyền công bố thông tin thống kê của người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia. Quy định này của luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho việc công bố thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và công bố thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; công khai, minh bạch việc biên soạn và công bố chỉ tiêu GDP và GRDP; triển khai thực hiện đồng bộ các văn bản pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia kèm theo Luật Thống kê năm 2015 còn được thay thế bằng phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia mới gồm 21 nhóm với 230 chỉ tiêu. So với danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê năm 2015, danh mục chỉ tiêu thống kê lần này có một số thay đổi.

Cụ thể, về nhóm chỉ tiêu, phụ lục tách nhóm chỉ tiêu “19. Trật tự, an toàn xã hội và tư pháp” thành 2 nhóm riêng là “19. Trật tự, an toàn xã hội” và “20. Tư pháp”. Sửa tên 3 nhóm chỉ tiêu, gồm nhóm “07. Tiền tệ và bảo hiểm” sửa tên thành “07. Tiền tệ, bảo hiểm và chứng khoán” do bổ sung các chỉ tiêu về chứng khoán; nhóm “11. Giá cả” sửa tên thành “11. Chỉ số giá” vì nhóm này gồm các chỉ số giá; nhóm “13. Công nghệ thông tin và truyền thông” sửa tên thành “13. Công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông và truyền thông”.

Về chỉ tiêu, phụ lục sửa tên 43 chỉ tiêu để phù hợp tình hình thực tế và văn bản pháp luật chuyên ngành đồng thời bảo đảm so sánh quốc tế. Bổ sung 58 chỉ tiêu để phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Đồng thời bỏ 14 chỉ tiêu do không còn phù hợp với thực tế, không bảo đảm tính khả thi hoặc đã có trong nội dung của chỉ tiêu thống kê khác.

* Việc sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê có ý nghĩa như thế nào trong thời điểm hiện nay, thưa ông?

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022. Đây là các văn bản pháp lý có hiệu lực cao nhất trong công tác thống kê, là cơ sở để triển khai các hoạt động thống kê và thu thập, tổng hợp, biên soạn và công bố các chỉ tiêu thống kê. Điểm mới nổi bật là phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia phản ánh, đánh giá thực hiện các nội dung của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; chính sách về phát triển bền vững; cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung vào các nhóm chuyển đổi số, kinh tế số; kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế bao trùm; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics; giới và bình đẳng giới; quan hệ hội nhập quốc tế, cam kết quốc tế của Việt Nam...

Tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp là một trong những chỉ tiêu thống kê cần được thu thập định kỳ. Trong ảnh: Chế biến thủy sản xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TX Sông Cầu. Ảnh: LÊ HẢO

Tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp là một trong những chỉ tiêu thống kê cần được thu thập định kỳ. Trong ảnh: Chế biến thủy sản xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TX Sông Cầu. Ảnh: LÊ HẢO

* Thời gian tới, Cục Thống kê Phú Yên sẽ làm gì để Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê sớm đi vào cuộc sống?

- Để Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê được triển khai hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn, các cơ quan có thẩm quyền đang tập trung xây dựng nghị định quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; hệ thống chỉ tiêu cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới cho phù hợp.

Về phía Cục Thống kê Phú Yên, chúng tôi sẽ tổ chức quán triệt thực hiện và tăng cường tuyên truyền, phổ biến luật này; tham mưu UBND tỉnh quyết định ban hành biểu mẫu thu thập hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Chúng tôi cũng sẽ triển khai bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ thống kê ở địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan.

* Xin cảm ơn ông!

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022. Đây là các văn bản pháp lý có hiệu lực cao nhất trong công tác thống kê, là cơ sở để triển khai các hoạt động thống kê và thu thập, tổng hợp, biên soạn và công bố các chỉ tiêu thống kê.

LÊ HẢO (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/286806/day-manh-tuyen-truyen-dua-luat-thong-ke-sua-doi-vao-cuoc-song.html