Đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường

Ngày 22.8, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường”. Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên

Tại hội nghị, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình bày nội dung Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 1.6.2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường (gọi tắt là Chỉ thị số 08). Theo Chỉ thị số 08, văn hóa học đường là một môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm với đất nước, cộng đồng, gia đình và bản thân. Chỉ thị cũng nêu rõ những kết quả đã đạt được, tồn tại, hạn chế trong thời gian qua. Thời gian tới, nhằm tăng cường triển khai thực hiện công tác xây dựng văn hóa học đường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, chú trọng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức; kết hợp giữa dạy chữ, dạy người, trang bị kỹ năng và định hướng nghề nghiệp cho người học. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn việc đổi mới dạy và học môn đạo đức, giáo dục công dân, sinh hoạt Đoàn, Đội; xây dựng văn hóa học đường gắn với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Ngoài ra, Chỉ thị số 08 cũng chỉ rõ các nhiệm vụ cụ thể của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường; vai trò của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, nhà trường để tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và toàn xã hội tích cực tham gia công tác xây dựng văn hóa học đường…Tại hội nghị, các đại biểu tham luận một số vấn đề như: Xây dựng văn hóa học đường góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; công tác phối hợp giữa ngành Giáo dục và Đào tạo với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổ chức Đoàn Thanh niên trong xây dựng văn hóa học đường; văn hóa học đường trong chuyển đổi số; văn hóa học đường từ các mối quan hệ ngoài nhà trường…Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phát huy tốt hơn nữa vai trò chủ trì, tham mưu và huy động sự vào cuộc của toàn xã hội trong công tác xây dựng văn hóa học đường; tập trung xây dựng các mô hình điểm, cách làm hay và biểu dương các điển hình trong xây dựng văn hóa học đường tại các cơ sở giáo dục; tiếp tục xây dựng các bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa học đường trong các cơ sở giáo dục gắn với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ngành Giáo dục và Đào tạo chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản liên quan đến công tác xây dựng văn hóa học đường; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để xây dựng văn hóa học đường phù hợp lịch sử, văn hóa của từng địa phương và huy động nguồn lực tại địa phương để xây dựng thư viện, sân thể thao trong các nhà trường. Xây dựng văn hóa học đường cần có sự kết hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa gia đình- nhà trường- xã hội… Vũ Huế

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202208/day-manh-xay-dung-van-hoa-hoc-duong-9ad45ae/