ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa): Bảo đảm công bằng giữa các cá nhân hành nghề lưu trữ

Sáng 24.5, thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) đề nghị, dự thảo cần thể hiện lại cách giải thích từ ngữ cho rõ nghĩa hơn và trong quy định điều khoản chuyển tiếp phải bảo đảm công bằng giữa các cá nhân hành nghề lưu trữ.

Cần thể hiện lại cách giải thích từ ngữ

Tham gia đóng góp ý kiến, ĐBQH Cầm Thị Mẫn cơ bản tán thành với nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Đồng thời, nhất trí với đánh giá dự thảo Luật đã bám sát các chính sách lớn được Quốc hội ban hành thời gian qua; khắc phục được những bất cập, hạn chế của Luật Lưu trữ hiện hành và kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số...

Tham gia góp ý một số nội dung của dự thảo Luật, ĐBQH Cầm Thị Mẫn cho rằng, cần xem xét lại cách giải thích từ ngữ tại khoản 2 và khoản 3 Điều 2: “2. Tài liệu là thông tin gắn liền với vật mang tin có nội dung và hình thức thể hiện không thay đổi khi chuyển đổi vật mang tin. Tài liệu gồm tài liệu giấy, tài liệu trên vật mang tin khác và tài liệu điện tử; 3. Tài liệu giấy, tài liệu trên các vật mang tin khác là tài liệu tạo lập trên giấy, trên các vật mang tin khác”.

ĐBQH Cầm Thị Mẫn cho rằng, cách giải thích từ ngữ như trên còn gây khó hiểu, khó xác định; bởi lẽ ở đây xuất hiện 2 thuật ngữ: “vật mang tin” và “vật mang tin khác”. Tuy nhiên, dự thảo Luật không có giải thích “vật mang tin” là vật gì để từ đó làm phương pháp loại trừ và xác định “vật mang tin khác”.

Ngoài ra, nghiên cứu nội dung giải thích từ ngữ tại khoản 2, khoản 3 dự thảo cho thấy sự bất cập: Nếu giải thích từ ngữ như khoản 2 thì có thể hiểu có 3 dạng tài liệu. Một là tài liệu giấy, hai là tài liệu điện tử và ba là tài liệu trên vật mang tin khác. Tuy nhiên, khoản 3 chỉ nêu “tài liệu giấy và tài liệu trên các vật mang tin khác”. Như vậy, tài liệu điện tử có phải là một dạng tài liệu trên vật mang tin khác không? Do vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung khái niệm “vật mang tin”, đồng thời thể hiện lại cách giải thích từ ngữ ở khoản 3 Điều 2 này cho rõ nghĩa hơn, để từ đó định hình được “vật mang tin khác” là những loại vật mang tin nào.

Quy định chuyển tiếp phải bảo đảm công bằng

Về quy định chứng chỉ hành nghề lưu trữ, ĐBQH Cầm Thị Mẫn đề xuất chỉnh sửa 2 vấn đề. Tại điểm a khoản 1 Điều 55 quy định Bộ Nội vụ có thẩm quyền trong cấp, cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề lưu trữ, cụ thể: Bộ Nội vụ hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ trong phạm vi toàn quốc; cấp, cấp lại, thu hồi Chứng chỉ hành nghề lưu trữ; giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động dịch vụ lưu trữ và việc cấp, sử dụng và quản lý chứng chỉ hành nghề lưu trữ.

ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) phát biểu

ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) phát biểu

Trong khi đó, khoản 1 Điều 56 cũng quy định, chứng chỉ hành nghề lưu trữ do Bộ Nội vụ cấp cho cá nhân có đủ trình độ chuyên môn và các điều kiện theo quy định của pháp luật để thực hiện kinh doanh dịch vụ lưu trữ. ĐBQH Cầm Thị Mẫn đề nghị, nghiên cứu điều chỉnh theo hướng quy định về thẩm quyền này tập trung vào một Điều 55 hoặc Điều 56.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng tán thành dự thảo Luật đã nâng quy định cấp chứng chỉ hành nghề lưu trữ lên Bộ Nội vụ cấp thay vì Giám đốc Sở Nội vụ (theo quy định tại Nghị định số 01 ngày 3.1.2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lưu trữ); đồng thời, sửa đổi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư là rất phù hợp.

Tuy nhiên, tại quy định về chuyển tiếp (khoản 5 Điều 65 của dự thảo Luật) có quy định, chứng chỉ hành nghề lưu trữ được cấp theo quy định của Luật Lưu trữ số 01/2011/QH13 được tiếp tục sử dụng đến khi hết thời hạn ghi trên chứng chỉ. Trong khi đó, dự thảo Luật quy định Luật Lưu trữ (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1.7.2025. Như vậy sẽ có trường hợp được cấp chứng chỉ hành nghề lưu trữ vào tháng 1.2025, chủ thể cấp là Giám đốc Sở Nội vụ, có giá trị 5 năm và sử dụng trên toàn quốc, là tháng 1.2030 mới hết hạn sử dụng.

Trong khi đó, trường hợp được cấp tháng 7.2025 thì phải do Bộ Nội vụ cấp, “phải đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ do Bộ Nội vụ tổ chức” (điểm d khoản 3 Điều 56). Như vậy, chỉ cách nhau thời gian ngắn nhưng quy trình, thủ tục, chủ thể cấp thì khác nhau mà giá trị sử dụng lại như nhau trong khoảng thời gian 4, 5 năm, ĐBQH Cầm Thị Mẫn cho là không bảo đảm công bằng giữa các cá nhân cùng hành nghề. Do đó, đề nghị cần quy định điều khoản chuyển tiếp bảo đảm phù hợp hơn, rút ngắn khoảng cách khác biệt nêu trên.

Hải Dương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/dbqh-cam-thi-man-thanh-hoa-bao-dam-cong-bang-giua-cac-ca-nhan-hanh-nghe-luu-tru-i372709/