ĐBQH Phạm Thị Xuân tham gia góp ý về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi)

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 28/5 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (TAND) (sửa đổi).

Tham gia góp ý về đổi mới TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử, ĐBQH Phạm Thị Xuân, Thư ký TAND huyện Quan Hóa (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, việc đổi mới tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử theo hướng tổ chức TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm là phù hợp và cần thiết với các lý do như sau: Việc đổi mới này là để thể chế hóa yêu cầu của Đảng, cụ thể như sau: Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đặt ra yêu cầu “Thống nhất nhận thức về các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, đó là: “Đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”; “Hoàn thiện cơ chế để khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp tòa án là quan hệ hành chính, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử và độc lập của thẩm phán, hội thẩm khi xét xử”.

Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đề ra định hướng “Trọng tâm là hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của TAND, bảo đảm tòa án xét xử độc lập, đúng pháp luật, kịp thời và nghiêm minh; phân định thẩm quyền xét xử của tòa án sơ thẩm và tòa án phúc thẩm phù hợp với nguyên tắc hai cấp xét xử.”

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đề ra nhiệm vụ: “Tổ chức hệ thống tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính”.

Thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND phúc thẩm bị thu hẹp dần để tăng thẩm quyền cho các TAND sơ thẩm. So với trước đây, thẩm quyền của Tòa án cấp sơ thẩm đã được mở rộng hơn nhiều (trước đây, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xét xử các vụ án hình sự có mức cao nhất của khung hình phạt đến 7 năm, thì nay đã xét xử các vụ án hình sự có mức cao nhất của khung hình phạt lên đến 15 năm tù; nhiều tranh chấp về dân sự, kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài trước đây thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp phúc thẩm đã được chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm...).

Tổ chức lại các Tòa án theo thẩm quyền xét xử (sơ thẩm - phúc thẩm) để khắc phục tình trạng quan hệ giữa cấp Tòa án là quan hệ hành chính; góp phần thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử. Hiện nay, các Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm đều được quy định rõ trong các luật tố tụng và trong bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm, TAND cấp cao, TAND tối cao đều nhận định về bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm mà không nhận định về bản án quyết định của Tòa án cấp huyện hay Tòa án cấp tỉnh.

Tiếp tục khẳng định Tòa án là cơ quan xét xử của Nhà nước, thực hiện thẩm quyền tài phán của quốc gia chứ không phải là Tòa án của tỉnh, huyện; không thực hiện quyền tài phán của tỉnh, huyện. Các luật tố tụng hiện hành đều quy định về thủ tục xét xử tại Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm.

Đây là bước tiến lớn về đổi mới tư duy chính trị - pháp lý, phù hợp định hướng cải cách tư pháp chứ không đơn thuần là thay đổi tên gọi.

Quy định này không ảnh hưởng đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương. Cơ chế lãnh đạo của cấp ủy Đảng, giám sát của cơ quan dân cử đối với Tòa án; quan hệ phối hợp công tác với các Cơ quan thực thi pháp luật vẫn được thực hiện theo quy định hiện hành.

Việc thành lập các Tòa án này sẽ không phải sửa các luật liên quan vì đã quy định trong điều khoản chuyển tiếp của dự thảo Luật.

Việc đổi mới TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử có phát sinh chi phí sửa con dấu, biển hiệu của Tòa án nhưng không đáng kể so với lợi ích to lớn, lâu dài của việc đổi mới các Tòa án này (như: tăng được hiệu quả, chuyên môn hóa được hoạt động của ngành tòa án và đặc biệt bảo đảm tính nhất quán trong áp dụng pháp luật; phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội nước ta hiện nay và trong tương lai; bảo đảm tính minh bạch; tránh được việc các cơ quan hành chính có thể tác động đến tính độc lập của Tòa án...).

Tham gia góp ý về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp (khoản 3 Điều 141), đại biểu Phạm Thị Xuân đề nghị chỉnh lý khoản 3 Điều 141 dự thảo Luật như sau: “Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định khi có sự cho phép của chủ tọa phiên tòa, phiên họp; trường hợp ghi âm, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa, phiên họp” với lý do sau: Để bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định tại Điều 3 Hiến pháp “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.”

Để bảo vệ quyền con người, quyền công dân đối với hình ảnh, bí mật cá nhân, gia đình..., quá trình diễn ra phiên tòa, phiên họp, nhiều thông tin, chứng cứ được công bố tại phiên tòa nhưng chưa được kiểm chứng, đặc biệt là những thông tin về đời tư cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh... Các thông tin, chứng cứ này cần được Hội đồng xét xử xem xét, kết luận trong bản án, quyết định.

Để bảo đảm tính tôn nghiêm tại phiên tòa, tạo điều kiện cho Hội đồng xét xử điều hành tốt phiên tòa, không bị phân tâm bởi các yếu tố khác.

Việc quy định tại khoản 3 Điều 141 dự thảo Luật không hẹp hơn so với Luật Báo chí. Luật báo chí quy định hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật. Luật này và pháp luật có liên quan cho phép đến đâu thì báo chí được thực hiện đến đó.

Để thuận lợi cho hoạt động chuyên môn của Tòa án và các cơ quan chức năng khác, dự thảo Luật đã bổ sung khoản 4 với nội dung: Tòa án tiến hành ghi âm lời nói, ghi hình ảnh toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp trong trường hợp cần thiết để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. Việc sử dụng, cung cấp kết quả ghi âm lời nói, ghi hình ảnh diễn biến phiên tòa được thực hiện theo quy định của pháp luật là phù hợp. Việc bổ sung quy định nêu trên vừa đảm bảo cho phiên tòa được tiến hành đúng pháp luật, chất lượng, trang nghiêm; vừa đảm bảo tính khả thi và tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Sau này Viện kiểm sát có giám sát hay cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cần kiểm tra thông tin thì kiểm tra trên kết quả ghi âm, ghi hình của Tòa án.

Quốc Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dbqh-pham-thi-xuan-tham-gia-gop-y-ve-du-thao-luat-to-chuc-toa-an-nhan-dan-sua-doi-215305.htm