ĐBQH: Thị trường bất động sản 'hư hư thực thực', khó định giá

Nhiều đại biểu cho rằng, thị trường bất động sản hiện bất ổn, hư hư thực thực, khó định giá.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp).

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp).

Sáng 28/10, Quốc hội thảo luận về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, thời gian qua, thị trường bất động sản, nhất là trước dịch Covid-19 có bước phát triển rất mạnh cả về số và chất lượng.

Nhiều khu đô thị mới hình thành, nhất là ở TPHCM và Hà Nội. Nhiều loại hình BĐS mới mọc lên.

Tuy nhiên, thời điểm này đang sốt giá đất, giá đất cao, nhu cầu ở không nhiều, chủ yếu mua để đầu cơ, cho thuê, có người mới vừa mua đã "sang tay chốt lời". Thị trường bất động sản bất ổn, hư hư thực thực, khó định giá.

Đại biểu cho biết, giai đoạn sau dịch Covid-19, thị trường bất động sản giảm mạnh, doanh nghiệp nào neo giá cao, chậm bán đều gặp khó khăn do phần lớn đều vay tín dụng.

Bất động sản gần như đóng băng, có doanh nghiệp hạ giá bán còn 2/3 giá ban đầu nhưng vẫn ít người mua. Điều đó chứng tỏ người dân không có nhu cầu cao với nhà ở cao cấp.

Trong khi đó, nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp thì rất cần nhưng lại không xây dựng để bán.

Đại biểu cho rằng, chính sách của Nhà nước trên các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, đất đai... cho nhà ở xã hội chưa khuyến khích cho nhà đầu tư.

Gói tín dụng 120 nghìn tỷ chậm được giải ngân, nhiều văn bản pháp quy còn chồng chéo nhau, chưa rõ ràng.

Nhiều địa phương chưa đạt tỷ lệ về nhà ở xã hội theo quy định, nếu có chỉ số ít căn hộ được mua hoặc thuê, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Quỹ đất đô thị chủ yếu đấu thầu dự án dành cho nhà ở thương mại, còn nhà ở xã hội phụ thuộc vào 20% trong dự án của nhà ở thương mại.

Mặt khác, vẫn còn những bất cập như văn bản quy định chi tiết hướng dẫn chậm được ban hành, sửa đổi bổ sung nhiều lần nên khâu thực hiện còn lúng túng.

Có sự mâu thuẫn, thiếu nhất quán trong quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất, tùy tiện trong điều chỉnh quy hoạch.

Việc thực hiện đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ Nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 chưa đạt yêu cầu.

Các nhà đầu tư tiếp cận đất đai còn khó khăn, nhận chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn vướng mắc do thay đổi quy định của pháp luật, chậm định giá đất của địa phương.

Đó cũng là nguyên nhân các dự án bất động sản và nhà ở xã hội bị đình trệ.

Trong khi đó, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) nhấn mạnh, điều nổi cộm là giá bất động sản tại các thành phố lớn rất cao và liên tục tăng lên, vượt quá mức thanh toán của đại đa số người dân có nhu cầu nhà ở.

Thu nhập từ bất động sản thấp so với giá vốn đầu tư bất động sản.

 Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội).

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội).

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, giá bất động sản cao bất thường do người mua để tích lũy tăng cao khiến dòng tiền đẩy vào bất động sản cao, không chảy vào kinh doanh sản xuất.

Nguồn cung bất động sản ngày càng khan hiếm.

Các lực lượng thị trường như môi giới, đấu giá cố tình đẩy giá lên cao để kiếm lợi nhuận.

Để kiểm soát giá bất động sản, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất, yêu cầu người tham gia đấu giá phải chứng minh được khả năng tài chính để mua tài sản, nhằm loại bỏ những người chỉ đấu giá để bán lại.

Thực hiện ngay Điều 31 của Luật Giá về kiểm tra các yếu tố hình thành giá khi có biến động bất thường. Yêu cầu doanh nghiệp kê khai giá bán lần đầu trên thị trường thứ cấp.

Xây dựng cơ chế quản lý sàn giao dịch bất động sản chuyên nghiệp tại một số thành phố lớn, nhằm quản lý minh bạch hoạt động của thị trường.

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dbqh-thi-truong-bat-dong-san-hu-hu-thuc-thuc-kho-dinh-gia-post706329.html