Để bầu trời mãi xanh
Những ngày bầu trời Hà Nội trong xanh, người dân ở chung cư có thể nhìn thấy dãy Tam Đảo hay đỉnh núi Ba Vì xanh thẫm phía chân trời. Còn những ngày này, mỗi sớm kéo rèm cửa ra, họ thường thấy một màu sương mờ đục.
Buổi sáng thức dậy lên sân thượng tập thể dục, hay ra công viên chạy bộ, nhiều người cảm thấy ngột ngạt. Nhiều người dân, nhất là người già, trẻ nhỏ khó ngủ hơn, thậm chí tức ngực khi ra đường.
Có thông tin cảnh báo ô nhiễm không khí tại thủ đô ở mức nghiêm trọng, ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe. Thông tin đó, cần tiếp tục được các chuyên gia phân tích, nhưng ô nhiễm không khí ở Hà Nội là có thật, nguyên nhân được chỉ ra là: Mật độ dân cư ngày càng tăng do tăng cơ học, kéo theo lượng ô tô, xe máy tăng chóng mặt; trong khi đó hạ tầng quá tải, tắc đường triền miên và ngày càng trầm trọng. Chưa kể những năm qua, số lượng và tốc độ dự án xây dựng hạ tầng, đô thị, chung cư tăng rất nhanh từ nội thành đến ngoại ô, trải dài bao quanh Vành đai 3, biến Hà Nội thành một đại công trường.
Tất nhiên ô nhiễm do các đại công trường này không được kiểm soát tốt. Cùng đó, khí thải của các nhà máy, cơ sở sản xuất tại nội đô, người dân đốt rơm rạ ở các huyện ngoại thành, các tỉnh lân cận cũng góp phần làm không khí thêm ô nhiễm. Bị ảnh hưởng nhiều nhất và trước tiên là người nghèo, người không có điều kiện làm việc trong văn phòng, nhưng nhìn sâu, sự tác động của ô nhiễm không khí chẳng từ một ai.
Truy cập vào trang web hệ thống quan trắc môi trường không khí của thành phố Hà Nội (moitruongthudo), các chỉ số vẫn ở mức bình thường. Tuy nhiên ứng dụng AirVisual lại cho chỉ số cao hơn, xấu hơn - mức báo động ô nhiễm cao nhất. Chưa bàn đến mức độ tin cậy của các chỉ số, nhưng sự không nhất quán đó lại gây không ít hoang mang, bất an.
Điều người dân quan tâm là minh bạch thông tin, là các giải pháp kịp thời, hiệu quả. Để giảm thiểu ô nhiễm, người dân có quyền hy vọng chính quyền thành phố sẽ làm tốt hơn những việc sau: Trồng thêm cây xanh; giảm áp lực dân cư nội đô, hoàn thiện hạ tầng giao thông để giảm ô nhiễm, khói bụi; hiện thực hóa việc chuyển cơ sở sản xuất ô nhiễm, trường học, bệnh viện ra bên ngoài; xây dựng hệ thống quan trắc hiện đại, thường xuyên cập nhật thông tin tới người dân; kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm cơ sở gây ô nhiễm.
Năm 1972, Nhà khí tượng học và chuyên gia về lý thuyết hỗn loạn Edward Norton Lorenz đưa ra giả thuyết hiệu ứng cánh bướm: Liệu một con bướm đập cánh trong rừng Amazon ở Brasil có thể gây ra cơn lốc ở Texas? Và ông chứng minh rằng, cái đập cánh của con bướm nhỏ bé có thể gây ra sự thay đổi (dù rất nhỏ), dẫn đến kết quả là những thay đổi lớn về thời tiết, như cơn lốc tại một địa điểm cách nơi con bướm đập cánh hàng vạn km. Nói cách khác, cái đập cánh của con bướm nhỏ kia, có thể gây bão ở một nơi nào đó trên trái đất.
Cũng vậy, gây ô nhiễm hay giữ môi trường trong lành tùy thuộc vào mỗi hành động dù nhỏ của chúng ta. Không thể nói một hành vi xả rác bừa bãi, đốt một điếu thuốc, ăn một bữa tiệc xa xỉ... mà không làm ảnh hưởng đến môi trường. Giữ cho bầu trời mãi trong xanh, phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm và hành động của chính chúng ta.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/de-bau-troi-mai-xanh-1470435.tpo