Để có tác phẩm truyền hình chất lượng tham dự các giải báo chí?

Đó là câu hỏi rất nhiều người làm truyền hình ở các cơ quan báo chí địa phương mong muốn giải đáp được. Có rất nhiều bài học, kinh nghiệm và cách thức khác nhau của những nhà báo đã từng đoạt giải. Nhưng ở họ có một điểm chung là tinh thần nhạy bén, lăn lộn với cơ sở phát hiện đề tài và triển khai đề tài đó một cách hiệu quả nhất.

Việc chọn đề tài và xử lý đề tài là yếu tố quyết định chất lượng tác phẩm

Nhà báo Trần Thanh Huyền - công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Giang đã hơn 22 năm, chị vinh dự cùng đồng nghiệp có nhiều tác phẩm đạt các giải tại Giải Báo chí quốc gia, Huy chương tại các kỳ Liên hoan truyền hình toàn quốc; giải Diên Hồng, Giải báo chí "Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc"…22 năm đó cũng là quãng thời gian chị học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ để trưởng thành hơn qua từng phóng sự.

 Nhà báo Trần Thanh Huyền và các đồng nghiệp tại Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Giang. Ảnh: NVCC

Nhà báo Trần Thanh Huyền và các đồng nghiệp tại Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Giang. Ảnh: NVCC

Mỗi khi có giải báo chí nào được tổ chức, chị và đồng nghiệp đều nhận được hướng dẫn về thể lệ giải từ các cấp hội. Được sự động viên khích lệ từ lãnh đạo cơ quan, chị luôn háo hức để bắt tay vào tìm kiếm đề tài, triển khai đề tài để có những tác phẩm ấn tượng nhất dự các giải báo chí mới.

Chị cũng giống như nhiều đồng nghiệp khác ở các Đài địa phương, luôn xác định giải báo chí được tổ chức không chỉ là sân chơi nghiệp vụ để thử sức mình, để khẳng định chất lượng của cơ quan báo chí mình đang công tác mà qua đó còn là cơ hội để tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm chuyên môn. Rút ra cách làm báo mới, sáng tạo hơn trong cách thể hiện các tác phẩm. Tác phẩm đó không chỉ có chủ đề hay mà còn phải có cách thể hiện hấp dẫn, mang hơi thở của cuộc sống, được đông đảo khán thính giả đón nhận.

Nhà báo Trần Thanh Huyền cho biết, để có tác phẩm báo chí chất lượng, điều quan trọng tác phẩm báo chí đó cần có nội dung, hình thức, phương thức thể hiện sự công phu, độ sâu về nghiệp vụ. Việc chọn đề tài và xử lý đề tài là yếu tố quyết định chất lượng tác phẩm. Đề tài trong tác phẩm báo chí gửi dự thi giải báo chí phải là những đề tài mang tính thời sự cao, mới, lạ, hấp dẫn, những vụ việc, vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Nhà báo Trần Thanh Huyền lấy ví dụ: “Trong loạt phóng sự 3 kỳ về nâng tỷ lệ đảng viên và trưởng thôn, tổ dân phố, câu chuyện tuy không mới nhưng chúng tôi đặt vấn đề ở đây vì sao phải nâng tỷ lệ này, trong khi tỷ lệ trưởng thôn vi phạm pháp luật ở Bắc Giang chiếm số lượng lớn. Trong số đó, phần lớn họ không phải là đảng viên, khuyết điểm do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, do tham ô, tham nhũng...Câu chuyện được thể hiện một cách gần gũi, đời thường về những trưởng thôn "liều" đã được chúng tôi khai thác, đề cập và làm rõ, thu hút được đông đảo người xem”.

Hình ảnh mang chứa nội dung là hồn vía của tác phẩm

Có thể nói, nếu như việc lựa chọn đề tài là điều kiện cần, thì việc xử lý đề tài là điều kiện đủ để làm nên một tác phẩm báo chí chất lượng. Trong tác phẩm truyền hình nhiều nhà báo còn luôn coi trọng hình ảnh hơn cả lời bình. Những hình ảnh mang chứa nội dung là hồn vía của tác phẩm.

Ở thời của công nghệ số, tâm lý người xem đã dịch chuyển. Người ta muốn nghe, xem thẳng vấn đề. Vì vậy, đối với mỗi tác phẩm truyền hình cách thể hiện hình ảnh, lời bình ra sao cho hấp dẫn, cuốn hút, dẫn dắt người xem là thực tế đặt ra và xử lý hiệu quả.

 Nhà báo Bùi Tấn Sỹ (áo đen) thực hiện một cảnh quay về những chia sẻ của anh Nguyễn Bình Nam – chủ nhiệm CLB Bạn thương nhau khi thực hiện dự án Đi học trên núi. Ảnh: NVCC

Nhà báo Bùi Tấn Sỹ (áo đen) thực hiện một cảnh quay về những chia sẻ của anh Nguyễn Bình Nam – chủ nhiệm CLB Bạn thương nhau khi thực hiện dự án Đi học trên núi. Ảnh: NVCC

Nhiều năm đoạt các giải báo chí lớn của trung ương, nhà báo Bùi Tấn Sỹ, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Nam thì cho rằng: "Đối với tác phẩm truyền hình việc thể hiện bằng hình ảnh và âm thanh sống động, âm thanh tiếng động đó từ hiện trường là đặc biệt quan trọng. Trong đó, hình ảnh phải chọn những hình ảnh đắt, chân thực, xúc động, có sức lay động trái tim người xem; hình ảnh không được cưỡng ép, gò bó, hay dàn dựng, sắp đặt…phải đảm bảo tính chân thực của báo chí".

Khác với các nhà báo công tác ở cơ quan báo chí trung ương, người làm báo ở đài địa phương có lợi thế là hiểu rõ địa bàn, đi cơ sở nhiều hơn. Họ chọn được những đề tài gần gũi với đời sống người dân, nhất là các chính sách liên quan trực tiếp đến cuộc sống của đồng bào, đề tài phải độc đáo, hấp dẫn, tính khác biệt. Đề tài có thể là một câu chuyện nhỏ, một kinh nghiệm hay, một vốn quý trong cuộc sống, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững…

Yêu cầu đặt ra với tác phẩm phát sóng hàng ngày đã đòi hỏi sự đổi mới, thì đối với tác phẩm truyền hình để tham gia giải báo chí và đạt giải cao đòi hỏi phải thay đổi phương pháp làm truyền thống sang phương pháp hiện đại. Tác phẩm đó phải lôi cuốn, thu hút khán giả xem truyền hình, thính giả nghe đài. Những tác phẩm đó mới đáp ứng nhu cầu cạnh tranh thông tin nhanh, kịp thời với các trang báo khác cũng như mạng xã hội.

Nếu nhìn nhận một cách bao quát, ở mỗi địa phương, mỗi cơ quan báo chí đều có cách làm riêng, áp dụng kỹ thuật, công nghệ khác nhau, nhưng ở họ đều có điểm chung là luôn tự đổi mới mình.

Bên cạnh đó, là việc duy trì tham gia các lớp tập huấn, nghe các nhà báo có kinh nghiệm về trao đổi chuyên môn, chuyên đề riêng về làm thế nào để có các tác phẩm tham dự giải báo chí đạt giải cao…Bên cạnh sự dẫn dắt của nhà báo kỳ cựu đi trước thì niềm đam mê, tinh thần không ngừng cố gắng, nỗ lực sáng tạo cũng cần luôn thường trực.

Lê Tâm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-co-tac-pham-truyen-hinh-chat-luong-tham-du-cac-giai-bao-chi-post317339.html