Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn: 'Đừng vặn chặt trái tim và khóa trái tổn thương'

Câu nghị luận xã hội môn Ngữ văn kì thi chọn học sinh giỏi lớp 12 trung học phổ thông của Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế yêu cầu học sinh bàn luận về vấn đề được gợi ra từ lời nhắn gửi của người mẹ dành cho con qua đoạn thơ trong bài thơ 'Nín đi con' của tác giả Lê Nguyễn Nhật Linh.

Câu 1. (8,0 điểm)

Trong đêm tối

Mẹ không sợ con không mở cửa phòng.

Mẹ chỉ sợ con không mở lòng, để nỗi buồn có khe hở - rời đi.

Con có thể khóa trải cửa nếu muốn một mình, một lúc nào đó

Nhưng con ơi, đừng vặn chặt trái tim mình và khóa trải tổn thương.

(Nín đi con - Lê Nguyễn Nhật Linh, NXB Văn hóa thông tin, 2014, tr.48-49)

Anh/chị hãy viết bài văn chia sẻ ý kiến của mình về vấn để được gọi ra từ lời nhắn gửi của người mẹ dành cho con qua đoạn thơ trên.

Câu 2. (12,0 điểm)

Bàn về tình huống truyện trong truyện ngắn, nhà văn Nguyễn Minh Châu gọi đó là "mặt cắt giữa một thân cây cổ thụ: chỉ liếc qua những đường vân trên cái khoanh gỗ tròn tròn kia, dù sau trăm năm vẫn thấy cả cuộc đời của thảo mộc"; còn tác giả Bùi Việt Thắng khẳng định để có tình huống truyện "đòi hỏi công phu lao động nghệ thuật của nhà văn rất cao.

Bằng trải nghiệm văn học, anh/chị hãy làm sáng tỏ những ý kiến trên.

Gợi ý nghị luận xã hội

Giải thích

- "Khóa trái cửa, vặn chặt trái tim, khóa trái tổn thương" là không tâm sự, sẻ chia, sống khép kín, tự đóng khép tâm hồn, giấu kín, chôn chặt nỗi buồn bã, khổ đau những vết thương tinh thần,…

- "Mở cửa, mở lòng để nỗi buồn có khe hở - rời đi" là mở rộng tâm hồn để tâm sự, sẻ chia, bày tỏ, để nguôi ngoai nỗi buồn, để những tổn thương trong lòng được vơi bớt, hóa giải phần nào.

=> Lời nhắn gửi của người mẹ đã gợi nhiều suy nghĩ về cách con người đối diện với nỗi buồn đau, những tổn thương trong cuộc sống.

Bình luận

- Cuộc sống luôn vận động, đổi thay. Bên cạnh niềm vui hạnh phúc, con người có lúc phải trải qua, đối mặt với những nỗi buồn, sự tổn thương, mất mát,…

- Đối mặt với nỗi buồn, sự tổn thương, mỗi người có những cách thức khác nhau để vượt qua nó hoặc "giấu kín", chôn chặt hoặc tìm cách gỡ bỏ, xoa dịu.

- Khi ta mở rộng tâm hồn để kết nối, sẻ chia, lắng nghe sự đồng cảm từ mọi người (người thân, bạn bè, thầy cô,…) bằng nhiều cách khác nhau thì nỗi buồn đau, sự tổn thương được xoa dịu. Ngược lại, nếu khóa trái, vặn chặt tổn thương, đóng hết cửa lòng,… con người dễ rơi vào trạng thái cô độc, bi quan, chán trường, bế tắc tuyệt, vọng.

- Mở lòng chia sẻ nỗi buồn đau, sự tổn thương với người khác là điều không dễ dàng. Có lúc "khóa trái cửa, vặn chặt trái tim, khóa trái tổn thương" là tự mình đối diện với chính mình, giúp ta nhìn nhận lại bản thân để chủ động, bản lĩnh, mạnh mẽ vượt qua nó. Mặt khác tổn thương, đau đớn cũng có thể "mang tới những bài học bổ ích". Đối diện với nỗi buồn, sự tổn thương, có khi con người được tôi luyện, vững vàng trưởng thành hơn.

Bài học

- Nhận thức đúng đắn bản chất cuộc sống, những tổn thương có thể đến với ta và cách vượt qua nó, không làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

- Đối mặt với nỗi buồn, mỗi người, nhất là bạn trẻ cần bình tĩnh, tìm cách để vượt qua nó bằng những hành động phù hợp, đặc biệt phải biết mở lòng để nhận được sự sẻ chia, đồng cảm từ mọi người; cần có thái độ lạc quan, niềm tin vào cuộc sống để sớm vượt qua nỗi buồn và sự tổn thương.

Nghị luận văn học

Giải thích

- Ý kiến của Nguyễn Minh Châu bàn về đặc điểm bản chất, vai trò của tình huống truyện trong mỗi truyện ngắn. Đó chính là hạt nhân của cấu trúc thể loại, từ tình huống, người đọc hiểu hơn giá trị của tác phẩm.

- Ý kiến của Bùi Việt Thắng khẳng định để có tình huống truyện, nhà văn phải lao động nghiêm túc bằng tất cả cái tài và cái tâm của mình.

=> Hai ý kiến trên khẳng định đặc trưng, vai trò, sức hấp dẫn của yếu tố nghệ thuật tình huống truyện trong một truyện ngắn. Đó cũng chính là thước đo tài năng của người nghệ sĩ và cũng là định hướng cho người tiếp nhận văn học.

Bình luận

- Tình huống truyện là sự kiện xảy ra trong truyện dẫn đến những đột biến trong câu chuyện, làm bộc lộ những nét bản chất của đời sống và của nhân vật, đồng thời thể hiện rõ tư tưởng nghệ thuật của nhà văn.

- Tình huống truyện là yếu tố quan trọng trong một truyện ngắn, là chìa khóa để khám phá thế giới bí ẩn của tác phẩm, góp phần khắc họa chân dung nhân vật, tác động đến diễn biến câu chuyện, làm nổi bật chủ, đề tư tưởng của tác phẩm; có sức hấp dẫn, tạo ấn tượng sâu sắc đối với người đọc.

- Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện đối với mỗi nhà văn và trong từng truyện ngắn phụ thuộc vào phong cách nhà văn; ý đồ sáng tạo; mạch truyện, tuyến nhân vật và chủ đề tư tưởng mà câu chuyện hướng tới.

- Tình huống truyện không phải là yếu tố duy nhất để làm nên giá trị của một truyện ngắn. Tác phẩm văn học muốn trở nên bất hủ thì cần có sự cộng hưởng từ các yếu tố khác: ngôn ngữ, giọng điệu, kết cấu, điểm nhìn, lời người kể chuyện, bút pháp miêu tả tâm lý nhân vật,…

Thông qua trải nghiệm văn học để làm sáng tỏ vấn đề:

- Tùy vào trải nghiệm văn học, trên cơ sở hiểu biết về tác giả, tác phẩm, học sinh chọn một số truyện ngắn để phân tích làm rõ vấn đề lý luận văn học đã bàn ở trên.

- Xác định và phân tích, nhận xét đặc điểm, tính chất của tình huống truyện trong tác phẩm.

- Tình huống đó chi phối, tác động như thế nào đến các yếu tố nghệ thuật khác trong truyện; góp phần thể hiện ý nghĩa nhân sinh sâu sắc gì cho tác phẩm?

- Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện như thế nào trong tác phẩm?

=> Tình huống truyện là một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên giá trị bất hủ của tác phẩm. Đó chính là biểu hiện sinh động cho tài năng và tâm huyết của người nghệ sĩ.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/de-thi-hoc-sinh-gioi-ngu-van-dung-van-chat-trai-tim-va-khoa-trai-ton-thuong-179241021165648163.htm