Để công nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (bài 2)

TIN LIÊN QUAN

Để công nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Bài 2: Sự thay đổi mang tầm chiến lược

Dễ dàng nhận thấy hướng đi cho con đường phát triển công nghiệp của Lâm Đồng trong giai đoạn tiếp theo, đó là tạo ra các chỉ số hấp dẫn về môi trường kinh doanh. Cụ thể là: ổn định kinh tế, ổn định chính trị, ổn định thị trường với khung pháp lý chung (và riêng theo đặc thù) minh bạch, chất lượng lao động đảm bảo, chất lượng cơ sở hạ tầng, giao thông thuận lợi... đó mới chính là thỏi nam châm bền vững thu hút các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn FDI đến với Lâm Đồng.

Nguồn thu ngân sách từ công nghiệp hy vọng sẽ giúp Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện trong tương lai

Nguồn thu ngân sách từ công nghiệp hy vọng sẽ giúp Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện trong tương lai

SỰ THAY ĐỔI TRỞ THÀNH NGHỊ QUYẾT

Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đã đề ra: “Phát triển công nghiệp có chọn lọc, có lợi thế cạnh tranh, thân thiện với môi trường. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược...”. Quyết nghị này đã cho thấy tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh, bởi công nghiệp có vai trò quan trọng trong tương lai, quyết định nhiều yếu tố quan trọng trong lộ trình phát triển của địa phương với nguồn thu ngân sách lớn.

Nhưng công nghiệp Lâm Đồng với xuất phát điểm gần như bằng không sẽ không thể bắt đầu giống với cách của các địa phương khác có tiềm lực phát triển công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Long An... Ngược lại, đó phải là một nền công nghiệp có chọn lọc, phù hợp với vùng nguyên liệu phong phú và nguồn lao động dồi dào của Lâm Đồng. Đi sâu vào nền công nghiệp chế biến, bởi đó là nền công nghiệp tạo ra giá trị thiết thực với đời sống của người nông dân, tạo đầu ra cho người sản xuất nông nghiệp nói riêng, cho cả nền nông nghiệp của tỉnh nói chung và khía cạnh nào đó là ở lĩnh vực du lịch, một trong những thế mạnh của tỉnh. Đây là một hướng đi đúng đắn, lâu dài và không thể khác.

Trước đây, việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp của Lâm Đồng cũng đã phần nào bị cuốn vào cuộc đua với những ưu đãi không có lợi cho địa phương. Nhưng mấy năm gần đây, chiến lược phát triển công nghiệp của Lâm Đồng đã hoàn toàn thay đổi. Vẫn “trải chiếu” nhưng không phải là sự dễ dàng hoặc thỏa hiệp mà có sự chọn lựa kỹ càng. Có thể thấy rõ điều đó ở các doanh nghiệp chế biến cà phê, đó không phải là những đơn vị đến đóng gói hoặc sơ chế, mà phải là những công ty, nhà sản xuất chế biến thành phẩm, có thương hiệu, đảm bảo và tôn trọng giá trị, chất lượng của cà phê Lâm Đồng. Sự thay đổi đó cũng đã mang lại những thay đổi lớn không chỉ nhìn vào những con số. Nếu như trước đây, sự ưu đãi, thu hút chỉ thu được vài tỷ mỗi năm, nhưng hai năm trở lại con số đó đã đạt xấp xỉ gần 1.000 tỷ.

Thêm một tín hiệu tích cực nữa, đó là diện tích đất trống tại các KCN, với Lộc Sơn là 17 ha và Phú Hội là 14 ha. Tất cả những diện tích này tỉnh đều đã có chủ trương kêu gọi xã hội hóa. Chấp nhận cho những nhà đầu tư có thiện chí, có năng lực, tự bỏ kinh phí để giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng và giao cho các nhà đầu tư thứ cấp, tỉnh hoàn toàn không phải bỏ ngân sách đầu tư. Sự thay đổi này, gần như được xem như sự thay đổi về tư duy chiến lược, bởi nếu biết ở hai KCN nói trên, tỉnh đã đầu tư ban đầu hơn 600 tỷ để xây dựng hạ tầng. Không nói về yếu tố lời lãi, vì đem số phí đã thu được với số tiền đầu tư ban đầu ai cũng có thể tính toán được, hơn thế sự thay đổi này đã tạo ra nhiều giá trị tích cực to lớn. Bởi với tiềm năng, tự “bản thân” Lâm Đồng đã là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Không những thế, chiến lược phát triển thân thiện với môi trường mà Lâm Đồng lựa chọn, cũng đang là xu thế phát triển của thế giới trong giai đoạn hiện nay.

NHỮNG TÍN HIỆU TÍCH CỰC

Không chỉ ở hai KCN nói trên, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt chủ trương cho phép Lâm Đồng xây dựng thêm một khu công nghiệp mới với quy mô 246 ha (thôn Phú Bình, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng), bao gồm khu nhà máy sản xuất và khu dân cư kế cận dành cho việc xây dựng nhà ở cho công nhân, cho chuyên gia và các công trình thiết yếu phục vụ cho đời sống và các thiết chế văn hóa khác. Khác hẳn với hai KCN Phú Hội và Lộc Sơn, KCN Phú Bình Nhà nước hoàn toàn không phải bỏ ngân sách đầu tư hạ tầng, mà cho cơ chế để huy động nhà đầu tư chính có tiềm lực vào giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, chia lô và mời gọi các nhà đầu tư thứ cấp có năng lực, đáp ứng được yêu cầu của tỉnh vào làm. Cách làm này sẽ mang lại hiệu quả nhanh hơn, rút ngắn được thời gian hoàn thành tiến độ. Bởi nguồn vốn hoàn toàn được chủ động từ nhà đầu tư, sẽ không phải chia thành nhiều giai đoạn nếu trông chờ vào thời gian phân bổ của ngân sách nhà nước.

Lấy ví dụ để so sánh, hai KCN Lộc Sơn và Phú Hội phải mất gần 15 năm mới được lấp đầy diện tích giai đoạn 1. Đối với cách làm như ở KCN Phú Bình, diện tích sẽ được lấp đầy ngay từ khi thu hồi đến khi có đất sạch để các doanh nghiệp vào xây dựng. Bởi nhà đầu tư hạ tầng chính đã có được sự hợp tác, thỏa thuận hoặc liên kết từ trước (hay nói đúng hơn là đặt chỗ) với những nhà đầu tư thứ cấp khi họ được phê duyệt đầu tư. Cách làm này cũng đã được nhiều địa phương khác có thế mạnh trong phát triển công nghiệp triển khai từ nhiều năm trước và thu được hiệu quả cao.

Cũng theo thông tin từ Ban Quản lý các KCN Lâm Đồng, dù KCN Phú Bình cần đến nguồn vốn trên dưới 2.000 tỷ để đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng những công trình phụ trợ khác, tuy nhiên sau khi sàng lọc, đã có 3 nhà đầu tư có tiềm lực và thiện chí sẵn sàng vào cuộc. Theo dự kiến, tỉnh cũng sẽ nỗ lực để tiến hành giải quyết mọi thủ tục pháp lý để năm 2022 triển khai giải phóng mặt bằng và kỳ vọng lấp đầy diện tích của KCN quy mô này vào cuối nhiệm kỳ.

Hiện tại, công nghiệp chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ (khoảng 20%) so với nông nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của Lâm Đồng. Đường cao tốc Liên Khương - Dầu Giây được khai mở, lộ trình với cảng Kê Gà (Bình Thuận) được mở rộng gần hơn về khoảng cách thời gian, cùng với đó là những thay đổi mang tầm chiến lược, công nghiệp sẽ thực sự trở thành “cú đấm thép” giúp cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Lâm Đồng sớm hoàn thành được mục tiêu đã đặt ra trong tương lai gần.

TUẤN LINH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202108/de-cong-nghiep-thuc-su-tro-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-bai-2-3074718/