Để đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của học sinh

Thường xuyên kiểm tra năng lực học tập sẽ giúp giáo viên đánh giá đúng sự tiến bộ của học sinh. Ảnh: MẠNH THÚY

Sở GD-ĐT Phú Yên vừa ban hành những quy định về thực hiện chuyên môn giảng dạy và kiểm tra đánh giá trong năm học 2019-2020. Trong đó chú trọng đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh là một trong những yếu tố quan trọng nhằm đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của học sinh.

Theo Sở GD-ĐT, để việc đánh giá học sinh đảm bảo thực chất, khách quan, trung thực, công bằng, trong năm học 2019-2020, các trường chú trọng đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh. Cụ thể, các giáo viên phải quan tâm đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập. Giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho một số bài kiểm tra hiện hành.

Theo ông Dương Bình Luyện, Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT) cho hay: Những năm gần đây, thực hiện chiến lược đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục phổ thông, ngành Giáo dục chọn đổi mới kiểm tra đánh giá là khâu đột phá nhằm thúc đẩy các quá trình khác như đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách thức tổ chức hoạt động dạy học và đổi mới quản lý.

Mặc dù việc kiểm tra, đánh giá học sinh đã có những đổi mới nhưng trong thực tế vẫn còn không ít giáo viên vẫn theo nếp cũ từ cách tổ chức kiểm tra, ra đề, chấm điểm, chưa tạo sự hứng thú cho học sinh. Điều này chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình dạy học mới theo định hướng phát triển năng lực của học sinh, chuyển hướng từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.

Để khắc phục điều này, năm học 2019-2020, Sở GD-ĐT đề nghị các trường thực hiện nghiêm túc việc xây dựng đề kiểm tra 1 tiết, cuối học kỳ, cuối năm học theo ma trận và viết câu hỏi phục vụ ma trận đề. Đề kiểm tra bao gồm các câu hỏi, bài tập (tự luận hoặc trắc nghiệm) theo 4 mức độ yêu cầu: Nhận biết, thông biểu, vận dụng và vận dụng cao.

Kết hợp một cách hợp lý giữa hình thức tự luận với trắc nghiệm khách quan, giữa kiểm tra lý thuyết và kiểm tra thực hành trong các bài kiểm tra; tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn; tăng cường các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước đối với các môn Khoa học xã hội và nhân văn để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội.

Đây được xem là “hành lang” pháp lý về mặt chuyên môn hết sức cần thiết để giáo viên tự tin, yên tâm đổi mới sáng tạo trong kiểm tra, đánh giá. Khi giáo viên và học sinh hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của việc đổi mới kiểm tra, đánh giá như là quá trình thúc đẩy phát triển học tập bền vững, giúp phát triển năng lực người học, lúc đó quá trình dạy học trở nên tích cực hơn rất nhiều.

MẠNH THÚY

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/231502/de-danh-gia-dung-nang-luc-va-su-tien-bo-cua-hoc-sinh.html