Để danh hiệu thực sự là 'cú hích' phát triển bền vững

Các di sản được UNESCO ghi danh là cấu thành quan trọng hình thành thương hiệu mỗi địa phương và đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội thông qua du lịch, nâng cao đời sống cộng đồng, phục vụ phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc phát huy hiệu quả giá trị danh hiệu này còn nhiều thách thức.

Phát huy hiệu quả giá trị di sản được UNESCO ghi danh

Phát biểu tại Hội nghị quốc tế “Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam” ngày 3.7, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc khẳng định: việc sở hữu những giá trị riêng có về địa lý, sinh thái và nhân văn, lưu giữ được đậm đặc trầm tích lịch sử và dấu ấn văn hóa đặc sắc, cùng vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc tự nhiên đã tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An, được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới năm 2014. Bên cạnh đó, Ninh Bình cũng là một trong những nơi lưu truyền và phát triển di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu tại hội nghị

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu tại hội nghị

Với Quần thể danh thắng Tràng An sau 9 năm được UNESCO ghi danh, công tác quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản theo Công ước Di sản thế giới và các quy định của pháp luật Việt Nam đã thu được những kết quả tích cực. Đặc biệt, các khu, điểm du lịch trong khu di sản đã thực sự đóng vai trò là hạt nhân, thúc đẩy phát triển du lịch Ninh Bình. Số lượng khách du lịch tham quan Tràng An ngày càng tăng, năm cao điểm 2019 (trước dịch bệnh Covid-19), di sản Tràng An đón 3 triệu lượt khách tham quan. Từ đó, sinh kế của người dân trong vùng di sản được bảo đảm, đóng góp quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững.

Với Quảng Nam, đến thời điểm tái lập tỉnh (năm 1997), đây vẫn là một trong những địa phương thu ngân sách vào loại thấp của cả nước. Các di tích, di sản trong nguy cơ xuống cấp rất cao; hoặc ở dạng hoang phế như trường hợp Mỹ Sơn. Thậm chí, thời điểm được UNESCO công nhận, năm 1999, Hội An còn nằm trong nguy cơ báo động khẩn cấp về tình trạng xuống cấp của đô thị cổ. Tuy nhiên, theo đại diện UBND tỉnh Quảng Nam, đến nay, với sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của các cơ quan Trung ương, tổ chức quốc tế, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và sự ủng hộ của Nhân dân, các di sản được UNESCO ghi danh trên địa bàn tỉnh đã tránh được nguy cơ hư hại, xuống cấp, mai một. Hơn nữa, nhờ phát huy những thế mạnh về di sản văn hóa, đặc biệt các di sản được UNESCO ghi danh, tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng năm luôn ở mức 2 con số...

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc cho biết, còn nhiều địa phương phát huy khá hiệu quả giá trị của 57 danh hiệu được UNESCO công nhận, nhằm phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam. Một số địa phương được UNESCO đánh giá rất tốt trong trùng tu, bảo tồn như Quần thể Di tích Cố đô Huế, Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình); trong công tác khảo cổ học phát lộ nhiều di tích quan trọng như tại Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội), Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa), Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam); hay thúc đẩy mô hình phát triển xanh, sạch và bền vững thông qua các Công viên địa chất toàn cầu ở Cao Bằng, Hà Giang, Đắk Nông…

"Khớp nhịp" bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu

Tuy vậy, công tác bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị danh hiệu UNESCO vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là phát triển kinh tế nhiều lúc không khớp nhịp với bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu.

Các đại biểu dự hội nghị

Các đại biểu dự hội nghị

Đại diện UBND tỉnh Hà Giang cho biết, sau khi Cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO, tỉnh đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách, góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn cũng gặp một số khó khăn: mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển chưa được giải quyết dứt điểm, một số di sản văn hóa có nguy cơ xâm hại do tác động của thiên nhiên và con người.

Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2019. Tuy nhiên, tại Tuyên Quang, các nghệ nhân Then tuổi ngày càng cao và thưa thớt dần, phần lớn con cháu thế hệ sau không mặn mà với nghệ thuật truyền thống dân tộc, chủ yếu chỉ biết hát Then hiện đại. Vì thế nguy cơ thất truyền, mai một nghi lễ Then của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Tuyên Quang rất lớn...

Để nâng cao công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, đại diện UBND tỉnh Nam Định kiến nghị, cần nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về di sản văn hóa, trong đó Nhà nước đóng vai trò chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ cộng đồng trong thực hiện chính sách, chiến lược, dự án bảo vệ và phát huy di sản. Đẩy mạnh tuyên truyền để cộng đồng, các chủ thể của di sản hiểu đúng, đầy đủ giá trị, bản sắc của di sản đã được UNESCO ghi danh...

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, khoa học và có hiệu quả nhằm tiếp tục duy trì những kết quả đã đạt được, hoàn thiện các mô hình, cơ chế, chính sách nhằm thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, các danh hiệu UNESCO. Trong đó, Chính phủ cần có cơ chế, chương trình đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản; tiếp tục hoàn thiện và thực hiện mô hình hợp tác công - tư trong quản lý, phát huy giá trị di sản, tạo động lực cho phát triển bền vững; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; cấp thiết phải có cơ chế giải quyết hài hòa nhằm vừa bảo tồn được các giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên, vừa đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Ngọc Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/de-danh-hieu-thuc-su-la-cu-hich-phat-trien-ben-vung-i334837/