Để du khách không còn đi lạc trên đỉnh Lang Biang

Thời gian qua, có nhiều trường hợp khách du lịch tự phát khám phá đỉnh Lang Biang rồi đi lạc phải cần các đơn vị chức năng địa phương giải cứu. Từ các sự việc trên rất cần có quy định quản lý chặt chẽ, rõ ràng hơn về công tác quản lý cùng trách nhiệm của du khách để hạn chế tối đa những trường hợp tương tự.

Khu du lịch tạm ngưng tuyến đi bộ khám phá núi Lang Biang. Tuy nhiên, dãy núi Lang Biang còn nhiều đường mòn lên núi du khách đi tự phát, rất khó quản lý

Khu du lịch tạm ngưng tuyến đi bộ khám phá núi Lang Biang. Tuy nhiên, dãy núi Lang Biang còn nhiều đường mòn lên núi du khách đi tự phát, rất khó quản lý

Gần đây nhất, tối 29/9, sau 3 giờ tìm kiếm trong điều kiện mưa to, gió lớn, các đơn vị chức năng huyện Lạc Dương và Khu du lịch Lang Biang đã tìm thấy hai du khách ở khu vực rừng già và toàn vực sâu. Trước đó, khoảng 18h30 chiều 30/8, Công an huyện Lạc Dương nhận được tin báo việc 5 sinh viên ở TP Hồ Chí Minh đi lạc trên đỉnh núi Lang Biang.

Công an huyện Lạc Dương phối hợp cùng lực lượng cứu hộ cứu nạn, Công an tỉnh, các đơn vị liên quan đã lập tức triển khai lực lượng cùng Đội cứu nạn, cứu hộ tự quản thị trấn Lạc Dương, nhân viên bảo vệ Khu du lịch Lang Biang chia ra thành nhiều mũi, đi sâu vào rừng tìm kiếm. Đến khoảng 21h tối cùng ngày, lực lượng cứu hộ mới tìm thấy 5 sinh viên bị lạc trong rừng sâu, cách vị trí xuất phát khoảng 5 km và đưa xuống núi an toàn.

Xâu chuỗi lại một số vụ việc, có thể thấy việc du khách, đặc biệt là các bạn trẻ có sở thích khám phá thiên nhiên bị lạc ở đỉnh Lang Biang không còn cá biệt. Điều đáng nói là gần như các vụ việc đều do yếu tố chủ quan, du khách tự phát đi khám phá núi rừng và bị lạc trên núi Lang Biang.

Ông Đặng Ngọc Hiệp (65 tuổi, trú huyện Lạc Dương), người quản lý Đội Phòng cháy, chữa cháy, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn tự quản thị trấn Lạc Dương cho biết nhiều năm qua, anh em trong đội đã cùng các đơn vị chức năng của địa phương phối hợp tìm kiếm, giải cứu thành công nhiều trường hợp du khách đi lạc mắc kẹt trên dãy núi Lang Biang.

Theo kinh nghiệm nhiều năm của ông Hiệp, dãy núi Lang Biang thuộc Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, nằm trong địa giới hành chính huyện Lạc Dương có độ cao 2.167 m so với mặt nước biển. Đây là dãy núi rộng hàng ngàn ha gồm tập hợp nhiều quả núi nối với nhau kéo dài nhiều km, không chỉ có khu vực quanh Khu du lịch Lang Biang nên khi du khách mạo hiểm đi theo các đường mòn lên núi tự phát, các đơn vị tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn khi định vị tìm kiếm.

Theo ghi nhận, từ tháng 7/2024 đến nay đã có 10 du khách đi lạc đường trên núi Lang Biang khiến lực lượng chức năng phải vào cuộc tìm kiếm, trong đó đa phần là các bạn trẻ đi lạc đều đi tự phát, không thông qua các đơn vị quản lý dẫn đến lạc đường, rơi vào tình huống nguy hiểm.

Các du khách nêu trên hầu hết do chưa có kinh nghiệm, muốn khám phá đỉnh núi nhưng lại chưa hiểu cụ thể về địa hình, thời tiết nơi đây nên nếu tự phát đi rất dễ bị lạc. Nhất là vào mùa mưa (thông thường từ tháng 4 tới tháng 11), khu vực núi Lang Biang thường nắng đẹp vào buổi sáng nhưng buổi chiều mưa thường xuyên, rừng ẩm ướt, trơn trượt trong khi nhiệt độ xuống thấp khiến du khách mất phương hướng, không thể tìm đường xuống núi.

Ông Phan Đức Hùng - Giám đốc Khu du lịch Lang Biang - đơn vị tổ chức tuyến khám phá núi Lang Biang cho biết, hiện nay do đặc thù thời tiết mưa và sương mù về chiều, bên cạnh đó đường mòn lên núi có một số vị trí sạt lở, cây bị ngã đổ nguy hiểm nên đơn vị đã tạm ngưng tuyến đi bộ khám phá đỉnh Lang Biang dài 2.167 m. Khi nào đường mòn đảm bảo an toàn cho du khách và trời nắng ráo dài ngày, khu du lịch sẽ thông báo mở lại tuyến đường khám phá đỉnh núi trên.

Cũng theo ông Hùng, để thực hiện hành trình khám phá núi Lang Biang bằng đường mòn, du khách phải có sức khỏe, đảm bảo trang bị chuyên dụng như: gậy, giày, áo mưa, nước uống, thức ăn… Đặc biệt phải nắm bắt thông tin về thời tiết, địa hình. Nhiều trường hợp đi lạc thời gian qua đa phần du khách đều không có trang thiết bị chuyên dụng và chưa có đủ kiến thức về hành trình, đặc biệt là đi tự phát dễ mất phương hướng, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro do độ dốc cao, đường trơn trượt, cây mục đổ gãy, sương mù…

Để ngăn chặn tình trạng du khách lạc đường khi tự ý khám phá núi Lang Biang, các đơn vị chức năng huyện Lạc Dương, đơn vị chủ rừng đã tiến hành cắm các biển báo, bảng cấm tại những lối mòn dẫn vào rừng cũng như kết hợp tuần tra, sớm phát hiện và ngăn chặn các trường hợp du khách leo núi tự phát để hạn chế rủi ro, đảm bảo an toàn.

Và để chấm dứt việc này, theo nhiều người làm trong đơn vị du lịch mạo hiểm của địa phương, không có cách nào khác du khách phải tự nâng cao ý thức trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với cộng đồng, đặc biệt hết sức cẩn trọng khi mạo hiểm tự đi tham quan, khám phá thiên nhiên.

Bên cạnh đó là vai trò quản lý của các khu du lịch cần có các quy định hết sức chặt chẽ, có nội quy rõ ràng, cụ thể, ràng buộc nghĩa vụ và trách nhiệm của du khách lẫn quản lý. Ngoài ra, cũng cần có quy định về việc du khách phải trả phí cứu nạn, cứu hộ gây thiệt hại bởi tai nạn chủ quan làm tốn nhiều công sức, thời gian của cơ quan chức năng. Các khu du lịch, các điểm đến đặc thù cũng phải chịu một phần chi phí trách nhiệm vì để khách tùy tiện du lịch mạo hiểm trong khu vực đơn vị được giao quản lý.

CHÍNH THÀNH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/toa-soan-ban-doc/202410/de-du-khach-khong-con-di-lac-tren-dinh-lang-biang-c6b0520/