Để du lịch mở ra không đóng lại lần nữa?

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du Lịch Quảng Nam băn khoăn, để trở thành vùng xanh, 1 trong 3 tiêu chí là tỷ lệ tiêm vắc xin phải đạt trên 70%. Trong khi đó, tiến độ tiêm vắc xin của tỉnh mới đạt 39,5%...sẽ là 'rào cản' cho việc mở cửa du lịch?

Vấn đề đặt ra tại hội nghị trực tuyến đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với ngành du lịch, bàn giải pháp mở cửa đón khách nội địa và quốc tế do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức sáng 21/10.

Thống kê chưa đầy đủ của ngành du lịch tỉnh Quảng Nam, 9 tháng đầu năm, thiệt hại về du lịch khoảng 15.000 tỷ đồng, trên 90% doanh nghiệp du lịch tạm dừng hoạt động, 14.000 lao động ngành du lịch mất việc làm...

Đẩy nhanh tiêm vắc xin

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du Lịch Quảng Nam Nguyễn Sơn Thủy cho hay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch, tỉ lệ phủ vắc xin đạt trên 45% và Chính phủ cũng đã thay đổi chiến lược ứng phó với dịch và phục hồi kinh tế.

Theo ông Thủy, với tiến độ triển khai vắc xin tại Quảng Nam là còn ít, đến ngày 17/10, tỷ lệ tiêm chỉ đạt 39,5%, tỷ lệ phủ vắc xin tại các điểm đến du lịch chưa cao, cụ thể như Hội An, Mỹ Sơn, Duy Xuyên.

"Cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin để việc mở cửa du lịch được bền vững. Điều chúng tôi cần nhất là mở cửa lại và mở cửa bền vững, không thể mở cửa ra và đóng thêm một lần nữa”, ông Thủy nói.

“Theo yêu cầu của Chính phủ, để trở thành vùng xanh, một trong 3 tiêu chí đó là đảm bảo tỷ lệ tiêm vắc xin cho người dân trên 70%. Khi đó du khách, người lao động trong ngành du lịch và cộng đồng dân cư mới yên tâm mở cửa trở lại, đồng thuận và ủng hộ tham gia phục hồi du lịch nhanh chóng”, ông Thủy nhấn mạnh.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, địa phương cần có chính sách cho khách du lịch.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại hội nghị

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại hội nghị

“Tỉnh cần có chính sách miễn, giảm phí tham quan các khu dịch lịch trên địa bàn”, ông Khánh nói. Nói về những định hướng mới, ông Khánh thông tin, các địa phương cần xây dựng những sản phẩm du lịch mới như: du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nông thôn.

Ông Khánh chia sẻ: “Đây là những loại hình đáp ứng thị hiếu của khách du lịch sau đại dịch Covid-19 này”.

Bên cạnh những giải pháp trên, một giải pháp được ông Khánh lưu tâm đó là việc xúc tiến quảng bá sản phẩm, kết hợp chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin vào du lịch.

Việc liên kết hợp tác khởi động lại du lịch là điều không thể thiếu trong việc khôi phục ngành công nghiệp này trong thời kỳ hậu dịch Covid-19.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nêu rõ, cần phải có sự liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành với các hãng hàng không, cơ sở lưu trú, cung ứng dịch vụ.

“Đặc biệt, liên kết giữa các địa phương và các vùng với nhau. Ví dụ cụ thể nhất đó là việc liên kết giữa Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam rất vững chắc”, ông Khánh nhấn mạnh.

Điều chỉnh để thích ứng linh hoạt

Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng Cao Trí Dũng thông tin, năm 2019, Việt Nam đạt kỳ tích khi khách quốc tế lên đến 18 triệu lượt. Trong đó, Đà Nẵng - Quảng Nam đạt tương đương 20% nguồn khách quốc tế trực tiếp, đóng góp đáng kể nguồn khách chung của cả nước.

Nói đến việc thích ứng dịch Covid-19, ông Dũng nêu rõ, cần phải cụ thể hóa chữ “linh hoạt” trong việc khôi phục du lịch.

“Vì tình hình du lịch đang diễn biến rất nhanh nên chúng ta cũng cần phải nhanh. Nếu tháng 12 chúng ta đón nội địa, tháng 1 năm tới đón khách quốc tế thì thực sự chúng ta sẽ chậm hơn các địa phương khác.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng cần có cơ chế trao đổi khách giữa hai địa phương thông qua phương tiện lữ hành đi theo luồng xanh. Thực tế, Quảng Nam có lợi thế hơn các địa phương khác là đón được du khách quốc tế”, ông Dũng nhấn mạnh.

Các điểm du lịch như Hội An cần được ưu tiên tiêm vắc xin

Các điểm du lịch như Hội An cần được ưu tiên tiêm vắc xin

Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng đề nghị UBND tỉnh kiến nghị điều chỉnh mốc thời gian theo thực tế để đáp ứng điều kiện được hưởng hỗ trợ của chính sách đối với doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch đối với các chính sách hỗ trợ liên quan đến việc giảm, tạm dừng đóng các quỹ: Bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất…

"Thống nhất cho phép Quảng Nam mở cửa đón khách du lịch quốc tế" - ông Hồng đề xuất. Đồng thời, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm ban hành Tiêu chí hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong lĩnh vực du lịch.

"Cùng với đó, ngành Thông tin và Truyền thông quy định thống nhất sử dụng nền tảng công nghệ (tiêm vắc xin, xét nghiệm, khai báo y tế, đặt dịch vụ…), liên thông dữ liệu và quy định chuẩn áp dụng mã QR cho các cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan" - ông Hồng nói.

Theo quyết định của Bộ GTVT, từ ngày 21/10- 30/11/2021, đường bay Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Đà Nẵng, TP.HCM - Đà Nẵng và ngược lại sẽ được khai thác với tần suất không quá 6 chuyến hàng ngày mỗi chiều từ 21/10 đến 14/11/2021 và không quá 7 chuyến hàng ngày mỗi chiều từ 15/11 đến 30/11/2021.

Các đường bay khác sẽ được khai thác không quá 4 chuyến hàng ngày mỗi chiều.

Trong 15 ngày kể từ ngày áp dụng, Cục Hàng không Việt Nam sẽ đánh giá tình hình kiểm soát dịch bệnh tại các địa phương và trên toàn quốc để đề xuất phương án điều chỉnh tần suất khai thác và điều kiện đối với hành khách phù hợp.

Công Sáng - N.Hiền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/du-lich/de-du-lich-mo-ra-khong-dong-lai-lan-nua-784854.html