Để được thanh toán chi phí thuốc trực tiếp, bệnh nhân BHYT liệu có gặp phiền hà?
Mới đây Bộ Y tế ban hành Thông tư 22 quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh. Thông tư được cho là một trong những giải pháp đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) khi bệnh viện thiếu thuốc. Tuy nhiên, về phía người bệnh, họ vẫn cảm thấy nhiều nghi ngại.
Nhiều nghi ngại với Thông tư mới
Ông Trần Văn Mùi (Thanh Hóa) mắc bệnh ung thư vòm họng. Mỗi đợt ra Hà Nội điều trị, ông phải căn ke đủ thứ, bởi chỉ tính riêng tiền xe, tiền trọ rồi tiền ăn cũng tốn từ 2-3 triệu đồng, chưa kể tiền mua thuốc theo toa và phải mua ngoài mỗi lần ông kết thúc 1 đợt điều trị. Với những gia đình thuần nông như ông, để có chi phí cho quá trình điều trị, dù có thẻ BHYT thì cũng khó khăn trăm bề.
“Bác sĩ bảo bây giờ dây truyền, kim truyền hết mình phải tự mua, cả thuốc thang nữa, mấy tháng trời dồn lại cũng nhiều đấy, có bệnh thì phải chấp nhận biết làm sao bây giờ. Nhẽ ra những khoản này người dân được hưởng từ việc tham gia BHYT nhưng lại phải tự bỏ tiền túi ra”, ông Mùi nói.
Chị Mai Thị Thiêm (Hải Phòng) đưa người nhà lên Hà Nội chữa bệnh. Bố của chị bị ung thư đại tràng. Để chuẩn bị cho ca phẫu thuật cho người thân, chị phải loay hoay mua các dụng cụ cần thiết theo yêu cầu của bác sĩ.
“Bố tôi thuộc diện được BHYT chi trả 100% nên số tiền phải bỏ ra mua thuốc, vật tư y tế để chuẩn bị cho ca mổ nằm ngoài dự tính của gia đình. Tuy nhiên dù khó khăn gia đình cũng phải cố gắng”, chị Thiêm nói.
Trước Thông tư mới của Bộ Y tế về việc chi trả tiền thuốc mua ngoài viện cho người bệnh có thẻ BHYT, chị Thiêm cho rằng bản thân cũng đã tìm hiểu, tuy nhiên chị thấy không phải loại thuốc nào cũng được bảo hiểm chi trả và chưa kể bệnh nhân phải tự thực hiện các thủ tục với cơ quan bảo hiểm, khiến phiến hà cho người bệnh.
Vẫn chưa giải quyết 100% vấn đề thiếu thuốc
Mới đây Bộ Y tế ban hành Thông tư 22 quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh. Thông tư được cho là một trong những giải pháp đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT khi bệnh viện thiếu thuốc.
Thông tư này cũng quy định rõ thuốc, vật tư được chi trả chỉ thuộc danh mục thuốc hiếm và thiết bị y tế loại C hoặc D... Nghĩa là không phải bệnh viện thiếu thuốc gì thì người bệnh được chi trả trực tiếp thuốc đó, không phải thuốc hiếm và vẫn thuộc danh mục BHYT chi trả, người bệnh vẫn phải tự mua.
Ông Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng, việc ban hành Thông tư 22 là nỗ lực cố gắng của cả ngành y tế trong suốt thời gian qua, mang lại ý nghĩa rất lớn đối với công tác khám chữa bệnh cho người bệnh cũng như người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo ông Dương, thời gian vừa qua, nhất là trong năm 2022-2023, tình trạng thiếu thuốc, thiếu thiết bị y tế xảy ra tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Do đó việc ra đời của Thông tư 22 cho phép người bệnh được phép thanh toán trực tiếp thuốc, thiết bị y tế là giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong ngành y tế.
“Tuy nhiên Thông tư 22 chưa thể giải quyết 100% vấn đề thiếu thuốc ở thời điểm hiện nay. Qua khảo sát của chúng tôi ở một số bệnh viện tuyến trung ương, ngoài thuốc hiếm thì số thuốc thiếu cũng chiếm khoảng hơn 20-30%. Do đó với những thuốc không nằm trong danh mục thuốc hiếm vẫn đang thiếu Thông tư 22 chưa thể giải quyết được. Chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất để có những thay đổi phù hợp. Hiện tại các bệnh viện cũng đang cố gắng để đấu thầu đảm bảo cung ứng đầy đủ những thuốc nằm ngoài danh mục mà Thông tư 22 quy định”, ông Dương nói.
Cố gắng để người bệnh không phiền hà trong thủ tục
Thông tư 22 tạo điều kiện thêm cho người bệnh hiện nay đang phải tự mua thuốc ngoài và người bệnh không được thanh toán thì bước đầu tiên là người bệnh sẽ được thanh toán. Tuy nhiên cũng có nhiều băn khoăn cho rằng thay vì người bệnh trực tiếp làm các thủ tục thanh toán đó thì cơ sở khám chữa bệnh nên làm việc trực tiếp với cơ quan bảo hiểm.
Theo bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế đã trình Quốc hội thì Bộ Y tế cũng đã đưa nội dung này vào dự thảo quy định sửa đổi nội dung tại Điều 31 của Luật Bảo hiểm y tế. Đó là người bệnh sẽ không phải thanh toán trực tiếp với cơ quan bảo hiểm xã hội nữa mà cơ sở khám chữa bệnh sẽ thực tiện các thủ tục này.
“Tuy nhiên, Thông tư 22 hiện nay đang xây dựng trên luật hiện hành. Do đó luật chưa cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thanh toán mà đang phải do là người bệnh đi thanh toán trực tiếp. Vì thế trước mắt chúng ta thực hiện theo quy định của luật hiện hành. Tới đây khi Quốc hội bấm nút thông qua luật mới thì chúng tôi sẽ nhanh chóng dự thảo các nội dung bổ sung quy định này và sẽ trình Chính phủ để thực hiện được các thủ tục thanh toán trực tiếp cho người bệnh giữa cơ sở và cơ quan bảo hiểm mà người bệnh sẽ không phải thực hiện thủ tục này nữa”, bà Trang cho hay.
Hiện nay một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho rằng nên mở rộng phạm vi thanh toán của thuốc và vật tư y tế trong Thông tư 22. Về nội dung này, bà Trần Thị Trang cho rằng đơn vị sẽ tổng hợp để nghiên cứu thêm.
"Tuy nhiên chúng tôi cũng nhận thấy rằng thông tư hay bất cứ quy định nào về thanh toán trực tiếp thì không khuyến khích việc người bệnh phải mua ngoài và phải thanh toán trực tiếp. Chúng tôi đang xây dựng tất cả các cái giải pháp có thể để hạn chế tối đa tình trạng người bệnh phải ra mua thuốc ngoài. Hiện nay chúng ta đang cố gắng để giải quyết được tối đa những vướng mắc có thể từ việc người bệnh chưa được thanh toán thì bây giờ người bệnh sẽ được thanh toán trong những cái trường hợp điều kiện, hoàn cảnh cụ thể”, bà Trang cho hay.