Để giao dịch hàng hóa lành mạnh

Việc hoàn thiện các quy định, chính sách về hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa để phát triển một cách lành mạnh, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của thị trường, DN và người dân là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Trước hết, cần khẳng định mô hình Sở Giao dịch hàng hóa (GDHH) ra đời nhằm giúp cho người nông dân yên tâm sản xuất, giúp các DN đầu tư nguồn vốn hiệu quả, giúp các nhà đầu tư kiếm lợi nhuận thông qua cơ chế chênh lệch giá. Tại Việt Nam, mô hình này được ghi nhận lần đầu tại Luật Thương mại 2005.

Trong hơn 19 năm qua, đã có các đơn vị ra đời là Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCCE), Sàn Giao dịch hàng hóa Sài Gòn Thương Tín (Sacom -STE), Sở GDHH INFO. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn Sở GDHH Việt Nam (MXV) đang hoạt động, cho thấy hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH tại Việt Nam chưa thực sự là phương thức, động lực để phát triển kinh tế thương mại, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển thị trường hàng hóa ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Để khắc phục những bất cập, Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua của Sở GDHH được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 51/2018/NĐ-CP ngày 9/4/2018. Một trong những mục tiêu mà Bộ Công Thương hướng tới trong dự thảo Nghị định là nhằm khuyến khích hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH để phòng ngừa rủi ro giá cả.

Hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của hoạt động mua bán qua Sở GDHH để thực hiện các chức năng tham chiếu giá thị trường hàng hóa tương lai đối với các mặt hàng đáp ứng yêu cầu pháp lý sẽ được niêm yết giao dịch, liên thông (nếu có), quản lý rủi ro và lưu thông tài sản hàng hóa.

Nhiều chuyên gia cho rằng, quá trình xây dựng nghị định cần quan tâm đến những vấn đề như: xây dựng sàn GDHH để gia tăng được lợi thế lớn về các mặt hàng nông sản; gắn hoạt động của sàn GDHH với định hướng xây dựng các trung tâm tài chính tại một số TP lớn. Bên cạnh đó, việc xây dựng nghị định cần tiếp cận cả ở góc độ thông lệ quốc tế, cũng như từ thực tiễn hoạt động của các DN, chủ thể tham gia Sở GDHH để đánh giá tổng thể tác động, từ đó có những điều khoản, quy định mới, chất lượng cao nhằm giảm rủi ro, tạo thuận lợi cho các chủ thể hoạt động.

Các chuyên gia cũng đặc biệt lưu ý, cần có cơ chế bảo đảm minh bạch thông tin cho người mua trong tương lai, hỗ trợ các DN bán thiếu nợ trên thị trường. Bởi trên thực tế hiện nay, nhiều nông dân vẫn còn lo ngại khi tiếp cận qua Sở GDHH do chưa hiểu biết nhiều, sợ bị lừa đảo hoặc chưa biết các thủ tục pháp lý. Do đó, để tham gia sàn GDHH đạt hiệu quả cao nhất, những người tham gia cần học hỏi kiến thức, kinh nghiệm về quản trị rủi ro, quản trị tài chính, kỹ năng kinh doanh, thông tin thị trường…; đồng thời thường xuyên theo dõi yếu tố thị trường, tình hình cung cầu hay diễn biến chính trị liên quan đến sản lượng, giá cả hàng hóa.

Về lâu dài, Việt Nam cần sớm có quy hoạch, chiến lược phát triển lĩnh vực mua bán hàng hóa qua Sở GDHH, làm cơ sở thu hút đầu tư và chủ động cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cân đối cung cầu trong nước. Sở dĩ nói như vậy vì lĩnh vực mua bán hàng hóa qua Sở GDHH của Việt Nam vẫn đang thiếu một chiến lược phát triển để thực hiện mục tiêu trở thành một thị trường GDHH sôi động, lành mạnh, minh bạch và chuyên nghiệp; hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ngoài ra, việc ban hành một luật riêng để điều chỉnh về mua bán hàng hóa qua Sở GDHH cũng là điều cần thiết. Điều này nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời thúc đẩy phát triển một lĩnh vực đầu tư tiềm năng, một công cụ hữu hiệu giúp DN phòng ngừa rủi ro.

Bình Minh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-giao-dich-hang-hoa-lanh-manh.html