Đề nghị Ban Bí thư kỷ luật cựu Chủ tịch Phú Yên Phan Đình Cự
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông Phạm Đình Cự, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa phát đi thông cáo kỳ họp thứ 37 diễn ra từ 6-8/3, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Trần Cẩm Tú.
Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét đề nghị của Ban chấp hành Đảng bộ các tỉnh Phú Yên, Gia Lai, Hà Giang về thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định các ông: Phạm Đình Cự, cựu Phó bí thư, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên; Nguyễn Tư Sơn, cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai; Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, đã suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Những cán bộ này cũng đồng thời vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Những vi phạm trên gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và cơ quan quản lý Nhà nước địa phương.
Vì thế, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật các ông Phạm Đình Cự, Nguyễn Tư Sơn, Nguyễn Thế Bình.
Cũng tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Kon Tum.
Ban cán sự Đảng TAND tỉnh Kon Tum được xác định đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và công tác cán bộ.
Tập thể Đảng này cũng thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để TAND tỉnh và một số tòa án cấp huyện vi phạm quy định trong công tác xét xử.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, Ban cán sự Đảng TAND tỉnh Kon Tum đã để xảy ra vi phạm khi áp dụng các điều luật, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tạm đình chỉ, cho hưởng án treo, hoãn chấp hành hình phạt tù không đúng tính chất, mức độ hành vi phạm tội; hủy, sửa nhiều bản án trái quy định pháp luật.
Những vi phạm, khuyết điểm nêu trên gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu trong xã hội; Ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đến uy tín của tổ chức Đảng và ngành Tòa án tỉnh Kon Tum, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban cán sự Đảng TAND tỉnh Kon Tum các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 và Chánh án Đỗ Thị Kim Thư cùng cấp phó Nguyễn Tiến Tăng.
Liên quan đến các vi phạm, khuyết điểm nêu trên còn có trách nhiệm của một số tổ chức Đảng, đảng viên tại Đảng bộ tỉnh Kon Tum.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc, khắc phục kịp thời các vi phạm, khuyết điểm đã được chỉ ra. Đồng thời, cơ quan này yêu cầu kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm, khuyết điểm và báo cáo lại kết quả.
Trước đó, các ông Phạm Đình Cự, Nguyễn Tư Sơn, Nguyễn Thế Bình đều đã bị khởi tố trong các vụ án xảy ra tại các địa phương này.
Theo đó, ông Phạm Đình Cự, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên bị khởi tố điều tra tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" vì có liên quan đến vụ cho chuyển nhượng khu "đất vàng" ô phố A2 đường Hùng Vương (TP Tuy Hòa) trái quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Tư Sơn, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, cũng bị khởi tố liên quan đến các sai phạm trong quá trình thực hiện các dự án mua sắm một số phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ việc dạy và học, hoạt động tài chính của sở này giai đoạn 2015-2021.
Ôg Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang bị khởi tố về hành "Vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Đây là kết quả điều tra mở rộng vụ án vi phạm các quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở này năm 2017.