Đề nghị bổ sung nguyên tắc phân phối kinh phí công đoàn

Đại biểu Nguyễn Việt Hà (đoàn Tuyên Quang) đề nghị bổ sung nguyên tắc phân phối kinh phí công đoàn vào trong dự thảo luật, trong đó cần nâng cao trách nhiệm của Tổng liên đoàn về nội dung này.

Làm rõ quyền lợi tham gia của công dân nước ngoài

Tiếp tục chương trình Kỳ họp Quốc hội thứ 8, sáng 24/10, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Liên quan đến việc gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động là người nước ngoài, bà Nguyễn Thúy Anh cho biết: Dự thảo được chỉnh lý theo hướng “người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên, thì có quyền gia nhập công đoàn, hoạt động tại công đoàn cơ sở”.

 Đại biểu Nguyễn Việt Hà (đoàn Tuyên Quang). Ảnh: Như Ý

Đại biểu Nguyễn Việt Hà (đoàn Tuyên Quang). Ảnh: Như Ý

Ngoài ra, dự thảo Luật đã quy định cán bộ công đoàn là công dân Việt Nam, do đó, người lao động là người nước ngoài không thể trở thành cán bộ công đoàn.

Góp ý nội dung này, đại biểu Nguyễn Việt Hà (đoàn Tuyên Quang) đề nghị bổ sung, làm rõ nội dung về phạm vi quyền lợi tham gia của công dân nước ngoài là được giới hạn trong quan hệ lao động. Cụ thể là được công đoàn hỗ trợ các vấn đề về việc làm, tiền lương, thưởng và bảo hiểm xã hội theo hợp đồng lao động;

Đồng thời với đó là hỗ trợ trong giải quyết tranh chấp lao động, nhằm đảm bảo không phát sinh vai trò, chức năng của tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị của Việt Nam.

Tài chính của công đoàn rất lớn

Liên quan đến vấn đề phân phối kinh phí công đoàn, đại biểu viện dẫn dự thảo luật không quy định nguyên tắc phân phối kinh phí công đoàn khi có nhiều tổ chức đại diện của người lao động, đồng thời bổ sung quy định: “Sau khi thống nhất với Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định phân phối và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn…”.

Theo đại biểu Nguyễn Việt Hà, việc thiếu đi quy định trên sẽ dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai trên thực tế, không có cơ sở mang tính nguyên tắc được luật hóa để Chính phủ làm căn cứ thống nhất với tổng liên đoàn.

“Tôi đề nghị bổ sung nguyên tắc phân phối kinh phí công đoàn vào trong dự thảo luật, trong đó cần nâng cao trách nhiệm của Tổng liên đoàn về nội dung này”, bà Hà cho hay.

Đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP. HCM). Ảnh: Như Ý

Đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP. HCM). Ảnh: Như Ý

Đóng góp vào dự thảo luật, đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP. HCM) cho rằng, tài chính của công đoàn là rất lớn, nên nguồn thu, quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, ngoài phải theo quy định chung của pháp luật về tài chính, cũng cần có sự độc lập theo quy định riêng của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam để phục vụ cho người lao động, công nhân.

ĐBQH cho rằng, phải quản lý chặt chẽ, kể cả việc quyết định giảm, miễn đóng kinh phí công đoàn, cũng như việc kiểm tra, thanh tra tài chính công đoàn từ Trung ương…

Liên quan đến quy định về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, đại biểu đề xuất giao cho Tổng Liên đoàn chủ động và chịu trách nhiệm ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu, phân phối và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn đúng quy định. “Không nhất thiết Chính phủ phải thực hiện nội dung này”, bà Yến nêu.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/de-nghi-bo-sung-nguyen-tac-phan-phoi-kinh-phi-cong-doan-post1685152.tpo