Đề nghị sửa đổi, bổ sung 3 luật liên quan đến đăng ký lưu hành thuốc điều trị

Bộ Y tế đề xuất Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật Dược; Luật Đấu thầu liên quan đến việc đăng ký lưu hành thuốc điều trị; chứng nhận lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc; có cơ chế đặc thù trong mua sắm, huy động nguồn lực trong ứng phó tình trạng khẩn cấp như: đại dịch, thiên tai, thảm họa.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên làm việc

Ngày 13-3, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng đã chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành.

Cuộc làm việc diễn ra trong 2 ngày 13 và 14-3. Ngày 13-3, đoàn giám sát tập trung vào nội dung huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; ngày 14-3 tập trung vào nội dung thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Quang cảnh buổi làm việc

Quang cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ: Y tế, Tài chính, LĐTB-XH, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã báo cáo với đoàn giám sát về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương và người dân đã tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid -19; cân đối và sử dụng các nguồn tài chính (Trung ương và địa phương), huy động mọi nguồn lực của xã hội cho công tác phòng, chống dịch; ban hành các cơ chế, chính sách để phòng, chống dịch, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Các lực lượng được huy động tham gia chống dịch trong ngành y tế, quân đội, công an đã cùng với lực lượng tại chỗ phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, hỗ trợ công tác an sinh xã hội, bảo đảm an ninh trật tự. Các lực lượng hỗ trợ đã làm việc không quản khó khăn, gian khổ, chấp nhận các rủi ro, thậm chí đã có sự hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ và cùng với lực lượng tại chỗ phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch.

Đại biểu tham gia buổi làm việc

Đại biểu tham gia buổi làm việc

Đại diện Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng đề xuất nhiều giải pháp hoàn thiện thể chế, như nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn, định mức vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch, bảo đảm đủ dự phòng và phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực hiện có. Bộ cũng đề đạt Chính phủ hướng dẫn cụ thể để áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch; đề xuất Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật Dược; Luật Đấu thầu liên quan đến việc đăng ký lưu hành thuốc điều trị; chứng nhận lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc; có cơ chế đặc thù trong mua sắm, huy động nguồn lực trong ứng phó tình trạng khẩn cấp như: đại dịch, thiên tai, thảm họa.

Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kịp thời, bảo đảm nguồn tài chính cho phòng, chống dịch; thực hiện các chính sách hỗ trợ tài chính bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí y tế cho đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế…

Một đề xuất đáng lưu ý khác của bộ này là cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được điều chuyển thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ nguồn ngân sách nhà nước để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 sang nguồn thu dịch vụ khám, chữa bệnh; cho phép tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch Covid-19 trong năm 2022…

Bộ Tài chính kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho phép chuyển nguồn kinh phí đã phân bổ cho công tác phòng, chống dịch của ngân sách nhà nước sang các năm tiếp theo cho đến khi công bố hết dịch. Việc thanh toán chi phí phòng, chống dịch Covid-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh Covid-19 đang thực hiện theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 (được hướng dẫn bởi Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 và Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15).

Đối với Chính phủ, Bộ Tài chính kiến nghị tiếp tục chỉ đạo rà soát, đánh giá các chính sách, văn bản, tổng kết 3 năm công tác phòng, chống dịch để tiếp tục duy trì các chính sách còn phù hợp, bãi bỏ các chính sách không còn phù hợp, ban hành theo thẩm quyền các chính sách cần thiết để đáp ứng yêu cầu của phòng, chống dịch tình hình mới...

Bên cạnh đó, bộ này cũng kiến nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện các chính sách an sinh xã hội; quan tâm chăm sóc sức khỏe người dân, giải quyết các vấn đề hậu Covid-19; chú ý trẻ mồ côi, người mất việc, mất thu nhập do đại dịch, đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

Về phía Bộ LĐTB-XH, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đề xuất các nhóm giải pháp như tiếp tục nghiên cứu, đánh giá toàn diện về các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ mới phù hợp tình hình thực tiễn, quan điểm, mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường “hậu kiểm” song song với việc quy định các điều kiện, quy trình, thủ tục thuận lợi để đối tượng dễ tiếp cận chính sách…

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/de-nghi-sua-doi-bo-sung-3-luat-lien-quan-den-dang-ky-luu-hanh-thuoc-dieu-tri-post681859.html