Đề nghị xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)
Bộ Nội vụ đang đề nghị xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) nhằm xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới; tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.
Bộ Nội vụ cho biết, ngày 19/6/2015, Quốc hội đã ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và các chủ trương, định hướng của Đảng về tổ chức chính quyền địa phương ở nước ta.
Trong bối cảnh hiện nay, nước ta đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới, đẩy mạnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế, sự phát triển của khoa học công nghệ và yêu cầu về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới đòi hỏi phải cải cách, đổi mới tổng thể tổ chức, hoạt động của chính quyền nhà nước từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã đặt ra nhiệm vụ, giải pháp nhằm đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương.
Từ bối cảnh trên; căn cứ những định hướng lớn của Đảng về tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương các cấp và thực tiễn đặt ra thì việc nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành là yêu cầu cấp thiết.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tinh gọn bộ máy
Bộ Nội vụ cho biết, mục tiêu chung của việc xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) là thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới; tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.
Đồng thời, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Theo đó việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương phải phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và đồng bộ với các Luật về tổ chức bộ máy: Tổ chức Chính phủ, Quốc hội, Tòa án, Viện kiểm soát nhân dân; các luật có liên quan quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của chính quyền địa phương.
Đáp ứng yêu cầu của quản trị quốc gia, quản trị địa phương trong tình hình mới. Theo đó, yêu cầu bộ máy chính quyền địa phương phải tinh gọn, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, cơ chế phối hợp chặt chẽ; phát huy sự tham gia của các chủ thể trong quản trị địa phương, đảm bảo tính công khai, trách nhiệm giải trình, ứng dụng công nghệ trong hoạt động của chính quyền địa phương gắn với xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.
Khắc phục hạn chế, bất cập, vướng mắc từ quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và xuất phát từ thực tiễn triển khai thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương trong gần 10 năm qua.
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính ở địa phương
Mục tiêu cụ thể nhằm quy định rõ việc phân định thẩm quyền và phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa Trung ương và địa phương; giữa các cấp chính quyền địa phương. Phân định rõ sự khác biệt về mô hình tổ chức, bộ máy, nhân sự giữa chính quyền địa phương ở đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo hướng giảm cấp chính quyền phù hợp ở một số địa phương. Thực hiện thống nhất mô hình chính quyền đô thị trong cả nước.
Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương trên cơ cở nguyên tắc phân quyền, hạn chế quy định phân cấp; quy định nhiệm vụ của UBND các cấp theo hướng giảm bớt nhiệm vụ của tập thể UBND, tăng cường nhiệm vụ của Chủ tịch UBND nhằm nâng cao trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính ở địa phương.
Tăng cường liên kết vùng nhằm phát huy lợi thế so sánh, tạo lợi thế cạnh tranh, động lực phát triển cho vùng thông qua việc kết nối về không gian kinh tế - tự nhiên - văn hóa - xã hội giữa các địa phương trong vùng.
Tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với tình hình thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước, tạo không gian phát triển, góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đề xuất 6 nhóm chính sách
Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ Nội vụ đề xuất 6 nhóm chính sách xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi):
Chính sách 1: Hoàn thiện quy định về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương; giữa các cấp chính quyền địa phương.
Chính sách 2: Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp trên nguyên tắc ''chính quyền địa phương cấp nào giải quyết sát thực tiễn, hiệu quả hơn thì giao chính quyền địa phương cấp đó thực hiện''; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp chính quyền.
Chính sách 3: Hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn đô thị, nông thôn, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; đẩy mạnh cơ chế liên kết vùng.
Chính sách 4: Hoàn thiện quy định về tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp.
Chính sách 5: Hoàn thiện quy định về tổ chức và hoạt động của UBND các cấp.
Chính sách 6: Hoàn thiện quy định về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.
Mời bạn đọc xem toàn văn hồ sơ đề nghị và góp ý tại đây.