Để ngư dân yên tâm vươn khơi mùa biển động

Hiện đang mùa biển động, việc khai thác thủy sản gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều ngư dân tỉnh Quảng Nam vẫn vươn khơi bám biển, họ và các cơ quan chức năng đã làm gì để đảm bảo an toàn?

Cá về từ vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: T.Thành.

Cá về từ vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: T.Thành.

Những ngày qua, chúng tôi có mặt tại nhiều cảng cá dọc ven biển tỉnh Quảng Nam để tìm hiểu về tình hình đánh bắt hải sản của ngư dân địa phương vào mùa biển động. Nhiều ngư dân cho hay, thời điểm này họ gặp không ít khó khăn bởi trên biển gió rất mạnh, sóng lớn và thường xuất hiện các cơn bão gây ra nguy hiểm cho tàu cá đang hoạt động đánh bắt hải sản. Cùng với đó, giá cả nhu yếu phẩm thất thường. Thậm chí nếu vào bờ không neo đậu đúng nơi, không buộc tàu thuyền đúng cách cũng sẽ hư hại tài sản.

Cho dù đối diện nhiều khó khăn, nhưng thật đáng trân trọng khi ngư dân Quảng Nam vẫn quyết tâm cho tàu thuyền có công suất lớn vươn khơi, bám biển. Bà con cho rằng, ra khơi không chỉ là việc mưu sinh đánh bắt hải sản mà sự hiện diện của họ trên biển cũng góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo ở 2 vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Tại cảng cá Tam Quang (huyện Núi Thành) chúng tôi đã gặp anh Đào Văn Tuấn, người có kinh nghiệm hơn 30 năm vươn khơi bám biển, là chủ tàu cá QNa 90857 TS. Anh Tuấn cho biết, trước khi ra khơi đánh bắt hải sản ở vùng biển Trường Sa thì phải theo dõi dự báo thời tiết trên biển ít nhất khoảng 10 ngày tới. Nếu thời tiết trong thời gian này đảm bảo an toàn tuyệt đối mới có thể ra khơi.

“Mùa này thời tiết trên biển bất thường nên các tàu đánh bắt xa bờ thường rút ngắn thời gian hoạt động ở vùng biển xa, hoặc khi thấy thời tiết có dấu hiệu bất thường như sóng to, gió lớn có thể gây ra tai nạn trên biển thì nhanh chóng di chuyển tàu vào bờ hoặc tìm đến các nơi gần nhất trú tránh an toàn, phải luôn chú trọng theo hướng dẫn và thông báo thời tiết của cơ quan chức năng” - anh Tuấn chia sẻ.

Còn anh Trần Thanh, ở xã Tam Quang, chủ tàu cá QNa 97316 TS cho hay, từng có những mùa biển vào thời điểm mưa bão, khiến một số tàu, thuyền hư hỏng thiết bị, tốn hàng chục triệu đến cả trăm triệu đồng để sửa chữa, khắc phục. Vì thế, không chỉ đánh bắt trên biển mà trong quá trình cập bến, việc neo đậu, tránh trú an toàn cũng được ngư dân rất quan tâm. Phải tuân thủ quy định của chính quyền địa phương, đặc biệt khu kỹ thuật neo đậu tàu, thuyền phải theo sự hướng dẫn của cơ quan chức năng, giữ vị trí, khoảng cách an toàn giữa các tàu, thuyền.

Trung tá Nguyễn Bá Tố - Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa khẩu cảng Kỳ Hà cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thường xuyên công tác thông tin, tuyên truyền, thông báo diễn biến thời tiết, nhất là các cơn bão cho ngư dân trên biển nắm bắt tình hình.

“Thông tin được cập nhật và phát thông báo thường xuyên khi thời tiết diễn biến xấu gây nguy hiểm cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển. Trước khi bão đi vào đất liền, lực lượng Biên phòng cùng người dân sắp xếp phương tiện, kêu gọi tàu thuyền vào nơi neo đậu tránh, trú bão an toàn. Đơn vị tiếp tục tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến thiên tai. Cán bộ, chiến sĩ cũng thường xuyên được luyện tập, tham gia diễn tập tìm kiếm cứu nạn theo phương án” - ông Tố cho biết.

Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Ngô Đức An cho hay: “Thời điểm này, toàn huyện Núi Thành có hơn 100 tàu thuyền, với hơn 1.000 lao động đang hoạt động đánh bắt hải sản ở 2 ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Thời gian qua được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh đầu tư nâng cấp âu thuyền An Hòa, cảng cá Tam Quang để phục vụ cho ngư dân neo đậu, cũng như có đầu ra hải sản tốt nhất”.

Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam cho biết, mỗi năm đơn vị phối hợp với các ngành chức năng tổ chức khoảng 20 lớp, mỗi lớp khoảng 50 ngư dân để tuyên truyền về Luật Biển và đề nghị ngư dân ứng dụng các máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất trên biển giúp nâng cao năng suất đánh bắt hải sản, giảm sức lao động và tăng thời gian vươn khơi, bám biển dài ngày hơn. Hiện nay cơ bản các tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, giúp các ngành chức năng quản lý và kịp thời ứng cứu khi gặp sự cố trên biển.

Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam cho biết: Hiện nay tỉnh Quảng Nam có hơn 2.740 tàu thuyền, trong đó có 679 tàu có chiều dài hơn 15m khai thác xa bờ, 9 nghiệp đoàn nghề cá với 720 tàu và 4.879 lao động; 158 tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển với 1.040 tàu và 8.063 lao động.

Tấn Thành - Chí Đại

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/de-ngu-dan-yen-tam-vuon-khoi-mua-bien-dong-10291631.html