Đề phòng tai nạn hóc dị vật ở trẻ: Cảnh báo không bao giờ cũ!

Trong quá trình trông trẻ, chỉ một thoáng lơ là, bất cẩn của người lớn đã khiến trẻ khóc dị vật phải đi cấp cứu. Dị vật nhỏ là sợi dây chuyền, cái kim băng, còn to thì thậm chí cả cái còi ở kèn đồ chơi cũng chui tọt được vào đường thở của trẻ khiến trẻ bị đe dọa tính mạng.

Trẻ hóc nhiều dị vật đáng sợ

Mới đây, các bác sỹ BV Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí tiếp nhận một trường hợp dị vật đường tiêu hóa ở trẻ 33 tháng tuổi. Theo bà ngoại của trẻ, trước đó ở nhà trẻ đang chơi sợi dây chuyền bạc ở nhà, đột ngột trẻ xuất hiện nôn ọe nhiều và liên tục trong vòng 1 phút, sau đó trẻ kêu đau họng. Người nhà không thấy sợi dây chuyền, nghi trẻ đã nuốt phải nên móc tay vào họng trẻ tìm nhưng không thấy. Gia đình lập tức đưa trẻ đến viện.

Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán đây là một trường hợp dị vật đường tiêu hóa. Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành gây mê nội khí quản và nội soi dạ dày. Dị vật gắp ra một sợi dây chuyền dài khoảng 40cm. Sau quá trình nội soi, trẻ tỉnh và đã có thể ăn uống trở lại.

Trước đó, các bác sĩ khoa Hô hấp, BV Nhi Trung ương đã nội soi phế quản gắp thành công phần còi của chiếc kèn đồ chơi trong phế quản bé trai Nguyễn 3 tuổi ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Tai nạn xảy ra khi trẻ lấy chiếc kèn nhựa đồ chơi ngậm thổi thì bị ho sặc sụa. Sau tai nạn, bé thở rít, tím tái, kèm theo khí thở có tiếng kèn kêu, bé được người nhà vội đưa đến BV Bắc Thăng Long (Hà Nội) khám. Tại đây, qua chụp CT phổi các bác sỹ nghi ngờ dị vật nằm ở phế quản gốc trái của trẻ và trẻ được chuyển tới BV Nhi Trung ương để theo dõi và tiếp tục điều trị.

Tại BV Nhi Trung ương, các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định nội soi phế quản lấy dị vật ra khỏi đường thở của trẻ. Sau khoảng 30 phút làm thủ thuật, các bác sỹ đã lấy được dị vật là phần còi của chiếc kèn đồ chơi dài 1,5 cm nằm trong phế quản gốc trái của trẻ.

Tương tự, vừa qua các bác sĩ khoa Khám bệnh, BV Sản nhi Quảng Ninh đã nội soi gắp thành công chiếc kim băng trong thực quản cho bé gái 4 tuổi ở huyện Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.

Kết quả khám lâm sàng cho thấy hình ảnh dị vật là một chiếc kim băng đang mở, một đầu nhọn đang cắm vào thành thực quản của trẻ. Qua nội soi thực quản, kíp phẫu thuật tiến hành dùng kìm đẩy đầu nhọn của kim thoát khỏi thành thực quản, sau đó kẹp lấy đầu nhọn của dị vật rồi kéo ra ngoài.

Với trường hợp này, may mắn cho trẻ là khi kim loại nhỏ, bác sĩ đẩy đầu nhọn ra khỏi thành thực quản, sau đó túm lấy cái đầu nhọn để nó không gây tổn thương thêm cho thực quản. Tránh cho trẻ một ca phẫu thuật nguy hiểm.

Sợi dây chuyền dài được gắp ra khỏi đường tiêu hóa của trẻ. Ảnh: BVCC

Sợi dây chuyền dài được gắp ra khỏi đường tiêu hóa của trẻ. Ảnh: BVCC

Tránh cho trẻ chơi đồ chơi kích thước quá nhỏ

Các bác sĩ khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần tránh cho bé chơi các đồ chơi có kích thước quá nhỏ dễ ngậm và sặc vào đường thở, cũng như tránh cho trẻ ăn những thức ăn dễ bị hóc như: đậu phộng, hạt dưa, hạt hướng dương…

Đối với trẻ có xảy ra hội chứng xâm nhập, đột ngột ho sặc, hóc thức ăn, đồ chơi…, khò khè kéo dài sau đó các bậc phụ huynh cần lưu ý đưa trẻ đến khám tại các BV uy tín, có chuyên khoa sâu và nội soi về hô hấp nhi để phát hiện và xử trí kịp thời. Tuyệt đối không nên tìm cách tự lấy dị vật hoặc cho trẻ ăn để đẩy dị vật xuống. Vì nếu làm như vậy dị vật có thể gây tổn thương nặng hơn, khó xử trí hơn hoặc sặc vào đường thở gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Cho trẻ ăn uống sau khi nuốt phải dị vật còn khiến thủ thuật can thiệp lấy dị vật phải trì hoãn do nguy cơ sặc hít khi gây mê. Dị vật để muộn do can thiệp phải trì hoãn hoặc trẻ đến viện muộn làm giảm cơ hội lấy dị vật thành công bằng nội soi can thiệp tối thiểu, tăng tỷ lệ phải phẫu thuật, gia tăng tỷ lệ biến chứng và có thể gây tử vong.

Bác sỹ chuyên khoa 2 Lê Thanh Chương, Trưởng khoa Hồi sức hô hấp-Trung tâm hô hấp, BV Nhi Trung ương cho biết: Mỗi năm BV tiếp nhận và xử trí khoảng 50 trường hợp dị vật đường thở. Dị vật thường là hạt thực vật (lạc, na, hướng dương, ngô…) hoặc đồ chơi (hạt vòng, đèn nhỏ, còi nhỏ, lò xo…).

Đặc biệt một số trường hợp trẻ nuốt phải các vật sắc nhọn như đinh vít, đinh ghim, kim băng… đe dọa thủng đường thở gây nguy hiểm đến tính mạng. Tai biến y khoa có thể gặp gây dị vật đường thở là các thủ thuật nha khoa như nhổ răng, diệt tủy răng làm răng hoặc kim diệt tủy rơi vào đường thở khi trẻ không hợp tác.

Mọi lứa tuổi đều có thể bị dị vật đường thở, hay gặp nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Sặc dị vật có thể gây tử vong ngay do bít tắc đường thở hoặc để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như suy hô hấp, ho máu, tràn khí, viêm phổi tái diễn… Khi bị sặc dị vật, trẻ cần được sơ cứu kịp thời, đúng cách và được đưa ngay đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị. Nội soi phế quản là chỉ định bắt buộc để chẩn đoán và lấy dị vật, bác sỹ Chương khuyến cáo.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/de-phong-tai-nan-hoc-di-vat-o-tre-canh-bao-khong-bao-gio-cu-185358.html