Đề thi minh họa khối xã hội quá an toàn, không sáng tạo
Đề minh họa các môn thi xã hội của kỳ thi THPT quốc gia 2020 được nhiều giáo viên đánh giá quá an toàn nên nội dung, yêu cầu của đề cũ.
Nhiều giáo viên đồng ý rằng đề thi minh họa các môn khối xã hội được giữ ổn định như những năm qua. Đây là điều dễ hiểu khi việc dạy học và kỳ thi THPT quốc gia 2020 đang bị ảnh hưởng lớn do dịch bệnh.
Nhìn từ đề minh họa, giáo viên các môn xã hội dự đoán đề thi chính thức năm 2020 sẽ không có nhiều thay đổi hay yếu tố bất ngờ.
Cách ra đề Văn quá cũ
Với đề minh họa môn Văn, thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Ngữ văn trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), không tỏ ra bất ngờ bởi về cấu trúc, đề không khác so với những năm gần đây.
Đề minh họa năm 2020 chỉ điều chỉnh ở câu đọc hiểu và nghị luận xã hội là văn bản văn xuôi thay vì văn bản thơ như đề chính thức trong 2 năm gần đây.
So sánh đề thi chính thức 2 năm gần đây, thầy Đức Anh cho rằng câu đọc hiểu và nghị luận xã hội trong đề minh họa hay hơn. Nhưng giáo viên này thất vọng khi câu nghị luận văn học chiếm 50% số điểm của đề lại quá cũ, cả về nội dung và cách hỏi.
“Nhìn chung, đọc hiểu và nghị luận xã hội ổn nhưng câu nghị luận văn học quá chán. Có cảm giác câu này là của đề thi cách đây cả thập kỷ. Với kiểu đề nghị luận văn học cũ như thế này, chúng ta đừng mong học sinh sáng tạo dù thực tế đáp án của Bộ GD&ĐT bao giờ cũng có điểm cho sự sáng tạo”, thầy Đức Anh thất vọng.
Dù chung nhận định, cô Nguyễn Thị Thu Thảo, giáo viên Ngữ văn trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM), cho rằng điều này nên được thông cảm.
"Dễ hiểu là trong tình hình dạy học có thể còn nhiều thay đổi do dịch bệnh, bộ muốn đề thi an toàn, tránh việc học sinh lo lắng, hoang mang. Nhưng không thể phủ nhận rằng đề như vậy sẽ khó đánh giá mức độ năng lực học sinh vì các phần đều ra rất cơ bản. Học sinh chỉ cần học kỹ bài là có thể đạt từ 7 điểm", cô Thảo đánh giá.
Địa ổn, Sử không hay
Phân tích đề minh họa môn Sử, cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), cho biết đề năm ngoái, phần lịch sử thế giới có 4 câu. Đề minh họa năm nay, phần này chiếm 12 câu. Phần kiến thức lớp 11 cũng có 2 câu.
Ngoài ra, đề minh họa có 1 câu hỏi vào nội dung kiến thức được Bộ GD&ĐT giảm tải. Do đó, cô Thảo lưu ý học sinh không nên bỏ qua nội dung tự học này.
“Đề tập trung những vấn đề cơ bản và trọng tâm của chương trình lớp 12, cụ thể là nội dung học kỳ I lớp 12. Đề thi có sự phân hóa ở một số câu vận dụng cao. So với năm ngoái, đề minh họa này có độ khó như nhau và phù hợp tình hình dạy học hiện tại”, cô Thảo nói.
Ngược lại, thầy Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên Lịch sử trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM), lại cho rằng đề thi sẽ làm khó thí sinh vì tính bao quát quá rộng.
Thẳng thắn hơn, thầy Du đánh giá đề minh họa môn Sử không hay. Ông cũng không cảm nhận được Bộ GD&ĐT quan tâm, suy xét đến khả năng dạy và học của thầy trò trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay thông qua đề minh họa này.
"Có những câu nằm trong học kỳ II lớp 12, sát phần giảm tải nên nếu thí sinh và giáo viên không lưu ý sẽ bỏ qua. Việc học gián đoạn do dịch bệnh, nếu yêu cầu thí sinh nắm bao quát một khối lượng kiến thức dàn trải là thách thức lớn cho người học lẫn người dạy", thầy Du nêu ý kiến.
Trong khi đó, với đề minh họa môn Địa lý, thầy Đức Tài, Tổ trưởng bộ môn Địa lý, trường THPT Bùi Thị Xuân đánh giá nội dung đề linh động, phù hợp tình hình dạy học ở tất cả vùng miền trong bối cảnh hiện nay.
"Đề minh họa năm nay đòi hỏi học sinh vận dụng kỹ năng và kiến thức xã hội nhiều hơn. Nếu học sinh lưu ý luyện tập kỹ khả năng đọc bản đồ, sử dụng Atlat, tự học chăm chỉ thì có thể giải quyết được đề này. Trong bối cảnh học sinh nghỉ quá dài, việc học online mỗi nơi mỗi khác thì với đề minh họa này, học sinh có thể căn cứ vào đó để tự ôn tập", thầy Tài cho hay.