Để tiềm năng thành thế mạnh phát triển CN-TTCN

Với lợi thế về nguồn nguyên liệu, Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Sơn lần thứ XXVI nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định: 'Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, trong đó mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm nông sản đặc trưng, mũi nhọn gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu' là một trong những mục tiêu và chỉ tiêu chủ yếu để tập trung thực hiện khâu đột phá 'Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút nguồn lực phát triển…'

Các hộ trồng chè ở xã Tất Thắng đẩy mạnh thâm canh để tăng năng suất chè nguyên liệu

Sau hai năm thực hiện Nghị quyết, công nghiệp chế biến nông, lâm sản của Thanh Sơn phát triển theo hướng đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ gắn với nâng cao chất lượng. Đến nay, Thanh Sơn đã thu hút được 1.285 cơ sở sản xuất CN-TTCN; trong đó có 95 doanh nghiệp, 10 HTX, bảy làng nghề và 1.175 hộ cá thể đã tạo việc làm cho khoảng 5.700 lao động có việc làm thường xuyên và hơn 4.000 lao động thời vụ.

Với thế mạnh là cây chè, huyện Thanh Sơn quan tâm phát triển công nghiệp chế biến chè thông qua mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ. Đến nay toàn huyện có 329 cơ sở chế biến chè; trong đó có 12 doanh nghiệp, tám HTX, sáu làng nghề và 303 cơ sở chế biến, hộ cá thể. Đi đôi với đó là phát triển diện tích vùng nguyên liệu. Toàn huyện hiện có trên 2.408ha diện tích trồng chè, trong đó trên 2.213ha cho sản phẩm. Với điều kiện thuận lợi, diện tích chè trồng mới tăng lên theo từng năm, sản lượng chè búp tươi đạt trên 25.384 tấn/năm đã tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào cho các cơ sở kinh doanh, chế biến chè. Sản lượng chè xuất khẩu ngày càng tăng, tập trung vào các thị trường như: Đài Loan (Trung Quốc), Pakistan, Afpanistan, Iran, Nga, Srilanca và các nước Trung Đông…

Các cơ sở chú trọng sản xuất chè sạch ngay từ khâu thu mua nguyên liệu đầu vào; đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất chế biến chè đen, chè xanh xuất khẩu. Ở các làng nghề, hộ gia đình đã trang bị máy hút chân không, lò quay bằng inox, máy tách màu..., từng bước xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, cho ra những sản phẩm chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh thị trường và tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Cùng với việc giữ ổn định diện tích chè hiện có, huyện tuyên truyền cho bà con nhân dân ứng dụng KHKT, đưa những giống chè mới có năng suất, chất lượng cao vào thay thế những giống chè cũ; đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất chè nguyên liệu; xây dựng quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn theo hướng VietGAP đảm bảo an toàn thực phẩm và môi trường sinh thái trên địa bàn huyện.

Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong xuất khẩu chè đen đi các nước Trung Đông, Ấn Độ, Pakistan. Chị Nguyễn Thị Hằng - Công ty TNHH Hợp Tín Phú Thọ ở xã Sơn Hùng cho biết: “Khi bắt đầu hoạt động theo mô hình mới, Công ty còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực quyết tâm của lãnh đạo Công ty, hiện nay chúng tôi đang tập trung sản xuất và chế biến chè đen OTD. Trong chín tháng, Công ty đã xuất khẩu được 1.500 tấn chè OTD, tạo việc việc làm cho hơn 50 lao động với mức thu nhập từ 8-9 triệu đồng/người/tháng”.

Không chỉ lĩnh vực chế biến chè, các nghề TTCN khác trên địa bàn huyện thời gian gần đây cũng phát triển khá, dần phát huy được tiềm năng sẵn có như: Chế biến gỗ, gia công cơ khí, khai thác đá, cát sỏi, chế biến khoáng sản... Công nghiệp chế biến gỗ và đồ mộc gia dụng tiếp tục được huyện khuyến khích đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô công suất, đổi mới công nghệ. Xúc tiến đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ công nghệ cao sử dụng nguyên liệu từ gỗ rừng trồng như: Gỗ MDF, HDF, gỗ ghép thanh, ván sàn. Hiện nay trên địa bàn huyện đã phát triển 289 cơ sở chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ. Sản lượng gỗ chế biến năm 2021 đạt 150.000m3/năm…

Để có sản phẩm tốt, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn cho các chủ rừng kỹ thuật trồng, lựa chọn giống, cây áp dụng quy trình kỹ thuật đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn, khoán bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, ổn định độ che phủ rừng. Hiện nay diện tích rừng trồng của huyện đạt 25.000ha; trong đó diện tích cây gỗ lớn hơn 1.886ha, sản lượng khai thác gỗ ước đạt 181.521,5m3/năm.

Việc phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu đã góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp tại địa phương ngày càng phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ nông sản cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con nông dân trong huyện. Tuy nhiên, thời gian qua, tốc độ tăng trưởng công nghiệp chế biến chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh về nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương.

Trên thực tế việc cung ứng nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến không ổn định, người dân tự ý thay đổi cơ cấu cây trồng, nên các doanh nghiệp không chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất. Mặt khác, các doanh nghiệp chế biến nông, lâm sản của huyện chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn ít, chất lượng sản phẩm chưa cao, công nghệ chế biến còn lạc hậu, thị trường tiêu thụ còn hạn hẹp, sức cạnh tranh còn yếu kém. Bên cạnh đó, phần lớn các dự án đầu tư tập trung vào chế biến nông sản thô, giá trị gia tăng thấp nên khó xây dựng được thương hiệu và sức cạnh tranh ngày càng nghiêm ngặt của thị trường trong và ngoài nước.

Nhiều cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn huyện Thanh Sơn chú trọng đổi mới công nghệ, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Để công nghiệp chế biến phát triển ổn định và vững chắc, đồng chí Phạm Tú - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thanh Sơn tập trung xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản một cách dài hơi dựa trên những tiềm năng lợi thế sẵn có của địa phương. Trong đó, trọng tâm phát triển công nghiệp chế biến gắn với việc quy hoạch các vùng nguyên liệu tập trung. Quan tâm đầu tư cho lĩnh vực khuyến nông và chuyển giao KHKT, đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao thay thế giống cũ; có chính sách bảo trợ thích hợp cho các loại nông sản chủ yếu phục vụ cho công nghiệp chế biến. Đối với các doanh nghiệp, tập trung thực hiện các phương án đầu tư cho vùng nguyên liệu thông qua mối liên kết với HTX, hộ dân để chủ động được nguồn nguyên liệu; từng bước đầu tư thay thế dần các thiết bị công nghệ đã lạc hậu, không ngừng đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và hạ giá thành sản phẩm…

Thời gian tới, để phát huy tiềm năng, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện đã đề ra. Huyện sẽ khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, mở rộng liên doanh, liên kết; nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm và phát triển các sản phẩm cao cấp... Huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Giáp Lai và cụm công nghiệp Thắng Sơn; phát triển công nghiệp cơ khí, gia công kim loại và điện tử. Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về thuế, thuê đất để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực thế mạnh của địa phương; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về các thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh ổn định; hỗ trợ quảng bá sản phẩm.

Đinh Tú

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/de-tiem-nang-thanh-the-manh-phat-trien-cn-ttcn/187702.htm