Để tiếng trống trường lại gióng giả…

'Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp... Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học'.

Lễ khai giảng qua phòng zoom tại trường THCS Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội sáng 5/9. Ảnh: Quang Hùng.

1. Những hồi ức thật đẹp, thật trong trẻo về buổi tựu trường đầu tiên ấy có lẽ không chỉ của riêng nhà văn Thanh Tịnh mà của hết thảy bao thế hệ người Việt. Tiếng trống trường rộn rã vẫy gọi, sân trường ồn ã náo nức bóng thầy cô bạn bè… luôn là những vệt kí ức không thể quên trong tâm trí mỗi người, nó không chỉ là niềm nhớ mà còn là điểm tựa tinh thần để ta lớn lên, vượt qua những thử thách sau này của đời người…

Nhưng, với các em học sinh vừa tham dự lễ khai giảng năm học mới bằng hình thức truyền hình trực tiếp và trực tuyến sáng nay, “giặc Covid-19” ác nghiệt đã cướp đi của các em những kỉ niệm trong trẻo, đáng nhớ ấy…

Vẫn là buổi sáng tựu trường 5/9, vẫn là dậy sớm, vẫn là đồng phục, là khăn quàng đỏ trên cổ áo… nhưng với thầy trò tại các tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội, tất cả vẫn chẳng thể như những mùa tựu trường chưa có dịch… Thầy trò, bạn bè vẫn nhìn thấy nhau, tiếng trống trường vẫn vang lên, ngôi trường, lớp học vẫn đó… nhưng chỉ là qua… sóng truyền hình, qua mạng Internet…

Dịch bệnh, giãn cách, hạn chế đi lại, tiếp xúc đã làm vơi bớt đi quá nhiều những hồi hộp, tưng bừng, náo nức rộn rã thường thấy. Sân trường ngày khai giảng vốn nêm chật bóng thầy trò cờ hoa là thế, giờ vắng tanh, vắng ngắt… Hẫng hụt, bâng khuâng có lẽ là cảm xúc chung nhất của thầy, trò khắp mọi miền đất nước sáng tựu trường hôm nay.

2. Trên báo congluan.vn ngày 4/9 - một ngày trước lễ khai giảng - có ghi chép đầy xúc cảm về chuyện học online của những học trò nơi miền núi tỉnh Nghệ An. Trong đó có chuyện gia đình anh Lương Văn Khàng sống bản Cà Vạt nằm ở sâu trong rừng núi, khi điện thoại chỉ có một chiếc duy nhất, đến sóng 4G còn phải chạy cả lên sườn đồi cao cạnh nhà mới mong “vợt” được, chưa kể lúc "vợt" được sóng thì sim lại hết tiền thì việc hai đứa con năm học mới này phải học trực tuyến, thực sự không chỉ là nỗi lo mà là áp lực quá lớn mà họ không biết làm cách nào để vượt qua.

Chẳng cứ ở miền rừng núi heo hút, dịch bệnh đã biến cả các em học sinh ở những đô thị lớn đang là tâm dịch như TP.HCM cũng phải đối mặt với vô vàn thách thức khi bước vào năm học mới.

Trong chia sẻ ngay trước thềm năm học mới, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD- ĐT TP.HCM thừa nhận chỉ riêng ở bậc tiểu học, số liệu thống kê đến sáng ngày 3/9 cho thấy có hàng chục ngàn học sinh Thành phố không có điều kiện tham gia học trực tuyến, trong đó có nhiều em không có thiết bị, thiếu đường truyền internet, không có người hỗ trợ, hoặc đang phải ở quê tránh dịch...

3. Dịch bệnh vẫn đang diễn tiến hết sức phức tạp. Trong cuộc chiến chống dịch còn bộn bề khó khăn, thậm chí có cả mất mát đau thương này, sự dạy và học của thầy và trò khắp mọi miền đất nước chắc chắn sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn thách thức.

“Không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau trong dịch Covid-19”- đã là chỉ đạo được Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh trong một Công văn được phát đi ngay trước thềm năm học mới 2021-2022. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các sở GDĐT, các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm kiểm tra, rà soát những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để phối hợp với chính quyền, đoàn thể hỗ trợ, giúp đỡ, tuyệt đối không để có học sinh thiếu ăn, thiếu mặc, giúp các em được tham gia đầy đủ các hình thức học tập, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

Ngày 3/9, hai ngày trước lễ khai giảng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch Covid-19 trong đó nhấn mạnh tới việc “thiết yếu”, cần làm ngay: Khẩn trương miễn giảm học phí; Xem xét miễn giảm cước Internet cho học sinh, giáo viên và đặc biệt là xây dựng phương án cụ thể về việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh để các em có thể trở lại trường học.

Vẫn biết điều đó là chẳng dễ thực hiện, đặc biệt trong bối cảnh đang phải dốc mọi nguồn lực có thể cho công cuộc chống dịch chưa hẹn ngày kết thúc… Vẫn biết hành trình từ chỉ thị tới thực tiễn sẽ còn nhiều khoảng cách….

Nhưng, "Tiếng trống trường gióng giả/Năm học mới đến rồi/Chúng em đi vào lớp/ Khăn quàng bay đỏ tươi”- vì nỗi háo hức, nỗi khát khao rất thật ấy của các em, không gì khác, tất cả đều phải dốc lòng, dốc sức để những mong muốn tốt đẹp ấy nhanh chóng trở thành hiện thực. Đó không chỉ là thông điệp mà còn là mệnh lệnh cho hết thảy những ai quan tâm tới "sự nghiệp trồng người", tới tương lai của đất nước.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-tieng-trong-truong-lai-giong-gia-post154308.html