Để trí thức phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: 'Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc...'. Trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước trong kỷ nguyên chuyển đổi số, càng đặt ra yêu cầu cao hơn với lực lượng trí thức, nhất là trí thức tinh hoa thuộc tất cả các lĩnh vực.

Tuy nhiên, làm sao để trí thức phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo vẫn là một bài toán cần giải.

Đầu tư cho khoa học là cơ sở cho đổi mới sáng tạo

Như nhiều ý kiến đã chỉ ra, hiện cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển...

Chuyên gia làm việc tại Viện Nghiên cứu công nghệ cao Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Chuyên gia làm việc tại Viện Nghiên cứu công nghệ cao Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Tại lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức (18/5/1963 - 18/5/2023) và 40 năm Ngày thành lập Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, trí thức vừa là một bộ phận của nguồn nhân lực, vừa là nguồn lực khoa học, kỹ thuật, trực tiếp tham gia vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài cho đất nước.

Nối tiếp truyền thống, trong sự nghiệp đổi mới, Đảng luôn luôn quan tâm lãnh đạo công tác vận động, tập hợp và phát triển trí thức. Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị để lãnh đạo công tác vận động đội ngũ trí thức.

Điển hình phải kể đến Nghị quyết số 27-NQ/TW (ngày 06/8/2008) của Hội nghị T.Ư 7 khóa X “về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Trong đó đã khẳng định: "Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư cho xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững".

Thực tế cho thấy, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27, đội ngũ trí thức Việt Nam có bước phát triển lớn về quy mô, chất lượng và có mặt ở tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội.

Theo đó, nhiều hội nghề nghiệp được thành lập, trong đó có Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam. Từ 15 hội thành viên ban đầu, đến nay đã tập hợp được trên 2,2 triệu trí thức trong số 3,7 triệu hội viên, chiếm 32,5% đội ngũ trí thức cả nước. Trong đó có nhiều nhà khoa học tài ba, là tấm gương sáng, có nhiều đóng góp lớn lao.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trước những yêu cầu mới để xây dựng đất nước hùng cường, trí tuệ, khoa học, năng suất và chất lượng là vấn đề cấp thiết. Đội ngũ trí thức cần trở thành người đi đầu để thúc đẩy sự sáng tạo, đưa khoa học công nghệ vào đời sống, biến kiến thức khoa học thành của cải vật chất cho xã hội.

Theo GS.TSKH.NGND Nguyễn Thiện Phúc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Nội khóa I, chủ đề đổi mới và sáng tạo ngày nay đang được đặc biệt quan tâm ở nước ta cũng như ở nhiều nước trên thế giới. Đổi mới sáng tạo là chìa khóa thành công để phát triển đất nước. Vấn đề là cần có những giải pháp sáng tạo nào để triển khai có hiệu quả.

GS. TSKH Nguyễn Thiện Phúc cho rằng, với nhận thức đầu tư cho khoa học là cơ sở cho đổi mới sáng tạo, trước hết cần nhanh chóng triển khai giải pháp hiệu quả nhất là phải tổ chức học tập tốt về nội dung và phương pháp đổi mới sáng tạo để vươn lên thành công. Qua tham khảo kinh nghiệm ở một số nước, GS.TSKH Nguyễn Thiện Phúc đề xuất nên có trung tâm tập huấn chuyên đề đổi mới sáng tạo, làm cầu nối giữa trường học và DN. Các trung tâm này sẽ hoạt động không chỉ theo phương thức "cầm tay chỉ việc" mà kết hợp với "phân tích tình huống" theo các chuyên đề cụ thể. Đó là hình thức phổ biến kiến thức khoa học - công nghệ thiết thực và hiệu quả nhất hiện nay.

Định vị sứ mệnh của trí thức

Vai trò, thành tựu đội ngũ trí thức mang lại là vấn đề đã được khẳng định. Tuy nhiên, như các chuyên gia nhận định, hiện nay chúng ta đang thiếu thước đo để đánh giá trí thức thông qua kết quả tạo ra những sản phẩm có giá trị vật chất và tinh thần cho xã hội.

Thiếu thước đo quan trọng này gây ra những khó khăn trong việc thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức.

Ngoài ra, việc sử dụng bằng cấp để xác định đội ngũ trí thức là đúng, nhưng chưa đủ. Thực tế, có những người, do những điều kiện khác nhau, không có bằng cấp cao, nhưng lao động của họ là lao động trí óc, sáng tạo, chuyên nghiệp, tạo ra các sản phẩm có giá trị cho xã hội.

Nhiều nhà trí thức, khoa học đề xuất, trong thời gian tới, trong triển khai Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 cần xác định rõ nội hàm khái niệm "trí thức" trong tình hình mới; xây dựng các tiêu chí phân loại "trí thức" theo ngành, lĩnh vực để có các chính sách phù hợp.

Việc định vị vị trí, sứ mệnh của trí thức phù hợp với tính chất, đặc điểm của cuộc các mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ đẩy mạnh thu hút các chuyên gia đầu ngành tham gia các dự án, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức.

Theo PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, chất xám đối với sự phát triển của đất nước là vô cùng quan trọng, vì sự đóng góp của khoa học công nghệ là “quốc sách” hàng đầu.

Rất cần có thêm các chính sách, tạo môi trường làm việc tốt nhất cho đội ngũ trí thức, bảo đảm để trí thức được hưởng thỏa đáng lợi ích vật chất, tinh thần tương xứng với giá trị từ kết quả lao động sáng tạo.

Nếu tận dụng được hết trí tuệ trong đội ngũ trí thức sẽ góp phần cho tăng trưởng bền vững, vì phát triển kinh tế - xã hội dựa vào nền tảng chất xám khoa học.

Để phát huy hết khả năng và sức sáng tạo của đội ngũ trí thức, rất cần sự tôn trọng người tài, có cơ chế thu hút và sử dụng đúng năng lực của họ, để họ hăng hái trong lao động sáng tạo. Cơ chế đầu tiên là thu hút các nhà khoa học, đội ngũ trí thức, sau đó là sử dụng và phát huy trí tuệ của họ, tạo thành sức mạnh nội lực. Nội lực phát triển, nội sinh đi lên sẽ là điều kiện góp phần giúp chúng ta nâng cao vị thế trong quá trình hội nhập, cạnh tranh bình đẳng, và “thắng trên sân chơi hội nhập bằng nội lực của mình”. Do đó, chúng ta buộc phải quan tâm, đầu tư phát triển khoa học công nghệ và đội ngũ trí thức chính là đầu tàu.

Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội - PGS.TS Bùi Thị An

Nguyễn Vũ

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-tri-thuc-phat-huy-toi-da-tiem-nang-suc-sang-tao.html