Đề văn sáng tạo, tiếng Anh có sai sót

Đề thi môn văn được nhiều giáo viên đánh giá hay; trong khi đề thi tiếng Anh có sai sót nhỏ, có thể ảnh hưởng đến kết quả

Hôm qua (2-6), hơn 80.000 thí sinh (TS) tại TP HCM đã trải qua ngày thi đầu tiên với 2 môn ngữ văn và ngoại ngữ. Trong ngày 2-6, tổng số TS tại TP HCM dự thi là 73.462, trong đó hệ lớp 10 thường có 718 TS vắng không lý do. 6.089 TS dự thi hệ 10 chuyên, trong đó 58 TS bỏ thi môn văn và 63 TS bỏ thi môn ngoại ngữ. Kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc trong ngày thi đầu tiên.

Đề văn thú vị, gợi mở

Đề thi môn ngữ văn tại TP HCM được đánh giá là đề thi sáng tạo, hay nhất so với các tỉnh, thành có cùng môn thi cùng ngày.

Thí sinh tại TP HCM trước khi bước vào môn thi tiếng Anh chiều 2-6 Ảnh: TẤN THẠNH

Thí sinh tại TP HCM trước khi bước vào môn thi tiếng Anh chiều 2-6 Ảnh: TẤN THẠNH

Thầy Lê Duy Tân, giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh), cho rằng cấu trúc đề thi môn văn năm nay tiếp tục ổn định theo đúng thông báo. Đó là cách đặt vấn đề trong đề thi không có nhiều đổi mới so với các năm, nội dung đề thi sát với nội dung giảng dạy trong nhà trường. Đề thi năm nay cũng đáp ứng tốt yêu cầu phân hóa TS, điều này thể hiện ở các câu phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Với đề thi này yêu cầu TS phải nắm vững bài học, có kỹ năng cảm thụ tốt và kỹ năng làm bài mới có thể giải quyết vấn đề tốt. Đề thi cũng chú trọng kiểm tra các kiến thức và kỹ năng, tránh được việc học tủ, học vẹt. Đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong dạy và học môn văn. Đây cũng là đề thi không quá bỡ ngỡ, không gây khó khăn cho TS. TS khá giỏi có thể dễ dàng đạt được điểm tốt. Đề thi bảo đảm tính phân hóa vì quen thì quen nhưng TS phải nắm chắc bài, có cảm thụ riêng mới làm tốt được.

Theo thầy Tân, đề thi năm nay là một sự cố gắng của đội ngũ ra đề. Đề đòi hỏi TS phải nắm bài và đào sâu thêm, nghĩa là biết phân tích và cảm nhận theo định hướng. Có thể nhiều giáo viên, kỳ vọng ở đề thi nhiều hơn nhưng đề ra như vậy là rất ổn. Câu nghị luận xã hội, vấn đề đặt ra cũng khá mới mẻ và gần gũi. Đề thi cũng đã ghi điểm khi để nhiều "đất" cho TS tự do bày tỏ suy nghĩ và lập luận để bảo vệ quan điểm, ở câu này giáo viên cũng không thể dạy "tủ" được. "Hơn nữa, nếu TS thiếu quan sát xã hội hoặc trải nghiệm cũng không thể làm tốt. Trong khi đó, câu nghị luận văn học ở lựa chọn số 1 có vẻ hơi an toàn nhưng cũng đòi hỏi kỹ năng làm bài và cảm thụ của TS. Còn ở lựa chọn số 2 vấn đề đặt ra khá thú vị, mang tính gợi mở cao, phù hợp với học sinh có năng khiếu môn văn, chú trọng kiểm tra năng lực cảm thụ và trình bày vấn đề theo quan điểm cá nhân" - thầy Tân phân tích.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp, nguyên tổ trưởng tổ văn Trường THPT Giồng Ông Tố, cho rằng dù nội dung không mới nhưng đề thi hay, buộc học sinh phải tư duy. Đơn cử như phần làm văn vẫn theo nếp cũ, học sinh vẫn phải luyện và nói theo khuôn mới đạt điểm. Tuy vậy, so đề thi với các tỉnh thành, đề thi TP HCM thường sáng tạo hơn trong cách ra đề. Ngay ở phần đọc - hiểu đã tránh được cách hỏi vụn từ kiến thức giáo khoa, bằng cách yêu cầu học sinh hiểu và trả lời. "TS không quá khó để đạt 6 điểm nhưng nếu theo cách học cũ thì khó đạt điểm 7, 8 để vào trường tốp trên" - cô Diệp nói.

Lo mất điểm ở môn tiếng Anh

Một sự cố nhỏ xảy ra trong buổi chiều ở môn thi tiếng Anh tại TP HCM, đó là sai chính tả ở câu số 33. Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, ngay khi phát đề, nhiều điểm thi đã báo cáo về sai sót này. Cụ thể ở câu hỏi ghi: young nhưng trong câu trả lời ghi your. Đây có thể là lỗi sai sót nhỏ về chính tả trong quá trình in ấn đề thi, vì vậy sở chỉ đạo các điểm thi, thông báo thí sinh làm bài bình thường. Sau đó, ban chỉ đạo hội đồng chấm thi sẽ có bàn bạc và xử lý sau theo hướng có lợi nhất cho TS.

Nhận xét về đề thi tiếng Anh, thầy Trần Nguyễn Hanh, Tổ trưởng Tổ tiếng Anh Trường THCS Lý Thánh Tông (quận 8), nhận xét đề thi năm nay có độ khó tương đương năm ngoái, có các câu hỏi cơ bản và các câu phân loại. Nếu những em có ngữ pháp và từ vựng tốt thì sẽ làm bài thuận lợi hơn. Phần câu hỏi cơ bản nằm ở 10 câu đầu và 2 câu sau. Câu hỏi phân loại bắt đầu từ phần đoạn văn bởi vì trong phần này có một số từ không nằm trong chương trình. Ở phần yêu cầu biến đổi câu, yêu cầu TS phải thành thạo cấu trúc và kỹ năng biến đổi. Bên cạnh đó còn cần kỹ năng tư duy làm bài. "Điều mong mỏi của nhiều giáo viên và TS là có hướng xử lý sai sót câu hỏi số 33 để các em yên tâm" - thầy Hanh nói.

Đặng Trinh - Yến Anh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/de-van-sang-tao-tieng-anh-co-sai-sot-20190602205310171.htm