Để 'Viên ngọc HGO' luôn tỏa sáng

Sau hơn 1 tháng kể từ ngày khánh thành, những ngày này, Nhà hát Hồ Gươm (HGO) vẫn đang được hoàn thiện về mọi mặt, từ cơ sở vật chất đến đội ngũ nhân sự. Được Bộ Công an và UBND TP Hà Nội quyết định đầu tư xây dựng tại 40 – 40A Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội – khu vực trung tâm của Thủ đô, HGO với hệ thống trang thiết bị tân tiến hàng đầu thế giới đang được đặt nhiều kỳ vọng trong phát triển văn hóa, nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu không chỉ của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ở Thủ đô mà còn của cả nước và quốc tế. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Giám đốc HGO quanh câu chuyện này.

PV: HGO được coi là công trình văn hóa mang tầm vóc quốc tế. Sau khi hoàn thiện, việc phát huy công trình này như thế nào là vấn đề đang được quan tâm. Trong vai trò của Giám đốc HGO, đồng chí có thể chia sẻ kế hoạch khai thác, vận hành Nhà hát như thế nào để đáp ứng mục tiêu đề ra?

Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy: Trước hết phải khẳng định HGO ra đời và đi vào hoạt động được thực hiện theo chủ trương của Đảng, Nhà nước về nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, đáp ứng mong mỏi của khán giả yêu thích nghệ thuật. Đây sẽ là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, chính trị của Đảng, Nhà nước, của Bộ Công an, TP Hà Nội và các chương trình nghệ thuật đặc biệt - những chương trình đòi hỏi cơ sở vật chất lớn, hiện đại, tiêu chuẩn cao.

Nằm ở trung tâm TP Hà Nội, HGO hướng tới trở thành điểm đến không thể thiếu của Thủ đô, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch của Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung. HGO có sự kết nối với nhiều nhà hát ở Thủ đô Hà Nội như Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ, Rạp Hồng Hà của Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội và là điểm nhấn trong mạng lưới các nhà hát tại Hà Nội.

Với 2 sân khấu biểu diễn lớn, được trang bị hiện đại, HGO đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế, là nơi đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất hiện đại phục vụ phát triển nghệ thuật. Khi các đoàn nghệ thuật quốc tế có yêu cầu khắt khe mà nhiều nhà hát ở Việt Nam trước đây không đáp ứng được, ví dụ như sân khấu chuẩn Broadway của Mỹ, các vở nhạc kịch của Pháp, Ý, hay “Hồ thiên nga” của Tchaikovsky của Nga… thì HGO sẽ đáp ứng. Bên cạnh đó, HGO sẽ góp phần tích cực thúc đẩy bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật của Việt Nam, trong đó có các nghệ thuật truyền thống như phục vụ, tổ chức các chương trình, vở diễn Tuồng, Chèo, Cải lương, Múa rối… chất lượng cao.

Bộ Công an quản lý HGO nhưng hưởng thụ giá trị từ công trình này là nhân dân và cán bộ, chiến sĩ Công an. Đây là nơi để các nghệ sĩ tài hoa của đất nước, của quốc tế đến sáng tác, sản xuất chương trình. Chúng tôi phải đáp ứng được yêu cầu của quốc gia và quốc tế về hoạt động nghệ thuật đỉnh cao, đồng thời xác định HGO phải tương tác được với nhu cầu của nhân dân và đặt ra chương trình, kế hoạch hoạt động, mục tiêu hàng năm rất rõ ràng. Khi mới nhận bàn giao, chúng tôi đặt mục tiêu truyền thông để các văn nghệ sĩ, nhân dân biết đây sẽ là địa điểm tin cậy để họ đến hưởng thụ nghệ thuật.

Trước mắt, chúng tôi tiếp cận những chương trình hàn lâm, mang ý nghĩa văn hóa, chính trị của đất nước, của Bộ Công an. Gần nhất là 3 chương trình hòa nhạc của Bộ Công an vào ngày 17, 18 và 19/8. Đây cũng là những chương trình biểu diễn chính thức đầu tiên tại HGO. Trong đó, chương trình ngày 17/8, chủ đề “Đất nước niềm vui”, do Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam thực hiện cùng với ca sĩ của Việt Nam, biểu diễn các tác phẩm âm nhạc về quê hương đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ và một số tác phẩm đỉnh cao của thế giới.

Ngày 18/8 là chương trình “Hòa nhạc giao hưởng tháng Tám”, trình diễn nhạc phẩm nổi tiếng thế giới, nhiều trích đoạn trong các vở Opera kinh điển, ca khúc nổi tiếng thế giới. Đây là chương trình đậm chất giao hưởng nhất trong 3 chương trình, sẽ do Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời và một số nghệ sĩ của Mỹ, Anh, Việt Nam biểu diễn. Chương trình 19/8 chủ đề “Vang mãi bản hùng ca”, sẽ có màu sắc riêng của lực lượng CAND. Giữ nhịp cho đêm nhạc là Dàn nhạc Giao hưởng của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, phối hợp có Nhà hát Ca Múa Nhạc CAND và Đoàn Nghi lễ CAND.

Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy.

Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy.

PV: Như vậy có phải là HGO sẽ không có chương trình mang tính giải trí, thương mại và chỉ cho thuê địa điểm tổ chức sự kiện văn hóa, nghệ thuật không, thưa Giám đốc?

Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy: Có thể sau này vì nhiệm vụ, trách nhiệm kinh doanh, chúng tôi sẽ tính toán, có thể tổ chức các chương trình giải trí, mang tính chất thương mại, nhưng sẽ lựa chọn rất kỹ. Tuy nhiên, trước hết, chúng tôi tiếp cận các sự kiện văn hóa chính trị của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, Hà Nội và các bộ, ngành. Ví dụ như các bộ, ngành có thể tổ chức hội nghị, hội thảo, tôn vinh nhà khoa học của quốc gia, quốc tế vào ban ngày và thưởng thức các chương trình nghệ thuật, kể cả những chương trình mang tính chuyên biệt như một vở Chèo cổ ngay tại HGO vào buổi tối.

Chúng tôi vừa mời các đoàn nghệ thuật quốc tế đến giới thiệu những tinh hoa nghệ thuật thế giới, vừa tự sản xuất chương trình của riêng HGO, hoạt động như một đơn vị nghệ thuật. Sắp tới, chúng tôi sẽ có Dàn nhạc Giao hưởng, hoạt động ở HGO. Vừa qua, chúng tôi đã ký kết ghi nhớ hợp tác với Nhà hát Opera hoàng gia Versailer của Pháp. Sắp tới, có thể chúng tôi sẽ ký kết hợp tác với một số đơn vị của Nga, Anh, Ý, Đức. Họ sẽ mang những tinh hoa nghệ thuật của thế giới đến Việt Nam, tại HGO.

Ở trong nước, chúng tôi có kế hoạch hợp tác với các dàn nhạc giao hưởng, nhà hát, trường đào tạo nghệ thuật uy tín để phối hợp tổ chức sản xuất các chương trình cụ thể theo tiêu chí của HGO. Ví dụ, tổ chức hòa nhạc, dựng nhạc kịch nhưng thiếu người biểu diễn, chúng tôi sẽ mời nghệ sĩ của các đơn vị đó tham gia. Nhà hát Ca Múa Nhạc CAND và Nhà hát Kịch CAND cũng sẽ là nơi để HGO khai thác nguồn diễn viên cho các chương trình của mình. Với các chương trình, vở diễn mang tính chất chuyên biệt hơn, ví dụ như một vở Chèo cổ, Tuồng cổ, Xiếc…, chúng tôi đặt hàng các nhà hát. Ngoài biểu diễn định kỳ tại HGO, chúng tôi còn có kế hoạch giới thiệu các chương trình, vở diễn của HGO ở nước ngoài, thông qua các đơn vị chúng tôi đã ký kết hợp tác.

PV: HGO dự kiến đến thời gian nào sẽ tổ chức được các chương trình định kỳ như thế?

Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy: Dự kiến, ngày 20/11, Cục Hậu cần Kỹ thuật, Bộ Công an mới chính thức bàn giao trụ sở HGO cho chúng tôi. Hiện tại chúng tôi đang tích cực chuẩn bị mọi mặt như hoàn thiện trang web, lên lịch hoạt động cho các chương trình biểu diễn của một số đơn vị và sản xuất một số chương trình của HGO. Cuối năm 2023, HGO sẽ ra mắt khán giả và biểu diễn định kỳ hàng tuần một vở nhạc kịch hoặc ballet. Chúng tôi dự kiến đặt hàng vở diễn Nhà hát Chèo Việt Nam và Nhà hát Chèo Hà Nội đến biểu diễn định kỳ tại HGO.

Về hợp tác quốc tế, chúng tôi ký kết hợp tác, đồng sản xuất với Nhà hát Opera hoàng gia Versailler của Pháp tác phẩm “Tổ khúc Bốn mùa” của Antonio Vivaldi. Đây là tác phẩm phù hợp với Việt Nam, tương đối phổ biến và không quá khó để tiếp cận. Bên Pháp có 1 bản diễn, ở Việt Nam cũng sẽ có 1 bản diễn. Có lúc, nghệ sĩ của Pháp sẽ sang HGO biểu diễn, có lúc người Việt Nam sang Pháp biểu diễn. Nhà hát Opera hoàng gia Versailler đang có kế hoạch biểu diễn tác phẩm này tại 300 quốc gia trên thế giới. Trên logo, Nhà hát Opera hoàng gia Versailler và HGO đặt song song.

Khán phòng lớn của Nhà hát Hồ Gươm trong ngày khánh thành.

Khán phòng lớn của Nhà hát Hồ Gươm trong ngày khánh thành.

PV: Mong muốn rất nhiều, kế hoạch cũng nhiều, nhưng có một vấn đề nan giải hiện nay là sân khấu trong nước đang khủng hoảng khán giả. Lãnh đạo Nhà hát tính toán như thế nào để vừa duy trì lịch biểu diễn định kỳ, vừa thu hút được người xem, đảm bảo doanh thu?

Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy: Đây là cái khó nhất và cái khó chung của Việt Nam, khiến rất nhiều người quản lý nghệ thuật, giám đốc các nhà hát đau đầu. HGO cũng thế. Nếu chỉ diễn tác phẩm kinh điển thì sẽ khó thu hút đông đảo khán giả. Nếu tiếp cận nhiều nhóm đối tượng khán giả thì phải có cách tiếp cận đúng, trúng với từng nhóm đối tượng. Phục vụ đối tượng khán giả nào, chúng tôi cũng xác định, trước hết, chương trình nghệ thuật phải đảm bảo chất lượng cao, để lại ấn tượng cho người xem.

Chúng tôi phải có đội ngũ tổ chức biểu diễn, có những người nghiên cứu thị trường, nghiên cứu phương pháp tiếp cận và xây dựng những chương trình phù hợp với từng nhóm đối tượng. Tất cả mọi hoạt động tại HGO phải được chuyên nghiệp nhất, để mọi người đến Nhà hát được hài lòng, từ cảnh quan, các phục vụ đến chất lượng vở diễn, thỏa mãn được nhu cầu tinh thần.

PV: Hiện tại, HGO có sự chuẩn bị về nhân lực như thế nào để đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đề ra, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy: Chúng tôi khá thuận lợi về nhân sự cho các phòng Tổng hợp, tài chính, hậu cần, công tác Đảng và công tác chính trị nhưng nhân lực cho kỹ thuật đang là vấn đề. HGO đáp ứng được các loại hình nghệ thuật biểu diễn, các phương tiện kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, sân khấu, điều kiện phụ trợ khác rất hiện đại, chưa từng có ở Việt Nam. Đội ngũ nhân lực phải tương thích với nó. Vì vậy, chúng tôi có kế hoạch chiêu mộ nhân tài, những người giỏi nghề.

Sau khi nhà cung cấp bàn giao hệ thống trang thiết bị cho sân khấu, âm thanh, ánh sáng, các chuyên gia của họ sẽ ở lại Việt Nam 1 năm để chuyển giao công nghệ đó cho đội ngũ công nhân viên kỹ thuật của nhà hát. Khi đội ngũ này sử dụng thành thạo, được các chuyên gia đó thẩm định thông qua các chương trình biểu diễn thực tế tại Nhà hát thì họ sẽ được bổ sung chính thức vào đội ngũ nhân lực của đơn vị. Chúng tôi xác định, nhân lực của HGO trước hết phải yêu nghề, yêu nghệ thuật, có tài năng và chúng tôi sẽ có cơ chế để giữ nhân tài gắn bó lâu dài với đơn vị.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy!

Hoa Nguyễn (thực hiện)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/de-vien-ngoc-hgo-luon-toa-sang-i703575/