Để xin cấp phép xây dựng, doanh nghiệp phải đi lại ít nhất 3 lần
Đó là một trong những nội dung được TS. Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - dẫn trong Báo cáo điều tra 'Thủ tục hành chính liên ngành trong lĩnh vực cấp phép xây dựng dưới góc nhìn của doanh nghiệp' do VCCI phối hợp với Bộ Xây dựng và Quỹ Friedrich Naumann Foundation của Đức (FNF) tổ chức sáng nay, tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, nhận định, hoạt động xây dựng rất quan trọng và liên quan đến nhiều đơn vị, cơ quan chức năng. Đồng thời, chịu sự quản lý của nhiều cấp, ngành nên thủ tục, quy định có nhiều phức tạp.
Những năm gần đây Chính phủ Việt Nam đã từng bước điều chỉnh về cơ chế chính sách để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng. Bên cạnh việc quản lý cấp phép theo hướng đơn giản và minh bạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm thiểu rủi ro, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án, công trình, Chính phủ cũng chỉ đạo các cơ quan quản lý nghiêm túc thực hiện việc cắt giảm số lần thanh, kiểm tra trong hoạt động xây dựng, nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp. Đ
Xuất phát từ bối cảnh này, VCCI đã chủ trì thực hiện báo cáo nhanh về thủ tục cấp phép xây dựng và các thủ tục hành chính liên quan. Báo cáo được xem là những nghiên cứu đầu tiên thu thập ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp về các thủ tục hành chính liên ngành trong cấp phép xây dựng. Đây là nghiên cứu dựa trên phương pháp chọn mẫu trên phạm vi cả nước với đối tượng trả lời là đại diện các doanh nghiệp có hoạt động xây dựng hoặc cải tạo công trình trong vòng 2 năm gần đây. Báo cáo tập trung vào mức độ thuận lợi, khó khăn của Doanh nghiệp khi thực hiện 13 thủ tục hành chính phổ biến trong các dự án đầu tư xây dựng từ việc phê duyệt chủ trương đầu tư cho đến đăng ký, chứng nhận sở hữu công trình xây dựng.
Cũng theo ông Hoàng Quang Phòng, Báo cáo cũng góp phần nhận diện những điểm nghẽn trong quy trình tiếp nhận và giải quyết cấc hồ sơ được cấp phép xây dựng, kiến tạo. Trong khuôn khổ của một nghiên cứu ban đầu, Báo cáo cũng cố gắng đưa ra bức tranh tổng thể, chi phí thời gian của doanh nghiệp để hoàn thiện thủ tục cấp phép xây dựng.
Giới thiệu chi tiết về công trình nghiên cứu, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI), cho biết, để thực hiện nghiên cứu này, một khảo sát toàn quốc đã được tiến hành và thu được phản hồi từ khoảng 10.000 doanh nghiệp. Trong đó, xấp xỉ 2.100 doanh nghiệp (gồm 82% doanh nghiệp trong nước và 18% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có hoạt động xây dựng mới hoặc cải tạo công trình, nhà xưởng trong vòng 2 năm gần đây.
Do các thủ tục hành chính liên quan tới công trình xây dựng rất đa dạng về số lượng và liên quan tới nhiều cấp chính quyền địa phương nên báo cáo đã lựa chọn ra 13 thủ tục hành chính để đánh giá. Nghiên cứu có một số phát hiện đáng chú ý như: việc thanh tra, kiểm tra về xây dựng còn tạo gánh nặng cho doanh nghiệp với khoảng 38,2% doanh nghiệp chưa hài lòng với hoạt động này của các cơ quan Nhà nước; trải nghiệm của các doanh nghiệp dân doanh kém tích cực hơn đáng kể so với các doanh nghiệp FDI; doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ là nhóm cảm thấy các trở ngại là rõ ràng nhất...
Ở 12/13 nhóm thủ tục, các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ dưới 10 lao động đứng đầu về tỷ lệ gặp trở ngại. Tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với doanh nghiệp ở các quy mô khác, đặc biệt ở các nhóm thủ tục về “quyết định chủ trương đầu tư”, “thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng”, “kết nối cấp điện”, “đăng ký giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng”.
Đa số doanh nghiệp đánh giá tích cực về quá trình chuẩn bị hồ sơ, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cấp phép xây dựng. Trong khi đó, chi phí không chính thức là vấn đề gây phiền hà hàng đầu cho doanh nghiệp. Thời gian giải quyết thủ tục cần phải được rút ngắn hơn nữa.
Còn 25% doanh nghiệp cho rằng, vẫn thiếu tiếp cận với những hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính. Thái độ của cán bộ giải quyết hồ sơ và tính phức tạp của quy định pháp luật trong lĩnh vực xây dựng có thể là nguyên nhân gây ra các trở ngại...
Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, một trong những điểm nghẽn quan trọng mà các doanh nghiệp mắc phải là có tới 52,8% doanh nghiệp nhận định nguyên nhân gây phiền hà trong quá trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ xây dựng là do cán bộ giải quyết hồ sơ; 52,1% doanh nghiệp cho rằng cho quy định pháp luật và 28,3% doanh nghiệp cho rằng do cán bộ tiếp nhận hồ sơ. Điều này ảnh hưởng đến chi phí thời gian cấp phép xây dựng của Doanh nghiệp.
“Số lần đi lại đến cơ quan giải quyết thủ tục hành chính kể từ khi hồ sơ của Doanh nghiệp được chấp nhận cho đến khi doanh nghiệp nhận được giấy phép, một doanh nghiệp cần khoảng 3 lượt đến cơ quan nhà nước để hoàn tất xin cấp giấy phép xây dựng. Số ngày doanh nghiệp chờ đợi để nhận giấy phép xây dựng trung bình 25 ngày...” – ông Tuấn nói.
Dựa trên các phân tích trên của nhóm nghiên cứu, ông Đậu Anh Tuấn kiến nghị, trong thời gian tới cần đồng bộ hóa, liên thông hóa các nhóm thủ tục chẳng hạn như trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, cần thẩm định đánh giá, kể cả môi trường nếu tiến hành cùng một lúc thay vì làm lần lượt từng thủ tục đến nhiều cơ quan khác nhau thì có thể giải quyết trong một quá trình. Hay việc thanh tra, kiểm tra nếu phối hợp lại cũng là một điểm rất tích cực.
Một trong những giải pháp quan trọng về mặt thể chế trong thời gian tới là có sự liên thông giữa các cơ quan nhà nước khác nhau, điều này sẽ giảm rất nhiều thời gian, chi phí và ngăn ngừa nhiều rủi do cho doanh nghiệp.