Đề xuất chính sách quản lý hải quan với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử

Thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có một văn bản quy định cụ thể nào để quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua các sàn. Hiện, cơ quan hải quan đang để xuất xây dựng một Nghị định để quản lý nội dung này.

Hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử được gửi về Việt Nam được thực hiện thủ tục hải quan theo các loại hình khác nhau của cơ quan hải quan. Ảnh: TL.

Hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử được gửi về Việt Nam được thực hiện thủ tục hải quan theo các loại hình khác nhau của cơ quan hải quan. Ảnh: TL.

Việt Nam chưa có quy định riêng với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử

Hiện nay, Việt Nam được coi là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử cao nhất toàn cầu và dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

Năm 2023 tổng doanh thu từ giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng trên các nền tảng thương mại điện tử đã đăng ký tại Việt Nam đạt khoảng 498,9 nghìn tỷ đồng, trong đó, tổng doanh thu của 5 nền tảng thương mại điện tử lớn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok shop lên đến 233,2 nghìn tỷ đồng, tăng 53,4% so với năm 2022 (theo Metric).

Bà Đỗ Thị Thu Thủy - Giám đốc Pháp lý và Hải quan, Công ty trách nhiệm hữu hạn chuyển phát nhanh DHL - VNPT cho biết, thời gian qua, cơ quan hải quan đã hỗ trợ mạnh mẽ, đồng hành cùng doanh nhiệp trong việc thực hiện thủ tục hải quan. Chúng tôi kỳ vọng sẽ sớm có văn bản quy phạm pháp luật cụ thể, tạo thuận lợi về vấn đề này được ban hành để làm sao giúp là cơ quan hải quan quản lý một cách hiệu quả cũng như đảm bảo tạo thuận lợi thương mại.

Theo Amazone công bố, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới của Việt Nam tăng trưởng trên 20% mỗi năm và dự kiến đạt 256,1 nghìn tỷ đồng (11,1 tỷ USD) vào năm 2026. Mặc dù vậy, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đã và đang đặt ra nhiều vấn đề, thách thức mới đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, trong đó, bao gồm cả việc quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới.

Về thể chế, hiện nay, Việt Nam chưa có quy định riêng đối với hàng hóa được giao dịch qua thương mại điện tử. Tùy từng trường hợp, hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử được gửi về Việt Nam được thực hiện thủ tục hải quan theo các loại hình khác nhau của cơ quan hải quan.

Cụ thể: hàng hóa gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh thì được thực hiện theo quy định về hàng hóa gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh; hàng hóa gửi qua dịch vụ đường biển, đường bộ, đường không thông thường thì thực hiện thủ tục hải quan như đối với hàng hóa thông thường.

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị quản lý

Nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện quản lý đối với loại hình giao dịch thương mại điện tử, Tổng cục Hải quan hiện đang xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử để trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành.

Công chức Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh (Cục Hải quan Hà Nội) kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Ảnh: Châu Anh.

Công chức Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh (Cục Hải quan Hà Nội) kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Ảnh: Châu Anh.

Theo Tổng cục Hải quan, dự thảo Nghị định có nhằm xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị quản lý về chính sách thương mại điện tử, chính sách mặt hàng, thanh toán đối với giao dịch thương mại điện tử nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại điện tử phát triển đảm bảo sự vận hành thông suốt giữa người mua, sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà sản xuất, đơn vị vận chuyển nhưng vẫn đảm bảo được việc quản lý của các cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, xây dựng một hệ thống để kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trên nền cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp như: hoàn thiện cơ sở pháp lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro đối với các đối tượng có tham gia vào hoạt động giao dịch thương mại điện tử.

Tuy nhiên, việc ban hành Nghị định còn phụ thuộc tiến độ đầu tư Hệ thống hải quan số. Đồng thời ngành Hải quan cần có thời gian để rà soát lại các chủ trương, chính sách để đảm bảo làm sao các quy định của hoạt động thương mại điện tử vừa tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân được thực hiện mua bán được nhanh chóng, được nhận hàng nhanh, các sàn giao dịch thương mại điện tử có các điều kiện được phát triển ở Việt Nam nhưng đồng thời phải bảo vệ người tiêu dùng cũng như bảo hộ nền sản xuất trong nước.

Về kiểm soát, thời gian vừa qua, một số đối tượng lợi dụng sự thông thoáng về chính sách, sự phát triển của thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ ký gửi hàng hóa, hành lý… để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan hải quan đã chủ động thu thập thông tin, nắm vững tình hình địa bàn; kết hợp đồng bộ, hiệu quả giữa phương pháp kiểm soát hải quan hiện đại với phương pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan truyền thống, phối hợp, trao đổi thông tin chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng trong và ngoài ngành nhằm chủ động, phòng ngừa từ xa, từ sớm. Qua đó đã kịp thời ngăn chặn và phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm góp phần đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và chống thất thu ngân sách nhà nước.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/de-xuat-chinh-sach-quan-ly-hai-quan-voi-hang-hoa-xuat-nhap-khau-giao-dich-qua-thuong-mai-dien-tu-161248.html