Đề xuất chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2021 - 2025
Ngày 19/9, tại Bạc Liêu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo khoa học 'Đánh giá chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, đề xuất chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025'.
Tại hội thảo, bà Phạm Minh Thu (Viện Khoa học Lao động và Xã hội) cho biết, giai đoạn 2016 - 2020 tỷ lệ nghèo chung cả nước chiếm 5,23%, cận nghèo là 4,59%. Trong đó, miền núi Tây Bắc có tỷ lệ nghèo cao nhất, gấp 4,63 lần tỷ lệ nghèo chung, tiếp theo là miền núi Đông Bắc và Tây Nguyên. Đông Nam Bộ là vùng có tỷ lệ nghèo thấp nhất (dưới 1%), Đồng bằng sông Hồng dưới 2%.
Nguyên nhân nghèo phát sinh chủ yếu tập trung ở điều kiện kinh tế, điều kiện tự nhiên, nguồn vốn tài chính, nguồn vốn vật chất, nguồn vốn con người với các hình thức nghèo phát sinh như: Hộ nghèo tách ra từ hộ nghèo cũ; hộ nghèo tách ra từ hộ nghèo, hộ cận nghèo; hộ không nghèo trở thành nghèo do biến cố, rủi ro.
Từ thực trạng trên, bà Phạm Minh Thu đề xuất một số khuyến nghị chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, đối với thiết kế chuẩn nghèo: Hướng tới xây dựng chuẩn nghèo theo cách tiếp cận quốc tế; rà soát, bổ sung, sửa đổi đa chiều và chỉ số để đảm bảo phản ánh các quyền cơ bản; cân nhắc về chiều, chỉ số thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu; sửa đổi ngưỡng thiếu hụt các chiều, chỉ số cũ để phù hợp với bối cảnh mới.
Đối với đo lường, giám sát: Công bố các chỉ số, độ sâu, bất bình đẳng trong nghèo đa chiều; phát triển cơ sở dữ liệu có tính cập nhật, chia sẻ, thống nhất trên toàn quốc.
Đối với xác định đối tượng: Mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng tập huấn cho điều tra viên; tạo nền tảng ứng dụng để người dân chủ động đăng ký tham gia khảo sát, đăng ký thoát nghèo.
Đối với chính sách: Chính sách không nên phân tích theo nhóm đối tượng nghèo thu nhận, nghèo đa chiều; từng bộ ngành có liên quan cần xác định mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về giảm tỷ lệ thiếu hụt các chiều nghèo; quá trình lồng ghép chính sách giảm nghèo vào chính sách kinh tế - xã hội cần được xây dựng thành quy trình và hướng dẫn cụ thể cho địa phương; đưa tỷ lệ nghèo đa chiều, tỷ lệ thiếu hụt các chiều nghèo làm tiêu chí phân bổ ngân sách; thúc đẩy hoạt động giám sát, đánh giá.
Đối với tăng cường truyền thông cho cán bộ và người dân: Nhận thức về nghèo đa chiều, giảm nghèo bền vững, nhận thức về chuẩn nghèo đa chiều, chiều và chỉ số đo lường; mục tiêu giảm nghèo và tư tưởng chủ động thoát nghèo…
Cũng tại hội thảo, bà Lò Thị Đức, Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường (Tổng cục Thống kê) đề xuất thước đo, điều kiện và tiêu chí nghèo đa chiều cần thỏa mãn: Đơn giản, dễ dàng trong xác định và đo lường; khả thi trong thu nhập thông tin, kể cả với quy mô lớn; có thể xác định, đo lường, đánh giá và phân tích bằng phương pháp định lượng; chỉ tiêu lựa chọn trong mỗi chiều nên bao gồm cả chỉ tiêu khả năng tiếp cận hay tính sẵn có của các dịch vụ kinh tế - xã hội và cả các chỉ tiêu phản ánh được kết quả, không nên chọn các chỉ tiêu giá trị do khó thu thập lại chịu tác động của giá trị không gian và thời gian; những mục tiêu trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trung hạn và dài hạn của đất nước và các chỉ tiêu có tính so sánh quốc tế. Giai đoạn 2021 - 2025, các giải pháp giảm nghèo tập trung vào: Chiều giáo dục; chiều y tế; nhà ở; nước sạch và vệ sinh; tiếp cận thông tin; an sinh xã hội.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Vương Phương Nam, Chương trình giảm nghèo đa chiều là một trong những mục tiêu quốc gia được tỉnh quan tâm, xem là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, Bạc Liêu đã huy động cả hệ thống chính trị triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm nghèo theo chuẩn đa chiều bền vững. Tính đến hết năm 2018, tỉnh đã giảm được gần 8.700 hộ nghèo và giảm gần 5.700 hộ cận nghèo; vận động Quỹ Vì người nghèo - An sinh xã hội được hơn 121 tỉ đồng; giải quyết việc làm cho gần 24.600 người; đào tạo nghề cho hơn 14.100 lao động…
Song song với với các chính sách của Trung ương, Bạc Liêu còn triển khai nhiều chính sách đặc thù của địa phương, phân công đảng viên nhận giúp đỡ hộ nghèo. Năm 2018, tỉnh đã nhận giúp đỡ gần 7.400 hộ nghèo với tổng số tiền 26,5 tỉ đồng bằng nhiều hình thức như: Hỗ trợ tài chính; cây con, giống, thức ăn; các mô hình sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo… đa số các hộ nhận giúp đỡ đã thoát nghèo bền vững. Cùng với đó, tỉnh ban hành Nghị quyết hỗ trợ Bảo hiểm y tế cho người khi thoát nghèo với thời hạn 1 năm để hạn chế tình trạng tái nghèo do bệnh tật với kinh phí mỗi năm trên 15 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng thừa nhận tỉnh cũng còn gặp nhiều khó khăn trong công tác giảm nghèo: Nguồn lực đầu tư cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển tuy được đầu tư nhưng mức đầu tư còn thấp so với nhu cầu thực tế; có nhiều chính sách giảm nghèo nhưng chủ yếu mang tính hỗ trợ trong khi đó chính sách đầu tư tạo sinh kế cho người nghèo chưa được nhiều, suất đầu tư thấp.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức ở một số địa phương hiệu quả chưa cao; người nghèo vẫn còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước…