Đề xuất đầu tư dự án cấp nước an toàn Vùng ĐBSCL

Thực hiện Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch cấp nước Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin chủ trương nghiên cứu chuẩn bị đầu tư dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL. Dự án nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch tại các đô thị, các khu, cụm công nghiệp tập trung và dân cư nông thôn trong khu vực Tây Nam sông Hậu (Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và An Giang)

Nguồn nước cho Dự án dự kiến lấy từ vị trí ít bị nhiễm mặn của sông Hậu.

Vùng tây nam sông Hậu là khu vực có dân cư đông đúc, với khoảng 9,1 triệu người (hiện chiếm khoảng 74% dân số ĐBSCL và khoảng 10% tổng dân số Việt Nam) và sẽ tăng lên 10,7 triệu người vào năm 2020. Hiện nay, dịch vụ cấp nước và thoát nước tại khu vực đô thị do các Cty Cấp thoát nước quản lý và vận hành với tổng công suất sản xuất hiện tại đạt khoảng 600 nghìn m3/ngđ. Theo ước tính, nhu cầu dùng nước tại khu vực này dự kiến sẽ tăng đến khoảng 1,5 triệu m3/ngđ vào năm 2020 và 2,1 triệu m3/ngđ vào năm 2025.

Tuy là khu vực có mật độ sông ngòi dày đặc nhưng hiện tại nguồn cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất ở Tây Nam sông Hậu ngày càng khan hiếm và suy giảm về chất lượng. Trong đó đáng lo ngại nhất là vấn đề xâm nhập mặn trên các con sông, vấn đề nhiễm phèn hoặc ô nhiễm do nước thải, chất thải không được kiểm soát, xả ra môi trường. Ở một số tỉnh thuộc hạ lưu sông Hậu (Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau), việc sản xuất nước sạch đang phụ thuộc chủ yếu từ nguồn nước ngầm. Việc khai thác quá tải và thiếu sự kiểm soát đã dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng nguồn nước ngầm, làm tăng thêm nguy cơ xâm nhập mặn và sụt lún nền đất.

Mặt khác, theo dự báo của Bộ TN&MT, ĐBSCL là khu vực chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, khi trung bình 1m nước biển dâng sẽ làm ngập 39% diện tích đồng bằng và ảnh hưởng đến 35% dân số khu vực. Số liệu khảo sát cho thấy xu hướng xâm nhập mặn vào đất liền ngày càng tăng về diện tích và nồng độ mặn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tỉnh thành: Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang.

Do đó, việc sử dụng có hiệu quả và bảo vệ nguồn nước khu vực Tây Nam sông Hậu khỏi sự cạn kiệt, ô nhiễm là hết sức cần thiết và cấp bách, có ý nghĩa sống còn đối với vấn đề cấp nước an toàn của khu vực. Việc đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước có quy mô liên vùng tỉnh, khai thác nguồn nước Sông Hậu tại vị trí không bị nhiễm mặn để cấp nước an toàn, ổn định cần sớm triển khai nhằm làm giảm nguy cơ các hệ thống cấp nước hiện có không hoạt động được do nguồn nước thô ngày càng bị suy thoái, đồng thời mở rộng dịch vụ cấp nước đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân trong khu vực.

Dự kiến nguồn nước cung cấp cho dự án cấp nước an toàn Vùng ĐBSCL là nguồn nước mặt của sông Hậu lui về phía thượng nguồn nhằm tránh khả năng bị nhiễm mặn trong tương lai. Nước sạch sau khi xử lý sẽ được bơm theo hệ thống ống truyền tải chạy dọc theo quốc lộ đến cấp/bán nước cho các tỉnh thành tại những vị trí đấu nối chính. Khu vực dự án đề xuất bao gồm 7 tỉnh thành: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và An Giang.

Song song với quá trình nghiên cứu phương án đầu tư dự án, Bộ Xây dựng cũng triển khai nghiên cứu cập nhật và sửa đổi, bổ sung Quy hoạch cấp nước cho 12 tỉnh thuộc vùng ĐBSCL, nhằm rà soát, đánh giá nhu cầu sử dụng nước sạch giai đoạn 2020 - 2025 và 2020 - 2030 và tác động của biến đổi khí hậu đến các nhà máy nước hiện có, khả năng sử dụng nguồn nước mặt trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến khó lường. Đến nay, dự thảo quy hoạch cập nhật đã được hoàn thành cơ bản, Bộ Xây dựng dự kiến sẽ tổ chức hội thảo xin ý kiến trong tháng 4/2015.

Dự án cấp nước an toàn Vùng ĐBSCL dự kiến được triển khai theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 xây dựng một nhà máy xử lý nước và hệ thống truyền tải, phân phối cho 5 tỉnh thành: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau; giai đoạn 2 mở rộng hệ thống cấp nước vùng để cung cấp nước cho 2 tỉnh Kiên Giang và An Giang. Dự kiến dự án được thực hiện trong thời gian 10 năm (2017 - 2026). Tổng mức đầu tư dự án sẽ được xác định cụ thể trong quá trình nghiên cứu tiền khả thi, việc phân kỳ đầu tư phù hợp với việc vận động nguồn vồn đầu tư cho dự án. Do quy mô và tầm quan trọng của dự án, Bộ Xây dựng đề xuất Dự án cần được xem xét, vận động sử dụng nguồn vốn ODA tài khóa 2017.

Trần Đình Hà

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/de-xuat-dau-tu-du-an-cap-nuoc-an-toan-vung-dbscl.html