Phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân

Thời gian qua, các thế lực thù địch đã thực hiện nhiều âm mưu, thủ đoạn để chống phá Đảng, Nhà nước ta trên tất cả các mặt, lĩnh vực, trong đó có nền tảng tư tưởng của Đảng. Do đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Đảng phải sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp 'dựa vào nhân dân để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng'.

Bài học “lấy dân làm gốc”

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già kính yêu của dân tộc, cả cuộc đời của Người luôn dành tình yêu thương vô hạn cho các tầng lớp nhân dân. Người luôn đề cao vai trò của nhân dân và đề ra trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân. Người khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Nhân dân là vốn quý của dân tộc, quốc gia; phục vụ nhân dân là sự nghiệp vẻ vang của Đảng, Nhà nước. Nhân dân chính là gốc, cội nguồn của sức mạnh, động lực nội sinh quyết định cách mạng thành công, vẻ vang của dân tộc.

Ông Lê Xuân Thu, ở thôn Minh Mỹ, nêu ý kiến tại Hội nghị đối thoại giữa Bí thư Huyện ủy Sơn Tịnh với người dân xã Tịnh Bắc. Ảnh: BẢO PHƯỢNG

Ông Lê Xuân Thu, ở thôn Minh Mỹ, nêu ý kiến tại Hội nghị đối thoại giữa Bí thư Huyện ủy Sơn Tịnh với người dân xã Tịnh Bắc. Ảnh: BẢO PHƯỢNG

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn đề cao vai trò của nhân dân, được thể hiện rõ trong các văn kiện chính trị quan trọng của Đảng. Đại hội III của Đảng nêu rõ vai trò của Đảng trong mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân: “Sức mạnh của nhân dân là ở chỗ có Đảng tiên phong lãnh đạo; sức mạnh vô địch của Đảng là ở chỗ liên hệ mật thiết với quần chúng đông đảo”. Đại hội VI, bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng đã tổng kết sâu sắc thực tiễn, rút ta 4 bài học quan trọng có ý nghĩa chỉ đạo sự nghiệp đổi mới, trong đó bài học hàng đầu là “trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”.

Dựa trên bài học được rút ra, sau 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nước ta đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đại hội VIII của Đảng đã đánh giá: “Chính những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân là nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Cũng do nhân dân hưởng ứng đường lối đổi mới, dũng cảm phấn đấu, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách mà công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu hôm nay”.

Tại Đại hội XII của Đảng, tổng kết 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng ta đã đúc kết: “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đất nước phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Đại hội XIII rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn, trong đó đã khẳng định: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”... Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”...

Nhiệm vụ của toàn dân

Từ định hướng lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã cụ thể hóa các quan điểm đó vào Hiến pháp năm 2013. Tại Điều 2 nêu rõ: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân...”. Đây chính là hành lang pháp lý để Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội phải vì nhân dân phục vụ, phát huy vai trò của nhân dân để triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng...

Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới đã xác định đây là “nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân”. Vì vậy, Đảng phải thường xuyên nắm chắc tình hình, nêu cao cảnh giác, thực hiện đồng bộ các giải pháp đấu tranh; trong đó, “dựa vào dân để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” là một trong các giải pháp đặc biệt quan trọng.

Để phát huy vai trò của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ này, thiết nghĩ, cần tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân về quan điểm “dân là gốc”, nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ hai, Nhà nước tiếp tục thể chế hóa quan điểm lãnh đạo của Đảng bằng các quy định pháp lý nhằm tạo điều kiện để nhân dân thực hiện “nhân dân là chủ” bằng việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở.

Thứ ba, Đảng, Nhà nước không ngừng đổi mới hình thức tuyên truyền các quan điểm lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, giúp nhân dân hiểu đúng, hiểu rõ để từ đó tự nguyện chấp hành, thực hiện có hiệu quả, mang lại lợi ích chính đáng cho nhân dân, góp phần xây dựng đất nước. Với các vấn đề, vụ việc nhạy cảm, phức tạp cần cung cấp thông tin kịp thời, có định hướng dư luận, tạo sự ổn định chính trị - xã hội, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Thứ tư, tiếp tục xây dựng “thế trận lòng dân”, phát huy vai trò của nhân dân trong nắm bắt địa bàn, phát hiện những vấn đề khác thường phát sinh trong địa bàn dân cư, kịp thời báo cáo cơ quan chức năng để nắm tình hình, xử lý các vấn đề mới phát sinh ngay từ cơ sở, kịp thời dập tắt các hoạt động chống phá của các tổ chức, lực lượng phản động dưới mọi hình thức từ khi mới manh nha hình thành tại cơ sở.

Thứ năm, phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở, các chi bộ trực thuộc, tổ dân phố, thôn, làng trong nắm bắt tình hình ở địa bàn dân cư, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, kịp thời phản ánh, đề xuất, kiến nghị của nhân dân đối với Đảng, chính quyền, cấp trên.

Thứ sáu, phát huy vai trò của hội đồng nhân dân các cấp, ĐBQH trong hoạt động tiếp xúc cử tri. Thông qua đó lắng nghe ý kiến phản ánh của nhân dân, kịp thời đề đạt ý kiến của nhân dân đến cấp có thẩm quyền để điều chỉnh, ban hành chính sách phù hợp từ trung ương đến cơ sở để lãnh đạo thực hiện đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tiến đến xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

BÍCH HÀ

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chinh-tri/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/202409/phat-huy-suc-manh-cua-quan-chung-nhan-dan-26111cd/