Đề xuất giải pháp hỗ trợ phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nâng cao năng lực cho phụ nữ dân tộc thiểu số; mở rộng và đẩy mạnh công tác giáo dục về bình đẳng giới trong gia đình, nhà trường, cộng đồng...

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Mai Hoa

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Mai Hoa

Ngày 4-10, Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học quốc gia khu vực miền Bắc với chủ đề: “Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi; khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giai đoạn tiếp theo”.

Hội thảo có sự góp mặt của các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia, và đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ các tỉnh thuộc địa bàn Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” khu vực miền Bắc.

Dự án 8 là một trong 10 dự án thành phần thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Sau gần 3 năm triển khai, Dự án 8 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận tại 40 tỉnh được cấp ngân sách Trung ương và 11 tỉnh tự chủ ngân sách. Các hoạt động của dự án tập trung vào việc tuyên truyền, vận động thay đổi định kiến giới, xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, triển khai các chương trình đào tạo và trang bị kiến thức về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị và cộng đồng.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Mai Hoa

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Mai Hoa

Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu, nhà khoa học đã nêu nhiều ý kiến nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, phân tích hiệu quả quá trình vận hành Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” ở một số địa phương…

Nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới. Đồng thời, quan tâm đào tạo nâng cao năng lực cho phụ nữ dân tộc thiểu số; mở rộng và đẩy mạnh công tác giáo dục về bình đẳng giới trong gia đình, nhà trường, cộng đồng, thúc đẩy sự tham gia của trẻ em, thu hút sự tham gia của nam giới, trẻ em trai trong thực hiện bình đẳng giới…

Đặc biệt, chú trọng truyền thông trên nền tảng số kết hợp truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, phát hành các sản phẩm truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới phù hợp với từng địa bàn, đối tượng cụ thể. Cùng với đó là tăng cường lồng ghép giới trong xây dựng các Luật có liên quan, giám sát chấp hành chính sách pháp luật trong thực thi luật liên quan đến quyền lợi chính đáng đối với phụ nữ và trẻ em.

Mai Hoa

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/de-xuat-giai-phap-ho-tro-phu-nu-tre-em-vung-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-680305.html